Với trái tim nhân hậu, cung cách khiêm nhường, Ni sư Thích Nữ Huệ Từ luôn trải lòng mình với hạnh nguyện giáo hóa chúng sinh, phát tâm làm từ thiện, giúp đỡ mọi người.
Trong một lần đến thăm ngôi chùa tại quận Phú Nhuận, TP. HCM, chúng tôi được diện kiến và trò chuyện cùng Ni sư Thích Nữ Huệ Từ – Trụ trì chùa Giác Tâm. Với nụ cười nhân hậu, khuôn mặt khoan thai, rất mực hiền từ của một người con Phật, Ni sư Thích Nữ Huệ Từ cho biết cơ duyên đến với cửa Phật từ thuở nhỏ khi còn ở quê nhà Duy Xuyên, Quảng Nam. Hằng ngày, Ni sư thường tụng kinh, lễ Phật mong được quy y chốn thiền môn. Ước nguyện đó dần thành hiện thực khi năm lên mười tám tuổi (1960), Ni sư đã dành nhiều thời gian cho việc tụng kinh, niệm Phật, sinh hoạt trong gia đình Phật tử và học giáo lý. Ni sư luôn ước nguyện được xuất gia học đạo.
Năm 1963, Ni sư cùng hai người bạn trong gia đình Phật tử lặn lội vào Sài Gòn tìm thầy học đạo và được Sư thầy Thích Nữ Huyền Huệ – Trụ trì chùa Hải Ấn, quận Tân Bình (nay thuộc quận Tân Phú, TP. HCM), là người Thầy đầu tiên tiếp độ, khai mở huệ tâm.
Năm 1968, được sự cho phép của Sư phụ, Ni sư vào học tại Ni trường Từ Nghiêm, Quận 10. Sau đó Ni sư tiếp tục theo học lớp Xã hội học vào năm 1972, do Ni sư Trí Hải tổ chức. Trải qua những tháng ngày khổ luyện trong suốt hành trình tu học của mình, Ni sư luôn mong muốn đem Phật pháp đến với tất cả mọi người, cảm hóa chúng sanh, ban vui cứu khổ… Sau khi học xong, Ni sư Thích Nữ Huệ Từ dạy cho các cháu học sinh tiểu học ở các trường Bồ Đề do chư Tăng tổ chức và phụ giúp các thầy về chương trình cô nhi quả phụ và những người tàn tật tại Sài Gòn.
Năm 1974, có một số bà con Phật tử ở Đồng Nai mời Ni sư về mở lớp dạy cho các cháu học sinh nghèo nơi đây. Tại đây, tịnh nghiệp đưa đẩy khiến Ni sư chọn Biên Hòa làm nơi định cư xây tịnh thất tu hạnh và giúp đỡ mọi người…
Nhận thấy Ni sư Thích Nữ Huệ Từ luôn hướng đạo và có nhiều việc làm thiện nguyện với mọi người, nên một số bà con Phật tử nơi đây đã hiến 3 mẫu đất để Ni sư lập Tịnh thất Lộc Uyển để tịnh tu, xây dựng tượng đài Quán Thế Âm Bồ tát và mở lớp dạy học cho các học sinh nghèo. Được sự giúp đỡ của quý Hòa thượng, Ni sư mở thêm lớp dạy nghề mây tre lá cho bà con nghèo. Năm 1976, Ni sư Thích Nữ Huệ Từ và quý Phật tử xin phép UBND TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai thành lập Tổ hợp 19/8 sản xuất hàng mây tre lá tạo việc làm cho dân nghèo. Sản phẩm làm ra được Công ty Xuất – Nhập khẩu Đồng Nai tiêu thụ.
Với vốn kiến thức sẵn có cũng như kinh nghiệm được tích lũy bao năm về mặt hàng mây tre lá nên vào năm 1980, Ni sư Thích Nữ Huệ Từ về phường Tam Hòa, TP. Biên Hòa, được địa phương giúp cho 36 căn nhà tại khu đất trong vùng chiến ngày xưa để làm nơi sản xuất hàng mây tre lá, và thu hút xã viên đến làm việc tại tổ hợp ngày một đông với trên 2.000 người. Tổ hợp 19/8 tiến lên Hợp tác xã Thành Công và Ni sư được tập thể bầu làm Chủ nhiệm. Hợp tác xã trong 7 năm liền (1980 – 1987) là lá cờ đầu của tỉnh Đồng Nai trong phong trào thi đua, sản xuất.
Năm 1987, được thư mời của chư Tôn Giáo Phẩm Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ni sư về tham dự Đại hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) nhiệm kỳ II. Trong đại hội này, Ni sư Thích Nữ Huệ Từ được tín nhiệm bầu làm Trưởng ban Kinh tế – Từ thiện – Xã hội, đồng thời được bổ nhiệm làm Trụ trì chùa Giác Tâm và tại vị cho đến ngày hôm nay. Khi giữ chức vụ Trưởng ban Kinh tế – Từ thiện – Xã hội, theo chỉ đạo của Trung ương GHPGVN, Ni sư đã thành lập Xí nghiệp 711 sản xuất mây tre lá xuất khẩu (lấy ngày thành lập GHPGVN – 7/11/1981) để tạo nguồn thu hỗ trợ công tác từ thiện, tài chính cho Giáo Hội nhiệm kỳ III (1992 – 2017). Ni sư đã đề bạt GHPGVN tách Ban Kinh tế – Từ thiện – Xã hội thành hai ban riêng biệt, là Ban Kinh tế và Ban Từ thiện – Xã hội; và Sư được bầu làm Phó ban Từ thiện – Xã hội.
Với quan niệm làm việc thiện, mang lại hạnh phúc cho mọi người chính là niềm vui, niềm hạnh phúc và sự bình yên trong tâm hồn, nên Ni sư luôn cảm động trước những hoàn cảnh khó khăn đang cần sự sẻ chia của xã hội. Vì vậy, với vai trò là Phó ban Từ thiện – Xã hội, Ni sư đã cùng với các tăng ni, phật tử không quản ngại đường xa, nắng mưa đi đến rất nhiều vùng miền trên cả nước để thăm hỏi, tặng quà cho vô số những mảnh đời bất hạnh, cơ nhỡ, tật nguyền, cứu trợ cho những đồng bào nghèo vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiên tai bão lụt… giúp họ vươn lên trong cuộc sống.
Trong hành trình làm việc thiện của mình, Ni sư đã hỗ trợ xây dựng hơn 1.000 ngôi nhà tình thương cho bà con nghèo ở khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long; tổ chức mổ mắt miễn phí cho hàng vạn lượt người nghèo trên khắp cả nước. Riêng tại TP. HCM, trung bình mỗi tuần Ban Từ thiện – Xã hội Trung ương tiếp nhận từ 50 đến 100 lượt người nghèo bị đục thủy tinh thể nhờ đoàn bác sỹ bệnh viện Trưng Vương phẩu thuật ghép thủy tinh thể cho bà con được sáng mắt. Toàn bộ kinh phí được Ni sư vận động các nhà hảo tâm và Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo TP. HCM (hỗ trợ về thủy tinh thể) giúp đỡ. Chưa dừng lại ở đó, vào ngày 24/8 tới đây, Ni sư sẽ tổ chức đoàn bác sĩ sẽ về mổ mắt miễn phí cho khoảng 600 lượt bệnh nhân nghèo bị đục thủy tinh thể tại tỉnh Quảng Nam.
Công việc từ thiện của Ni sư không chỉ dừng lại ở trong nước mà kể cả ở những nước nghèo lân cận, nơi nào cần sự sẻ chia, là nơi đó Ni sư đều đặt chân đến. Như tại nước bạn Campuchia, Ni sư cùng quý Ni sư nhóm Cựu học viên Ni trường đã vận động các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân và quý phật tử chung tay xây dựng một trường tiểu học ở Biển Hồ với kinh phí trên 300 triệu đồng, hỗ trợ cho các em học sinh nghèo tại đây được có nơi học tập. Ngoài ra, Ni sư Thích Nữ Huệ Từ còn xây dựng Trường Mẫu giáo Họa Mi I ngay cạnh chùa Giác Tâm để dạy học cho các cháu thiếu nhi. Hiện tại, trường có 6 lớp học với gần 200 cháu do các sư cô trong chùa với 100% đều có bằng trung cấp sư phạm mầm non trở lên đảm nhận dạy dỗ và Ni sư luôn sẵn sàng hỗ trợ miễn giảm học phí cho các cháu gia đình quá khó khăn.
Trên hành trình hành đạo, Ni sư Thích Nữ Huệ Từ đã và đang làm bằng cả trái tim, tất cả vì tình yêu với cộng đồng mà theo Sư thì: “Cứu độ chúng sanh là trách nhiệm của mọi đệ tử Phật”. Phật pháp đã giúp Ni sư tìm ra được một chân lý sống thiết thực, tìm thấy sự an lạc, sự giải thoát bản thân để giúp ích cho đời, cho xã hội. Hơn thế, Ni sư luôn mong sao cho thế hệ trẻ bây giờ phải biết tránh xa những cám dỗ, cạm bẫy của cuộc đời, sống bằng cái tâm trong sáng; cố gắng học tập, làm việc hết mình, biết phát huy tinh thần hiếu học của quê hương và phát huy hơn nữa tiềm năng vốn có của bản thân để sống có trách nhiệm với gia đình, với cộng đồng, xã hội.
Cuộc trò chuyện với Ni sư Thích Nữ Huệ Từ tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại trong lòng chúng tôi một sự cảm phục về một con người luôn sống vì mọi người. Chúng tôi cầu mong cho Ni sư có nhiều sức khỏe để đem đạo pháp giáo hóa chúng sanh và giúp đỡ mọi người.
Tuấn Kiệt