Đại Bình – Một làng quê

0
1112

Chúng tôi về Đại Bình (tên tiếng Nôm là Đại Bường), xã Quế Trung, huyện Nông Sơn vào một ngày cuối tháng Tám đầy nắng gió. Quãng đường như gần hơn bởi những câu chuyện không dứt. Bên kia bờ, Đại Bình như một ốc đảo bình yên, tĩnh mịch ẩn mình sau những rặng tre um tùm như thành lũy dựng ở triền sông Thu…

Chiếc ghe máy ở bến đò sau chợ Trung Phước đưa chúng tôi sang sông. Trưa, nắng tháng Tám phản chiếu trên mặt sông Thu Bồn lấp lánh. Đại Bình lại mở rộng vòng tay đón từng đoàn khách lạ tham quan. Bởi không biết tự thuở nào làng nổi tiếng là một miệt vườn Nam bộ thu nhỏ.

Cuộc viếng thăm đến rồi đi trong thoáng chốc, nhưng cũng đủ đánh thức sự yên bình sau lũy tre xanh bởi bước chân rộn ràng gõ nhịp. Nụ cười, ánh mắt, bờ môi chợt thắp lên niềm vui hun hút ngõ xóm, đường quê.

Nếu du khách muốn cảm nhận không gian thăm thẳm của đại ngàn cùng bức tranh thiên nhiên trải dọc hai triền sông Thu, thì hãy chậm rãi làm cuộc hành trình ngược dòng con nước. Còn muốn vội vàng hơn thì khởi hành ô tô rẽ cầu Nông Sơn sẽ được thưởng thức bức tranh sơn thủy trầm mặc hữu tình. Còn nữa, du khách muốn tìm cảm giác chòng chành lãng mạn khi mái chèo cắt sóng thì hãy ngồi lắc lư trên be chiếc đò ngang sẽ nhanh hơn cập bến Đại Bình.

Dẫu hành trình đò dọc hay đò ngang thì du khách cũng phải chấp nhận thử thách khi vượt qua bãi cát dài bỏng rát. Riêng với những kiểu giày cao gót yểu điệu thục nữ sẽ khó khăn hơn khi vượt bãi, bởi những hạt cát vô tình níu giữ gót chân sen.

Qua được bãi cát chói chang trong nắng, du khách có thể đặt bước lên từng cấp dẫn đến cổng làng. Vịn nhẹ bàn tay vào cổng làng uy nghi cổ kính, ta có thể hình dung bề dày văn hóa một làng quê.

Làng Đại Bình có từ thời Thái Đức nguyên niên 1778 (Bộ của làng – tư liệu hiện tại còn lưu trữ ở gia đình bác bảy Tín). Ngót mấy trăm năm với nỗ lực đấu tranh sinh tồn, làng đã trải qua nhiều cuộc lở bồi rung chuyển thời gian, mới có được một Đại Bình trù phú như ngày hôm nay. Để rồi mảnh đất bằng phẳng, trải rộng đầy ắp phù sa, ướp cho cây dâu mượt mà xen cùng mùa vụ. Từng giọt mồ hôi của người nông dân ướt đẫm mỗi gốc dâu xanh, giúp họ vượt qua khó khăn, bù đắp những ngày chưa giáp hạt. Khi giọt mưa phùn sẵn sàng gõ cửa, họ lại quây quần bên lò cau khô sưởi ấm đông về. Những vườn cau dày đặc xanh ngắt lưng trời đã dưỡng nuôi những con người tảo tần lao động. Họ thêm cái ăn, cái mặc, dựng cửa, xây nhà…

Nơi đây, phù sa bồi đắp thắm tô cho màu xanh cây mía trải khắp ruộng đồng. Nghề nấu đường cũng ra đời từ thuở ấy. Mỗi khi lò đường rực lửa thâu đêm là ta biết mùa xuân đang về với nơi đây. Hương thơm ngọt của đường vừa chín tới, đánh thức đêm sâu im lìm, thổi bùng sức sống của vạn vật, làng quê.

Có thể nói, tất cả những nghề trên một thời thăng hoa tỏa sáng, bởi đó là “nghề vàng nổỉ” giúp cho người nông dân giàu có hơn sau những vụ mùa.

Đến tận bây giờ, mảnh đất Đại Bình vẫn màu mỡ phù sa, để bốn mùa cây xanh trái ngọt. Ta phải nói lời cảm ơn, vì đó là quà tặng của sông Thu mang lại cho người. Do vậy, bất cứ loại cây trái nào cũng phù hợp với thổ nhưỡng nơi đây. Từ cây sầu riêng sần sùi thân trái; cây măng cụt mang đậm sắc tím chân quê; đến cam, quýt, hường tràn vị ngọt… Đặc biệt, cây trụ lông khác hẳn dòng họ của mình như thanh trà, bòng đỏ, bưởi năm roi… Quả trụ lông chín đúng kì sẽ là món quà lạ cho khách phương xa chở nụ cười về nơi xa lắc…

Hãy một lần ghé thăm nơi đây! Hãy nâng niu vị ngọt thơm của cây trái Đại Bình! Và hãy cùng trân trọng vẻ đẹp văn hóa vốn có tự thuở nào của một làng quê!.

Mạc Ly