ỨNG DỤNG TLH – GDH CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG SƯ PHẠM: BIỆN PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐẦU RA GIÁO SINH SƯ PHẠM – NHÀ GIÁO TƯƠNG LAI
TS. Bùi Sông Thu
I. Vấn đề:
Nghị quyết TW6 khóa XI có đưa vấn đề “Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục”; trên các phương tiện truyền thông đại chúng báo đài, dư luận quần chúng lại có nói “nguồn giáo viên vừa thừa lại vừa thiếu”, “một lớp học chỉ có 2 em học sinh do quy hoạch dân cư và các công trình thủy điện không tính đến giáo dục”.
Nhằm đi vào trọng tâm đề tài, bài viết này không luận bàn đến “cán bộ quản lý giáo dục” mà chỉ giới hạn phân tích chất lượng giáo sinh ở các trường sư phạm – đội ngũ nhà giáo tương lai.
II. Phân tích:
Đội ngũ nhà giáo là tập thể thầy cô giáo ở nhiều cấp bậc thuộc ngành giáo dục – đào tạo, là lực lượng lao động chính, giảng dạy rèn luyện học sinh từ mẫu giáo, tiểu học, trung học đến sinh viên cao đẳng, đại học. Nhà giáo được đào tạo từ các loại trường sư phạm các cấp.
Hầu hết nhà giáo tiểu học (TH) được đào tạo từ các trường trung học sư phạm, nhà giáo trung học cơ sở (THCS) được đào tạo từ các trường cao đẳng sư phạm, nhà giáo trung học phổ thông (THPT) được đào tạo từ các trường đại học sư phạm. Chính quyền địa phương quản lý sử dụng nhà giáo, giáo sinh vừa tốt nghiệp theo nhu cầu giáo dục.
Về quy hoạch các loại trường, thì trung học sư phạm và cao đẳng sư phạm được thành lập ở nhiều tỉnh thành, đại học sư phạm thường được phân bố ở thành phố lớn hoặc ở từng khu vực.
Trong cuộc sống thường ngày, ai cũng biết rằng, muốn làm con dao sắt bằng thủ công thì phải có nguyên liệu sắt thép, hợp kim, phụ gia, bễ phụt hơi, kèm, búa đe, than, nước. Người thợ rèn có nguyên tắc, qui trình kỹ thuật và phương pháp thích hợp để tạo ra cái dao bén. Người sử dụng dao phải biết cách thức sử dụng nghĩa là chọn lựa đối tượng, vật thể để cắt, bảo quản rửa dao, mài dao, cất giữ để dùng được lâu bền.
Con dao làm ra không đạt yêu cầu là do nhiều nguyên nhân. Có thể do nguyên liệu, chất liệu để rèn con dao không đạt hoặc người rèn không chuyên hoặc cả hai lý do.
Con dao làm ra cần phải có người biết cách thức sử dụng thì mới đạt được hiệu quả cao.
Trong lĩnh vực giáo dục, nhà giáo lúc còn trong trường sư phạm thì gọi là giáo sinh, đó là những học sinh vừa tốt nghiệp THCS hoặc THPT được tuyển vào trường sư phạm, là đối tượng tác động của thầy cô sư phạm. Lượng học sinh này ở nhiều trường trung học khác nhau, có trình độ năng lực khác nhau. Nhiệm vụ của thầy cô sư phạm là giảng dạy kiến thức khoa học, nghiệp vụ giáo dục cho giáo sinh đầu vào để có đầu ra đạt chuẩn yêu cầu. Quá trình đào tạo sư phạm được tác động bởi nhiều yếu tố giáo dục, trong đó có 4 yếu tố giáo dục đang xem xét ở đây, đó là “chất lượng đầu vào của giáo sinh” (1), “khoa học và nghiệp vụ sư phạm” (2), “năng lực thầy cô giáo sư phạm” (3), “nhiệm vụ, đối tượng đào tạo của trường sư phạm” (4). Bốn yếu tố giáo dục này tạo nên chất lượng đào tạo sư phạm. Nhằm sáng tỏ vấn đề ta phân tích, xem xét như sau:
(1). Yếu tố “chất lượng đầu vào giáo sinh” thấp:
Về ý thức xã hội, trong nhiều thập niên qua đa số những em tốt nghiệp THCS, THPT không khá giỏi mới chọn vào các trường sư phạm. Trong gần 4 thập niên qua, dân gian nước ta có câu “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”.
Các em “không khá giỏi” có học lực thấp, đạo đức không đồng đều từ nhiều trường phổ thông tụ về gây nên thiếu tập trung, dẫn đến khó tiếp thu kiến thức thầy cô truyền đạt, rèn luyện. Thầy cô sư phạm không thể thấu suốt tất cả các em do phẩm chất và hoàn cảnh gia đình giáo sinh nằm ở trình độ thấp này rất đa dạng và nhiều vấn đề nan giải. Chất lượng giáo sinh đầu vào thấp thì không thể có chất lượng giáo sinh đầu ra cao, đạt chuẩn.
Cần chuyển hóa ý tưởng “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” để tạo nên tập thể “Lương sư hưng quốc” và phục hồi vị thế tốt đẹp của nhà giáo trong lòng nhân dân.
(2). Yếu tố “khoa học và nghiệp vụ giáo dục sư phạm” thấp.
Khoa học và nghiệp vụ giáo dục sư phạm đã được triển khai nhiều thập kỷ trước đây, nay chưa theo kịp hai đợt cách mạng khoa học kỹ thuật trên thế giới (1940 – 1970 và 1970 – 1990). Một số trường đại học sư phạm của ta đã xây được cơ sở vật chất hiện đại, có trang thiết bị, nội dung chương trình được chuẩn hóa, song còn rất nhiều trường sư phạm, kiến thức, nội dung chương trình, cấu trúc thời gian dạy và học, cơ sở vật chất, phương tiện giảng dạy – thí nghiệm, các môn khoa học cơ bản, các môn học nghệp vụ chưa đổi mới. Khoa học và nghiệp vụ giáo dục thấp thì không thể có chất lượng đào tạo sư phạm cao, đạt chuẩn được.
(3). Yếu tố “năng lực thầy cô giáo sư phạm” còn hạn chế:
Một số trường sư phạm có truyền thống giữ lại những sinh viên khá giỏi để bổ sung cho đội ngũ đã cống hiến nhiều, đến tuổi về hưu; trường thường xuyên cho giảng viên đi tu nghiệp, học tập nâng cao trình độ, tay nghề. Tuy nhiên, tại một số trường, năng lực thầy cô giáo sư phạm còn hạn chế, không đồng đều, chưa được trang bị bổ sung kiến thức mới. Thầy cô sư phạm chưa hoặc ít được tham quan học tập tại những nước có nền giáo dục tiến bộ.
Tại một số nơi, trong quá trình trước đây, các thầy cô sư phạm cũng không được chọn lọc kỹ càng theo những tiêu chí của một trường sư phạm chuẩn mực vì do chiến tranh; rồi với ý tưởng “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”, cách nhìn của xã hội ngày nay gây cản trở cho lực lượng học sinh ưu tú vào ngành sư phạm để sau này trở thành giảng viên sư phạm có năng lực, giỏi. Năng lực thầy cô giáo sư phạm còn hạn chế thì không thể có chất lượng đào tạo sư phạm cao, đạt chuẩn được.
(4). Yếu tố “nhiệm vụ, đối tượng đào tạo của trường sư phạm” chưa chuẩn.
Trước đây, trường sư phạm chỉ đào tạo hệ chính quy, giáo sinh đầu ra vừa đủ cung cấp cho các trường phổ thông, hoặc đôi khi chưa đủ số lượng. Nhờ phân phối thời gian hợp lý nên giảng viên tập trung tốt trong giảng dạy, có thời giờ nghiên cứu chuyên sâu hoặc chăm sóc những giáo sinh chưa theo kịp tập thể. Nếu có giờ giảng dạy phụ trội giáo viên cũng dạy hết mình, rất đáng thán phục, khen ngợi. Tinh thần giảng viên hưng phấn cởi mở, yêu quý nghề nghiệp.
Thế nhưng, hiện nay có nhiều trường sư phạm đào tạo đa hệ, chính quy, tại chức, chuyên tu, từ xa. Tại các trường đào tạo đa hệ, số lượng giáo sinh không chính quy thuộc trường sư phạm tăng vọt, nhà giáo sư phạm phải tăng giờ chạy xô, sức khỏe giảm sút, thời gian dành cho chính quy, cho nghiên cứ eo hẹp hoặc không còn nữa, làm sao quan tâm đến từng em giáo sinh.
Việc đào tạo đa hệ, tuy thu thêm được một số tiền cải thiện cuộc sống, nhưng nó sẽ chiếm hết thời gian dạy chính thức, giảm thời gian nghiên cứu, giảm sức khỏe thầy cô sư phạm, phân cực việc lãnh đạo, quản lý của trường sư phạm. Trường sư phạm đào tạo đa hệ thì không thể có chất lượng đào tạo sư phạm cao, đạt chuẩn được.
Theo thống kê của Bộ GD – ĐT và Tổng cục Thống kê thì hiện nay một số các tỉnh thành đều dư thừa giáo viên, dư thừa giáo sinh tốt nghiệp hàng năm (Dư thừa khoảng 30.000 giáo viên THCS và THPT).
Việc thặng dư này xảy ra một phần lớn cũng do các trường sư phạm hạ điểm chuẩn, tăng qui mô tuyển sinh và mở rộng hình thức đào tạo tại chức, từ xa; lúc tuyển sinh không chú ý đến nhu cầu nguồn nhân lực của xã hội.
III. Kết luận và đề xuất:
Từ phân tích làm rõ ở trên, có đề xuất cần phải thay đổi, nâng tầm 4 yếu tố giáo dục đào tạo sư phạm sau:
- Chất lượng đầu vào giáo sinh trường sư phạm phải được nâng lên.
- Kiến thức, nội dung chương trình, giáo trình, dụng cụ nghiên cứu thí nghiệm, phương pháp giảng dạy… phải được nâng tầm thế kỷ XXI.
- Chất lượng thầy cô sư phạm cũng phải tự tái đào tạo kiến thức mới, rèn luyện củng cố thêm.
- Trường sư phạm chỉ được đào tạo giáo sinh chính qui và tập trung, không nên đào tạo đa hệ.
Muốn nâng tầm 4 yếu tố giáo dục đào tạo sư phạm nói trên ta phải:
(1). Tiêu chuẩn hóa đầu vào và đầu ra cho giáo sinh các loại trường sư phạm:
Đầu vào:
+ Tiêu chuẩn về cơ thể, vóc dáng hình thức bên ngoài. Hội đồng y khoa khám sức khỏe đầu vào trước khi nhận đơn dự thi: cao, nặng, không khuyết tật, giọng nói, phát âm, có sức khỏe tốt. Nhà giáo phải đủ chuẩn để thu hút người học, không làm phân tán suy nghĩ của người học.
+ Phẩm chất đạo đức tốt. Hội đồng tuyển sinh chỉ tuyển học sinh PTCS/ PTTH được giáo viên chủ nhiệm phê có hạnh kiểm tốt hoặc đạo đức tốt.
+ Học lực khá giỏi. Phải qua một kỳ thi tuyển để chọn học sinh khá giỏi theo chỉ tiêu của nhà trường.
+ Cấp học bổng toàn phần hoặc bán phần cho giáo sinh sư phạm. Có quy định mới, riêng cho đội ngũ này.Tình nguyện phục vụ bất cứ nơi nào trên lãnh thổ Việt Nam.
Đầu ra:
+ Giáo sinh phải đạt kết quả từng môn học hoặc tín chỉ mỗi năm học.
Năm học cuối cùng phải đỗ hết những môn học hoặc tín chỉ phải học và làm luận văn tốt nghiệp.
+ Tốt nghiệp xếp loại cao và được nhận xét tốt thì được ưu tiên chọn nhiệm sở, nơi giảng dạy.
+ Quy định cho những giáo sinh không đạt yêu cầu trong quá trình đào tạo thì phải chuyển sang học tại một loại trường khác có tiêu chuẩn thấp hơn.
(2). Kiến thức, nội dung, chương trình, thí nghiệm…
Xây dựng cơ sở vật chất hiện đại, đáp ứng nhu cầu đào tạo sư phạm. Biên soạn, điều chỉnh nội dung, chương trình, giáo trình. Phương tiện phục vụ giảng dạy phải thích ứng khoa học kỹ thuật của thế kỷ XXI, nhập máy móc thiết bị tân tiến về tháo rời để dạy và học.
(3). Năng lực và nghiệp vụ sư phạm của thầy cô sư phạm
Thầy cô sư phạm cần tự học bổ sung kiến thức mới, nội dung mới, trong quá trình giảng dạy. Muốn thầy cô sư phạm có kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng giảng dạy mới thuộc thế kỷ XXI, trường sư phạm cần qui hoạch sắp xếp nguồn lực để thầy cô có thời gian học liên tục, không nên vừa học vừa làm, cần có 2 loại hình học tập dài hạn và ngắn hạn. Nên đào tạo tập trung, ở trong môi trường tập thể để tự rèn luyện và đây là một thử thách vô cùng to lớn. Ăn ở học tập trung thì có rất nhiều ưu điểm trong đào tạo, song ảnh hưởng đến bản thân và gia đình người đi học rất lớn, thầy cô có nỗ lực nhiều mới vượt qua nổi; vì vậy nhà nước cần chú ý thu nhập sau lương khi thầy cô sư phạm hoàn thành nghĩa vụ tái đào tạo. Trong lúc tái đào tạo thì lãnh tiền tương đương lương đang hưởng.
(4). Nhiệm vụ, đối tượng đào tạo của trường sư phạm (Trường sư phạm và các hệ đào tạo):
Tập trung vào nhiệm vụ chính yếu là đào tạo giáo sinh chính quy. Cần đổi mới và thông suốt nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của trường; tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn của thầy cô sư phạm, nghiên cứu viên, chuyên viên, nhân viên. Xây dựng kế hoạch ngắn hạn và dài hạn theo yêu cầu đào tạo sư phạm. Đưa kiến thức khoa học và nghiệp vụ thế kỷ XXI vào nội dung giảng dạy, kiến thức mới sẽ tạo nên kiến thức mới nữa. Trường sư phạm phải có gắn kết nhuần nhuyễn khoa học cơ bản với khoa học nghiệp vụ sư phạm. Gắn giảng dạy với nghiên cứu sư phạm; trường sư phạm qui định thời gian giảng dạy và thời gian nghiên cứu bổ sung chuyên môn, mỗi cá nhân hoặc tập thể nghiên cứu 1 – 2 đề tài trong một năm.
Tóm lại, Phân tích ở trên cho thấy rằng bất cập trong đào tạo sư phạm dẫn đến vấn đề giáo dục phổ thông của ta thiếu rất nhiều giáo viên có chất lượng cao mà lại dư thừa nhiều giáo viên chất lượng thấp ở các cấp học. Nguồn giáo viên dư thừa hiện nay còn yếu về tầm, về năng lực và về phẩm chất đạo đức. Do vậy, trường sư phạm các cấp cần mạnh dạn thay đổi, nâng tầm các yếu tố giáo dục đào tạo sư phạm để chuyển hóa giáo sinh thành những nhà giáo đạt chuẩn giáo dục trong thế kỷ XXI theo tinh thần nghị quyết TW6 khóa XI.
Tài liệu tham khảo:
Nghị quyết TW6 khóa XI.
Nghị quyết Đại hội XI.
Nghị quyết Hội nghị 2 Ban chấp hành TW khóa VIII.
Số liệu thống kê Bộ GD – ĐT.
Tổng cục thống kê.
GS VS Phạm Minh Hạc: “Một số vấn đề giáo dục Việt Nam đầu thế kỷ 21”.
GS TS Thái Duy Tuyên: “Phương pháp dạy học: Truyền thống và đổi mới”.
TS Sông Thu: “Vị trí cốt lõi của nội dung giáo dục, chương trình giáo dục trong sự nghiệp đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam”.
GS TS Nguyễn Ngọc Phú: “Về hiện trạng giáo dục nước nhà và cách tháo gỡ”.