Bối cảnh nền giáo dục Việt Nam trước khi đổi mới căn bản và toàn diện

0
3729
TS. Bùi Sông Thu - Viện trưởng Viện Khoa học quản trị Phương Nam, TP. HCM.

Dạy chữ, dạy người, dạy nghề là câu nói của tổ tiên, ông bà chúng ta về hoạt động giáo dục nhằm hình thành nhân cách một con người, rèn luyện cho người đó vững vàng một nghề trong tay, để đến khi trưởng thành họ sống xứng đáng là con người của xã hội, lao động phục vụ tốt bản thân, gia đình và cộng đồng.

Bối cảnh của một bức tranh là phần nền mà người họa sĩ vẽ ra trước, để sau đó họ thêm bớt những nét vẽ chấm phá nhằm tạo ra một bức tranh hoàn chỉnh. Mỗi bức tranh nói lên ý nghĩa, cái hồn của bức tranh vẽ. Nếu phần nền không khớp, không cộng hưởng với các nét chấm phá thêm bớt thì bức tranh bị hỏng. Bối cảnh một màn kịch là phần nền ta trưng bày các vật thể, ánh sáng âm thanh nhằm tạo nên cảnh tượng; cảnh tượng này cần phải ăn khớp, phục vụ hành động biểu diễn của diễn viên. Nếu dựng một cảnh tượng không phù hợp, thì màn diễn bị phá vỡ không còn ý nghĩa, mất hiệu quả, một màn kịch thất bại.

Như vậy, bối cảnh là phần nền trong đó chứa đựng nhiều sự việc khác nhau, chúng riêng lẻ hoặc chen lẫn, tác động với nhau. Các sự việc đó, nó hiển hiện trước mắt và trong nhận thức của chúng ta và chúng sẽ phát triển theo nhiều chiều hướng.

Bối cảnh nền giáo dục là tất cả các sự việc, các yếu tố giáo dục tạo nên nền giáo dục đó.

Để có một quan niệm, nhận thức đúng đắn về bối cảnh nền giáo dục hiện nay, ta cần phân tích, tổng hợp, nhận định toàn diện bối cảnh sự việc từ vĩ mô đến vi mô, từ tổng quan đến từng phần một cách sâu sắc bối cảnh nền giáo dục để từ đó có thể định hướng, hình thành mô hình một nền giáo dục tiên tiến hiện đại, phục vụ cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa nước nhà trong thế kỷ 21.

Trong thời kỳ đô hộ nước ta, năm 1917, Pháp đã thiết lập một nền giáo dục chung cho cả ba miền Nam – Trung – Bắc. Hệ thống giáo dục lúc đó gồm tiểu học, trung học và đại học; kiến thức và nội dung trong chương trình giáo dục được lấy từ chính quốc Pháp, ngôn ngữ trong việc dạy và học là tiếng Pháp.

Cách mạng dân tộc dân chủ thành công, ngày 2.9.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập ở Ba Đình – Hà Nội, Thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngay sau đó Chính phủ bắt đầu một nền giáo dục cách mạng, lấy tiếng Việt làm ngôn ngữ chính trong văn tự hành chính và giảng dạy. Nền giáo dục cách mạng phục vụ đắc lực hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, dẫn đến thắng lợi và thống nhất đất nước vào năm 1975.

Ngay sau 1975, ta đã hợp nhất nền giáo dục ở hai miền đất nước. Nền giáo dục cách mạng đã trải qua 3 lần cải cách giáo dục, đã đạt được một số thành tựu rất đáng tự hào. Nền giáo dục đã đào tạo được nguồn nhân lực bảo vệ tốt thành quả cách mạng, giữ vững sự ổn định đất nước, phục vụ cho công cuộc xây dựng nền kinh tế, đổi mới từ quản lý tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; trong đó thành quả giáo dục tiêu biểu nhất là xóa nạn mù chữ, bổ túc văn hóa, phổ cập giáo dục, hình thành hệ thống giáo dục quốc dân gồm có giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên, xây dựng mạng lưới quản lý giáo dục và trường lớp từ trung ương đến cơ sở, từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa; trường lớp từ chỗ ít ỏi, tranh tre nay đã xây dựng khang trang hiện đại; phân cấp các bậc học, cấp học, ngành học vững chắc; các loại trường hướng nghiệp, ngành nghề đã phản ánh các hoạt động sản xuất của toàn dân. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý từ chỗ “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” đã được đào tạo quy mô, số lượng hàm học vị tăng nhiều; hệ thống trường dân lập, tư thục đã có ở các bậc học; điều kiện học tập của trẻ em căn bản được đáp ứng đầy đủ; chế độ, chính sách ban hành nhằm ổn định mọi hoạt động giáo dục.

Tuy nhiên, do tác động lớn của xã hội, của nền kinh tế thị trường, từ 1990 đến nay, nền giáo dục dần dần bị tụt hậu. So với các nước phát triển thì các yếu tố giáo dục căn bản trong hoạt động giáo dục hơn 20 năm qua của ta nay đã lỗi thời, không còn phù hợp, làm cản trở con đường đi lên của giáo dục. Các yếu tố giáo dục gây cản trở đó gồm có kiến thức trong nội dung chương trình các môn học lạc hậu; phân ban chưa triệt để; thi tốt nghiệp trung học phổ thông chưa phản ánh chất lượng thật sự; chất lượng đào tạo trong trường sư phạm các cấp còn thấp; ngành giáo dục thường xuyên chưa đạt mục tiêu; việc quản lý văn bằng chứng chỉ còn sơ sót; chưa bình đẳng trong giáo dục công lập và ngoài công lập; quy định tuyển sinh đầu vào đại học, cao đẳng thay đổi hàng năm; mạng lưới cơ sở trường chưa cân đối trong địa giới hành chính dân cư; chưa cân đối trong đầu tư giáo dục tại các vùng miền; các vấn đề không tốt đẹp nảy sinh như mua bằng, bán điểm, bắt ép học sinh học thêm ngoài giờ; đầu tư cho công lập không đúng chủ trương chính sách; tỉ lệ người học đại học, cao đẳng so với trung cấp, nghề quá lớn, không hợp lý; liên thông giữa trung cấp, cao đẳng và đại học chưa đúng mục tiêu đào tạo; chưa ưu đãi chất xám xuất sắc đã đào tạo ra, chảy máu phân tán chất xám xuất sắc ra bên ngoài – nhân cách học sinh, sinh viên sụt giảm…

Và, còn rất nhiều yếu tố giáo dục cần phải điều chỉnh, chưa được đề cập ở đây.

Tóm lại, trước những thay đổi vùn vụt của thế giới về khoa học kỹ thuật và công nghệ (công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu, công nghệ chế tạo máy, công nghệ dược sinh hóa, công nghệ năng lượng…), nước ta đã mở rộng quan hệ quốc tế song phương và đa phương về ngoại giao, kinh tế, khoa học kỹ thuật, an ninh quốc phòng, nên từ đó ta rất cần nguồn nhân lực được đào tạo có tri thức cao ngang tầm khu vực và thế giới nhằm bảo vệ, phát triển mọi hoạt động. Nhận thức được điều này, Đảng đã đặt vấn đề thay đổi căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam, mà nền giáo dục thì xuất sứ và phát triển dựa trên các yếu tố tạo nên nền giáo dục, bao gồm: nguồn ngân sách giáo dục, cơ chế quản lý giáo dục, hệ thống giáo dục, cơ quan quản lý giáo dục, cán bộ giáo viên – giảng viên, kiến thức trong nội dung giáo dục, chương trình giáo dục, giáo trình, sách giáo khoa, các loại trường học, thời gian cho mỗi bậc học – cấp học, sử dụng nguồn, nhân lực, xã hội hóa giáo dục,…

Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục là phải tác động đến tất cả các yếu tố cấu tạo nên nền giáo dục đó; yếu tố nào phù hợp với mô hình nền giáo dục tiên tiến, hiện đại của thế kỷ 21 thì tiếp tục lưu giữ phát triển, yếu tố nào không còn phù hợp thì phải thay thế bởi yếu tố khác tiến bộ hơn. Trong tất cả các yếu tố kể trên thì kiến thức trong nội dung giáo dục và chương trình giáo dục là trọng tâm nhất vì nó là chất liệu để viết lên giáo trình, sách giáo khoa. Từ giáo trình, sách giáo khoa người giảng viên, giáo viên mới suy nghĩ, sáng tạo phương pháp hoặc dựa theo phương pháp hướng dẫn mà giảng dạy cho từng bài giảng.

Muốn xây dựng được một nền giáo dục tiên tiến, hiện đại trong thế kỷ 21 thì nền giáo dục Việt Nam không thể chỉ thay đổi một số yếu tố (cải cách) mà phải thay cũ đổi mới những yếu tố giáo dục hiện đại (thay đổi căn bản và toàn diện) tạo thành mô hình một nền giáo dục bền vững và tiên tiến. Hơn lúc nào hết, ngay lúc này phải có một “Hội đồng quốc gia định hướng và phát triển giáo dục” do Trung ương lãnh đạo để dẫn dắt sự nghiệp giáo dục đến thành công.

Tiến sĩ Bùi Sông Thu

Viện Trưởng Viện Khoa học quản trị Phương Nam – TP. HCM