Văn hóa đọc có bị lấn át bởi văn hóa nghe nhìn?

0
342

Ngày nay, trước sự bùng nổ của các phương tiện truyền thông như ti vi, báo điện tử, đặc biệt là Internet, sách không còn là “món ăn tinh thần” của  nhiều người, đặc biệt là giới trẻ. Dường như hình ảnh đứa trẻ ngồi trên lưng trâu đọc sách giữa một không gian khoáng đạt, bao la đồng ruộng, đồi cây vốn là biểu tượng lãng mạn của văn hoá đọc đã không còn nữa. Văn hoá nghe nhìn với nhiều hình thức giải trí phong phú, tiện ích như xem phim, xem ca nhạc, xem tin tức, đọc truyện, chơi game, đang lấn lướt, và dần dần thay thế vai trò độc tôn của sách.

Đặc biệt, trong thời kinh tế thị trường, qũy thời gian của mỗi người dường như bị rút ngắn rất nhiều cộng với nỗi lo cơm áo, gạo tiền, nên ít người còn tinh thần, trí óc để tập trung vào trang sách. Riêng với hình thức giải trí nghệ thuật, chúng ta vẫn có thể kết hợp cùng lúc nhiều việc ở một mức độ nào đó, chẳng hạn như vừa ăn uống vừa xem thời sự, nghe đài. Như vậy rõ ràng so với sách, văn hoá nghe nhìn có lợi thế, phù hợp hơn với nhịp sống hiện đại. Cộng thêm “căn bệnh lười đọc” đã tồn tại lâu nay, rồi cảm giác hụt hẫng nếu đọc trúng các đầu sách chạy theo trào lưu văn hóa rẻ tiền. Vì vậy, văn hoá đọc gần như đã bị văn hoá nghe nhìn lấn át.
Nói như thế không có nghĩa là sách đang mất dần vị trí trong đời sống. Bởi dù xã hội có phát triển đến đâu thì sách vẫn có những ưu thế tuyệt vời của nó. Ngoài sự cuốn hút từ họa tiết, trang trí, trình bày ngoài bìa, thì chính cốt lõi nội dung tư tưởng mà cuốn sách chứa đựng mới đích thực là nguồn nam châm thu hút tâm trí con người. Sách mang lại cho ta những am hiểu có phân tích, chọn lọc, ghi nhận và điều quan trọng là hiểu được tận ngọn nguồn của vấn đề, của kiến thức mà không một phương tiện truyền thông nào truyền tải được.

Tầm quan trọng của sách là thế đó, ngay cả ông chủ sáng lập của Microsoft cũng từng khuyên rằng: “Phải biết đầu tư thực sự cho học vấn của mình, và một trong những cách đầu tư có hiệu quả lâu dài  nhất là đọc sách”. Sinh thời Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đã nói: “Không có gì thay thế được văn hóa đọc”; Trước thềm thiên niên kỷ mới, nhà nghiên cứu văn hoá Hữu Ngọc cũng từng lo lắng khi thốt lên câu hỏi: “Thế kỷ XXI, liệu văn hoá đọc có còn nữa không?” Ngẫm và nghĩ, rồi  ông  khẳng định như đinh đóng cột: “Có tồn tại, bởi bản thân hình ảnh thì chỉ thoảng qua, từ ngữ mới đọng lại, đọng lại lâu bền”.
Cho nên mai sau, mai sau nữa, sách vẫn không hề mất đi giá trị truyền thống của nó. Bởi cái cảm giác được lật từng trang sách, chiêm ngưỡng từng hình ảnh, nuốt từng con chữ, hấp thu từng ngóc ngách của kiến thức trên trang giấy còn tươi nguyên mùi mực, có lẽ mãi mãi là điều thú vị vô cùng mà không một món ăn tinh thần nào thay thế được. Thế nên cá nhân tôi cho rằng văn hoá đọc sẽ không bao giờ bị lấn át, đè bẹp, mà sách vẫn mãi là nguồn tri thức bậc nhất của con người.

Huy Tuấn