Trong không khí tưng bừng và rộn ràng của những ngày cuối năm, để chuẩn bị đón một mùa xuân mới, mùa Lễ hội mới trên quê hương Gò Nỗi thân yêu tươi đẹp, chúng tôi có dịp ghé thăm Đền tưởng niệm Khu truyền thống văn hóa làng Trừng Giang (Điện Trung), để tỏ lòng thành kính, tưởng niệm ghi ơn một quá khứ oai hùng của ông cha ta đã anh dũng hy sinh, đổi lấy độc lập tự do, để có cuộc sống thanh bình như hôm nay.
Quá khứ đã đi qua, chứng tích về làng Trừng Giang một thời khói lửa vẫn còn ghi dấu, như nhắc nhở thế hệ con cháu chúng ta biết đến công lao, máu xương của ông cha để lại. Vì lẽ đó, nhằm thực hiện truyền thống và đạo lý của dân tộc “Ăn quả nhớ người trồng cây”; “Uống nước nhớ nguồn”; đặc biệt, xuất phát từ ý tưởng và tâm nguyện của nhân dân làng Trừng Giang tại quê nhà và trên mọi miền đất nước, Khu truyền thống văn hóa làng Trừng Giang được xây dựng hoàn thành với bao nỗi khát khao của đồng bào, đồng chí và đồng đội:
“Người còn sống nhớ thương người đã khuất
Khắc đá làm bia dựng giữa đất trời”.
Đền thờ mà chúng tôi vừa nhắc đến tọa lạc ở làng Trừng Giang (thôn Hòa Giang – xã Điện Trung) trên mảnh đất gần 3.000 mét vuông, uy nghi, bề thế, rợp bóng cây. Có thể gọi đây là điểm hội tụ của những tấm lòng. Bởi từ ý tưởng của ông Nguyễn Thanh Bình, một người con quê hương làng Trừng Giang công tác tại TP. Hồ Chí Minh, công trình đã được những người con Gò Nổi sống xa quê, cả những người có chút tình cảm, kỷ niệm gắn bó với mảnh đất, con người nơi đây và những người đang ngày đêm lam lũ trên đồng ruộng quê hương đồng tâm hiệp lực xây nên. Với gần 3.000 ngày công của dân làng và kinh phí 200 triệu đồng, sau hai năm xây dựng, năm 1998, giai đoạn 1 của công trình là nhà bia tưởng niệm ghi tên các anh hùng liệt sĩ và những người dân của làng hy sinh trong kháng chiến chống xâm lăng được hoàn thành.
Cũng chừng ấy ngày công và kinh phí gần 1,5 tỉ đồng, năm 2007, giai đoạn 2 của công trình gồm: Đền thờ Vua Hùng Vương, thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, thờ chư phái tộc làng Trừng Giang và miếu thờ Thành hoàng làng cũng đã được hoàn tất. Triết lý văn hoá dân gian Việt Nam: nhà – làng – nước được thể hiện một cách rõ nét trong ý tưởng và cả trong không gian kiến trúc nơi đây.
Nhằm thể hiện “tình đoàn kết” tấm lòng nhân ái của nhân dân Trừng Giang và những gia đình có công cống hiến cho Tổ Quốc, Đền tưởng niệm đã được xây dựng để tôn thờ 3 ngôi thứ: Tổ Quốc, Làng quê, Gia đình.
Với bao mồ hôi, công sức sau bao năm dài xây dựng, ngày 24/04/2007 (nhằm ngày mồng Mười tháng Ba âm lịch), chính quyền và nhân dân Điện Trung đã vui mừng khánh thành Đền thờ và tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương lần thứ I.
Được biết, Đền tưởng niệm Khu truyền thống văn hóa làng Trừng Giang là nơi để thờ Quốc tổ Hùng Vương – Bác Hồ; những bậc tiền nhân của 15 dòng tộc đã khai phá lập nên làng Trường Giang; các bà mẹ Việt Nam anh hùng, các Anh hùng liệt sỹ, đồng chí, đồng bào và nhân dân đã ngã xuống cho hai cuộc kháng chiến. Hằng năm, vào ngày 10/3 (Âm lịch) tại Đền tưởng niệm Khu truyền thống văn hóa làng Trừng Giang, Huyện ủy, Đảng ủy, UBND xã Điện Trung cùng phối hợp luân phiên với các xã Điện Phong, Điện Quang tổ chức lễ Giỗ Tổ Hùng Vương trong không khí tự hào và trang trọng, theo đúng nghi thức và trình tự tế lễ, được các cấp chính quyền tỉnh, huyện, xã, địa phương lân cận, các cá nhân doanh nghiệp cùng với bà con 3 xã Gò Nổi sẽ đến đây thắp nén nhang ngưỡng vọng tổ tiên.
Dù chỉ là thờ vọng, song người dân ai cũng mong muốn ngôi Đền phải có được sinh khí “quốc hồn” nên trước đó, đoàn đại biểu cán bộ, nhân dân 3 xã vùng Gò Nổi đã tổ chức chuyến hành hương về Đền Hùng (Phú Thọ) viếng Tổ và xin thỉnh nghinh linh khí Quốc Tổ gồm: chân hương, đất núi Hùng, nước giếng Ngọc đưa về tổ chức trọng thể Lễ An vị linh khí Quốc Tổ nhập tượng. Từ đây, đền thờ Quốc Tổ ở làng Trừng Giang trở thành một phần không thể thiếu trong tâm thức người dân Gò Nổi, thành biểu tượng của lòng tri ân, hướng về nguồn cội, ngưỡng vọng công đức các Vua Hùng; là nơi hội tụ sức mạnh và niềm tự hào của các dòng tộc trong vùng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân và truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Tương thân tương ái”, xây dựng đời sống văn hoá tinh thần ngày một tốt đẹp hơn, xây dựng Gò Nổi, Điện Bàn ngày thêm giàu đẹp.
Và hẳn nhiên, Đền thờ này cùng với Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm sẽ là một trong những địa chỉ văn hoá – du lịch hấp dẫn du khách gần xa.
Nguyễn Chính