Đến với Quảng Nam

0
2407

Xuyên suốt lịch sử hình thành và phát triển, Quảng Nam – với ý nghĩa là vùng đất rộng lớn về phương Nam – được hình thành từ khá sớm và được biết đến là “đất văn hóa”, “đất khoa bảng”, “đất địa linh nhân kiệt”, nơi đã sản sinh ra biết bao nhiêu tài danh, hào kiệt cho đất nước.

Qua bao thăng trầm biến cố, Quảng Nam vẫn lưu giữ và bảo tồn được những tài nguyên văn hóa vô cùng độc đáo, có giá trị nhân văn sâu sắc, tiêu biểu là: phố cổ Hội An và thánh địa Mỹ Sơn, kinh đô cổ Trà Kiệu, các tháp chàm Khương Mỹ, Chiên Đàn, Bàng An, Phật viện Đồng Dương… ghi lại dấu ấn rực rỡ của nền văn hóa Sa Huỳnh, Champa, Đại Việt.

Phố cổ Hội An

Đô thị cổ Hội An – nơi “hội thủy, hội nhân và hội tụ văn hóa”, nơi tụ cư, hỗ cư và hợp cư của nhiều sắc thái văn hóa của người Việt, người Hoa, người Nhật Bản và người châu Âu… từ thế kỷ XVI. Hội An là một trong số rất ít những đô thị được bảo tồn tương đối nguyên vẹn với một tổng thể kiến trúc phong phú, đa dạng. Hội An kết nối với các vùng phụ cận hình thành trung tâm du lịch lớn của tỉnh có tầm cỡ quốc gia và quốc tế.

Khu Di tích Mỹ Sơn là cả một quần thể kiến trúc độc đáo của những ngôi đền tháp uy nghiêm, hùng tráng lưu dấu một thời huy hoàng của các vị vua Chăm. Có thể nói, đền tháp Mỹ Sơn là một hình ảnh điển hình của lịch sử kiến trúc cổ Chămpa. Cho đến nay, qua rất nhiều nghiên cứu của các chuyên gia trong và ngoài nước, kỹ thuật nung gạch, kỹ thuật xây dựng đền tháp Chàm vẫn còn là một ẩn số. Điều này góp phần tăng thêm vẻ huyền bí cho những ngôi tháp cổ Mỹ Sơn khi du khách đến thăm.

Ngoài Hội An, Mỹ Sơn, còn có các vùng phụ cận như Trà Kiệu, suối nước nóng Tây Viên, thắng cảnh Bàn Than, Biển Rạng, Hồ Phú Ninh, khu du lịch sinh thái Cù Lao Chàm với khí hậu biển nhiệt đới cũng tạo nên những nét độc đáo cho Quảng Nam.

Quảng Nam cũng là nơi lưu giữ hàng trăm công trình kiến trúc Việt cổ như đình, chùa, văn miếu, lăng miếu, nhà ở,… có niên đại cách đây 300 – 500 năm. Các di tích này không chỉ có giá trị về mặt văn hóa, nghệ thuật còn có ý nghĩa lịch sử quan trọng, thể hiện sự phát triển lâu đời của một vùng văn hóa đàng Trong.

Ngoài ra, tinh hoa văn hóa của cộng đồng các dân tộc anh em: Kinh, Hoa, Cơ Tu, Xê Đăng, Giẻ Triêng, Cor cũng góp phần tạo nên sự đa dạng, phong phú và hấp dẫn của du lịch Quảng Nam.

Giá trị văn hóa của Quảng Nam không chỉ tỏa sáng từ những công trình kiến trúc cổ mà còn được tạo nên bởi những sắc màu văn hóa độc đáo ẩn chứa trong các phong tục, tập quán, lễ hội của các dân tộc sinh sống trên quê hương đất Quảng. Quảng Nam là nơi có nhiều làng nghề truyền thống được hình thành và phát triển từ nhiều đời nay. Trải qua hàng trăm, hàng ngàn năm, nghề và làng nghề đã tồn tại và phát triển ở đây như một phần không thể tách rời lịch sử mỗi làng quê, thôn xóm của vùng đất này.

Chiều sâu của nền văn hóa Quảng Nam còn được thể hiện ở sức sống, sức sáng tạo của người dân nơi đây. Đất Quảng Nam được coi là vùng “đất học”, “đất khoa bảng”. Nơi đây là quê hương của nhiều nhân tài học rộng, đỗ cao, quê hương của nhiều vị anh hùng dân tộc qua các thời kỳ, những con người làm rạng danh đất Quảng như: Phạm Phú Thứ, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Chu Trinh, Hoàng Diệu, Nguyễn Duy Hiệu, Trần Cao Vân…

Mảnh đất và con người xứ Quảng, hiền hòa, thân thiện và hiếu khách, luôn mong được tiếp đón du khách từ mọi phương trời.

Thiên Phong

SaveSave

SaveSave

SaveSave