Làng đá mỹ nghệ Non Nước: Đậm nét văn hóa vùng miền

0
956

Trải bao thăng trầm lịch sử, các làng nghề Cẩm Lệ, Cẩm Nê, Phong Nam, làng cổ Túy Loan… vẫn nguyên một thế giới tâm linh thiêng liêng, gần gũi với hồn người dân xứ Quảng. Trong đó, làng đá mỹ nghệ Non Nước đã trở thành một trong những làng nghề truyền thống nổi tiếng mang đậm nét văn hóa đặc sắc của mảnh đất Đà Nẵng.

Được hình thành vào khoảng thế kỷ XVII, cách đây khoảng bốn trăm năm, Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước nằm ngay dưới chân danh thắng Ngũ Hành Sơn, do những người thợ xứ Thanh – xứ Nghệ vào lập ấp tạo dựng. Lúc bấy giờ, sản phẩm chủ yếu phục vụ đời sống gồm những hòn chì đá dùng để buộc neo tàu thuyền, các loại cối giã gạo, xay bột; tiếp theo là những sản phẩm điêu khắc bia mộ, đặc biệt là những chế tác Rồng, Phượng, Rùa, nghề phục vụ cho trang trí tại các Chùa chiền, Miếu mạo, Lăng tẩm, cung đình. Những sản phẩm điêu khắc đá truyền nghề và phát triển qua nhiều đời , dần đi vào đời sống tinh thần, phản ảnh nền văn hoá truyền thống của một vùng dân cư với nghề điêu khắc đa mỹ nghệ.

Lúc đầu kỹ thuật chế tác đá Non Nước chỉ được đào tạo theo kiểu truyền nghề và chủ yếu dựa theo kinh nghiệm và trí nhớ. Nhưng dần dần về sau, do nhu cầu phát triển, nhiều nghệ nhân đã mở lớp đào tạo bài bản chuyên nghiệp, kết hợp giữa sáng tác cổ truyền và hiện đại, tạo nên những sản phẩm tinh xảo hơn, tính mỹ thuật ngày càng cao hơn, tạo nên một thương hiệu rất riêng của Làng nghề.

Sản phẩm đá mỹ nghệ Non Nước hiện rất phong phú về màu sắc và đa dạng về chủng loại. Bên cạnh những đồ dùng thông dụng, thô sơ của cuộc sống đời thường như cái chày, cái cối, các bia mộ là những đồ trang sức hết sức tinh tế, đủ các màu sắc, như những chiếc vòng, chiếc nhẫn, chuỗi hạt, những con cóc chặn giấy bằng đá bích vân xanh biếc, những cặp sư tử hí cầu, những con đại bàng sải rộng cánh, những cặp cá thần tiên bằng đá cẩm thạch hồng hoặc thủy mặc, hay những pho tượng vô cùng tinh xảo, đủ các kích cỡ…

Trước đây, nguồn đá chủ yếu để sản xuất được lấy trược tiếp từ núi Ngũ Hành Sơn. Từ khi có quy định cấm khai thác đá, nhằm bảo vệ khu thắng cảnh Ngũ Hành Sơn, nguyên liệu chính để sản xuất được cung cấp từ các địa phương như Nghệ An, Thanh Hoá, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Quảng Nam… Chất liệu được sử dụng rất đa dạng như đá vôi, cẩm thạch, sa thạch…

Các sản phẩm đều được điêu khắc bằng tay rất tinh vi, trải qua nhiều công đoạn từ lựa chọn đá, hình dung phôi tượng, đục đẽo… cho tới khâu cuối cùng là mài và đánh bóng tượng. Những sản phẩm mỹ nghệ là món quà lưu niệm đối với du khách, đồng thời là nguồn sống, niềm đam mê sáng tạo của những người thợ đang ngày đêm miệt mài thổi hồn vào những tảng đá vô tri.

Với lịch sử làng nghề lâu đời, đã tạo dựng được thương hiệu ở trong và ngoài nước, làng đá mỹ nghệ Non Nước mỗi năm sản xuất được 60.000 – 70.000 sản phẩm, giá trị thương mại ước đạt hàng trăm tỷ đồng. Sản phẩm của làng nghề là những vật kỷ niệm đầy ý nghĩa của danh thắng, có giá trị kinh tế cao, đóng góp khoản ngân sách đáng kể vào tiềm năng kinh tế của thành phố Đà Nẵng, đã theo chân các du khách có mặt ở nhiều nơi trên thế giới.

Nhằm tạo điều kiện để làng nghề phát triển ổn định và bền vững, thời gian qua, UBND thành phố Đà Nẵng và quận Ngũ Hành Sơn đã đưa ra nhiều giải pháp để làng nghề phát triển bền vững. Trong đó, các vấn đề quy hoạch, sắp xếp lại làng nghề, về phát triển nguồn lao động, về nguyên liệu, vốn, thị trường cũng như khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, tăng cường vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước và Hội làng nghề… đang được thành phố và quận hết sức quan tâm.

Ngày nay, công nghệ hiện đại đã giúp ích rất nhiều cho việc làm giảm bớt sự vất vả của thợ chế tác ở nhiều công đoạn nhưng cái quan trọng làm nên tác phẩm vẫn là bàn tay con người và nhất là hồn người. Những người dân thuộc làng đá Non Nước Đã bao đời nay sống cùng đá, nhờ đá, nhưng cũng có lúc chết vì niềm đam mê với đá. Vì vậy mà mỗi một sản phẩm ra đời được xem như “đứa con tinh thần” mang trong mình hơi thở và nhịp sống của những người dân làng đá Non Nước.

Nằm ngay trong lòng danh thắng Ngũ Hành Sơn nên từ lâu làng đá mỹ nghệ Non Nước đã trở thành một điểm tham quan, mua sắm lưu niệm hấp dẫn của du khách mỗi khi đến Đà Nẵng. Nhờ vậy sản phẩm đá mỹ nghệ Non Nước đã theo chân du khách có mặt trên khắp thế giới.

——o0o——

Có thể khẳng định, đá mỹ nghệ Non Nước đã và đang trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, góp phần làm đa dạng cho sản phẩm du lịch của Đà Nẵng. Những sản phẩm của làng nghề là món quà lưu niệm ý nghĩa đối với du khách, đồng thời là nguồn sống, niềm đam mê sáng tạo của những người thợ điêu khắc đang ngày đêm miệt mài thổi hồn vào những phiến đá vô tri.

Nằm ngay trong lòng danh thắng Ngũ Hành Sơn nên từ lâu làng đá mỹ nghệ Non Nước đã trở thành một điểm tham quan, mua sắm lưu niệm hấp dẫn của du khách mỗi khi đến Đà Nẵng. Nhờ vậy sản phẩm đá mỹ nghệ Non Nước đã theo chân du khách có mặt trên khắp thế giới.

Nam Phương