Nhớ Bến đò Lam

0
1000

Bến đò Lam là bến đò ngang qua lại sông Thu Bồn nối làng Đông Bàn (nay xã Điện Trung, Gò Nổi, Điện Bàn, Quảng Nam) và làng Bất Nhị (nay là xã Điện Phước, Điện Bàn).

Cũng như các bến đò xưa, bến đò tại xóm Đông Hà, làng Đông Bàn được mang tên vợ chồng ông Lê Lam, người làng Bất Nhị.

Người cao niên tại đây kể lại, bến đò Lam được hình thành từ lâu lắm, không biết từ khi nào nhưng chỉ biết người đầu tiên là ông Lam, sau đó đến ông Lê Bắp, kế tiếp đến ông Lê Trưởng; sau 1975 thì bà Sửu và cuối cùng là bà Tích thì đã có tới 4 – 5 thế hệ người đưa đò ở đây.

Bà Trần Thị Mẹo (tên thường gọi bà Sửu) chèo đò ở bến đò Lam, nay đã 95 tuổi

Đựợc biết, làng Đông Bàn xưa có hơn 120 mẫu đất biền Gò Rì phía bên tả ngạn sông Thu Bồn, nên làng lập bến đò ngang để đưa bà con qua sông sản xuất và vận chuyển phân bón, nông sản bắp; khoai; dâu tằm… Về sau bến đò Lam còn là nơi cho ghe thuyền làm bến đỗ đưa người và nông sản hàng hóa xuôi ngược lên các địa phương trên nguồn và Vĩnh Điện, thành phố Hội An…

Chiếc đò ngang tròng trành đưa bao người trong xóm làng sau này là thôn xã qua lại sông rất gần gũi rất thân thương!. Nhiều học sinh lội bộ đi học cấp Ba ở Vĩnh Điện nay vẫn còn nhớ như in những lượt qua đò này đến lớp và về nhà… Cứ có tiếng gọi Đò ơi! là có đò ngay bất luận mưa hay nắng!.

Một nét đẹp thường thấy ở mỗi bến đò đó là túp lều tranh tạm bợ che đỡ nắng mưa cho khách qua sông. Ghế để ngồi đợi đò là chiếc sạp đan bằng tre hay đơn giản hơn thì làm bằng hai gốc tre già./.

                                           Hòa Văn