Ngân hàng “giải cứu” doanh nghiệp

0
269

Hệ thống ngân hàng Quảng Nam đang thực thi các biện pháp “giải cứu” doanh nghiệp thông qua công cụ tài chính. Thương giới trông chờ vào tốc độ xử lý và chất lượng tín dụng từ phía ngân hàng

Chia sẻ khó khăn

Thông tư 01 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố ngày 13.3 như một “tấm giấy thông hành”, một cơ sở pháp lý quan trọng để các ngân hàng thương mại hỗ trợ thanh khoản, cơ cấu thời hạn trả nợ, giảm lãi, phí hay giữ nguyên nhóm nợ… để doanh nghiệp “sống sót” qua mùa dịch.

Điểm khác biệt lớn nhất của gói hỗ trợ lần này là các ngân hàng thương mại tự quyết định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ dựa vào đề nghị của khách hàng và đánh giá của ngân hàng về khả năng trả nợ của doanh nghiệp sau khi được cơ cấu.

Những động thái mới nhất trên thị trường cho thấy hệ thống ngân hàng đều vào cuộc, đưa ra các gói hỗ trợ tín dụng ưu đãi lãi suất, xem xét giảm lãi suất với dư nợ hiện hữu ở mức giảm từ 1 – 3%, giảm lãi suất cho vay mới với mức giảm từ 0,5 – 1,5%, không tính lãi, phạt và giảm phí dịch vụ ngân hàng.

Ông Nguyễn Hải Hà – Giám đốc SHB Quảng Nam cho hay đã sẵn sàng mọi phương án hỗ trợ cho khách hàng, cá nhân  bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.  Hội sở đã chủ động chỉ đạo toàn hệ thống rà soát, nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, đánh giá mức độ thiệt hại của khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân đang giao dịch tại SHB chịu ảnh hưởng dịch Covid-19; đánh giá lại dòng tiền, nguồn thu, khả năng tài chính của khách hàng. SHB đã dành riêng 3.000 tỷ đồng, và dự kiến sẽ tăng lên 5.000 tỷ đồng hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19, với lãi suất giảm lên tới 1,5%/năm so với lãi cho vay thông thường bằng VND và 0,5%/năm với các khoản vay bằng USD.

“Tất cả khách hàng doanh nghiệp nằm trong các lĩnh vực, ngành nghề bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh đều được tiếp cận gói vay ưu đãi này. Các đơn vị kinh doanh của SHB đã sẵn sàng đồng hành với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, giảm thiểu các gánh nặng tài chính do dịch Covid-19 gây ra và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh. Hiện SHB Quảng Nam đã tập hợp thống kê hơn 150 khách hàng cá nhân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng Covid-19 với tổng dư nợ cho vay gần 300 tỷ đồng. Nhưng chưa có con số cụ thể về miễn, giảm hay cơ cấu lại nợ” – ông Hà nói.

Vietinbank tiếp tục tăng quy mô gói tín dụng với lãi suất thấp nhất trên thị trường lên gần 30.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay giảm thêm 1,5%/năm VND và 0,5 – 0,7%/năm USD so với các chương trình trước đây để hỗ trợ doanh nghiệp. Bà Trần Thị Mỹ Hạnh – Giám đốc Vietinbank Quảng Nam cho biết ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nhiều khách hàng bị ảnh hưởng Covid-19. Hiện đã tiếp nhận hơn 15 hồ sơ khách hàng, chủ yếu là cá nhân và hộ gia đình đề nghị cơ cấu nợ và xin miễn, giảm lãi.

Chất lượng tín dụng hỗ trợ

Các ngân hàng thương mại thực thi Thông tư 01, xem xét hỗ trợ với nhiều biện pháp khác nhau theo các quy định nội bộ. Ông Trần Quang Hổ – Phó Giám đốc phụ trách NHNN Quảng Nam cho hay hệ thống ngân hàng Quảng Nam đã tháo gỡ khó khăn cho 37 khách hàng bị ảnh hưởng Covid-19 (28 cá nhân, hộ gia đình và 9 doanh nghiệp) với khoảng 52,6 tỷ đồng. Hiện tại, các ngân hàng thương mại đã tiếp nhận nhiều hồ sơ đề nghị tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp và đang xử lý theo hướng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và cho vay mới để hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất. Số khách hàng được hỗ trợ sẽ tăng cao trong một vài ngày tới khi các ngân hàng chủ động các giải pháp hỗ trợ

Theo nhận định của giới ngân hàng, tất cả doanh nghiệp bị ảnh hưởng Covid-19 đều sẽ được hưởng chính sách. Ngân hàng sẽ xem xét sức khỏe của doanh nghiệp thông qua việc thể hiện ở khả năng trả nợ, vòng quay của vốn. Đến hạn trả nợ, ngân hàng sẽ làm việc với doanh nghiệp về các khoản vay. Nếu doanh nghiệp thực sự gặp khó khăn thì sẽ được hỗ trợ theo Thông tư 01. Theo tính toán của các ngân hàng, nếu không chủ động thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thì ngân hàng cũng sẽ gặp khó khăn. Cơ cấu lại nợ cũng sẽ giúp ngân hàng hưởng lợi, sẽ làm “sạch” bảng cân đối kinh doanh.

Song, hiện vẫn còn không ít băn khoăn từ chính ngân hàng và cả doanh nghiệp khi “định lượng” đầu tiên là doanh nghiệp phải chứng minh được doanh thu, thu nhập bị giảm vì Covid -19 (tiêu chí đầu tiên và bắt buộc từ phía NHNN để tránh trục lợi, sai lệch chất lượng tín dụng) mới được hỗ trợ. Việc rà soát các doanh nghiệp bị ảnh hưởng Covid-19 không dễ dàng. Thay vì xác minh thiệt hại thông qua lịch sử kinh doanh như du lịch, vận tải, hay doanh nghiệp sản xuất có đầu vào nguyên liệu đến từ những quốc gia, vùng lãnh thổ bị ảnh hưởng dịch nặng nề thì dễ, nhưng sẽ rất khó định lượng doanh nghiệp chịu ảnh hưởng gián tiếp.

Bà Trần Thị Mỹ Hạnh – Giám đốc Vietinbank Quảng Nam cho biết, khảo sát của ngân hàng cho thấy doanh nghiệp vẫn còn trụ được. Ngân hàng chỉ hỗ trợ giảm lãi suất cho vay để đỡ áp lực chi phí tài chính cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn mùa dịch. Ngân hàng vẫn đang tiếp nhận, thu thập hồ sơ nhưng lượng hồ sơ hiện vẫn chưa đủ để trình cấp thẩm quyền phê duyệt.

“Ngân hàng cần phải thẩm tra, thẩm định kỹ vì doanh nghiệp phải có đủ hồ sơ chứng minh thiệt hại do Covid-19. Chuyện này để tránh tình trạng khách hàng lợi dụng cơ chế, chính sách Nhà nước” – bà Hạnh nói

Nền kinh tế đang suy giảm. Sử dụng chính sách công cụ tài chính hỗ trợ rất quan trọng đối với sự phát triển của doanh nghiệp. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp băn khoăn gói tín dụng ưu đãi này sẽ kéo dài bao lâu khi dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát. Có thể hiểu truyền thông, công bố cụ thể, minh bạch các tiêu chí, quy trình hỗ trợ để doanh nghiệp và thị trường biết là điều quan trọng, nhất là phụ thuộc vào tốc độ xử lý, giải quyết của ngân hàng.

Phía ngược lại, doanh nghiệp phải hợp tác, minh bạch hóa thông tin nhiều hơn với ngân hàng để việc đàm phán thuận lợi ứng với thời gian linh hoạt, lãi suất phù hợp với kế hoạch, chu kỳ kinh doanh của từng doanh nghiệp. Nếu không, gói tín dụng ưu đãi này không có nhiều ý nghĩa trên thực tế!

Theo baoquangnam.vn