Đại đức Thích Như Tín: Mang đạo pháp phụng sự cho đời

0
1066

Trong tâm thức của rất nhiều bà con Phật tử tại Lâm Đồng và Bình Thuận, ai ai cũng đều quý mến và kính trọng Thầy, một nhà tu hành trẻ không quản ngại khó khăn, nguyện đem giáo lý nhà Phật để giáo hóa chúng sanh. Thầy chính là Đại đức Thích Như Tín, người đã khai sơn rất nhiều ngôi chùa tại những vùng sâu vùng xa, với tấm lòng thành cẩn thiết tha với Ðạo, thực hiện hoài bão của người tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức, đền đáp bốn ân.

Tuổi thơ và sắc áo cà sa

Quảng Nam – Miền đất tình người là nơi đã sinh ra Đại đức Thích Như Tín (Phạm Trung Nghĩa). Năm 1976, Thầy theo gia đình vào định cư tại thị trấn Madaguoi, huyện Đạ Huoai, Lâm Đồng. Lúc vừa lên 6 tuổi, trong một cơn bạo bệnh, Thầy may mắn được các sư cô, sư thầy ở chùa Khánh Hỷ châm cứu khỏi bệnh. Hai năm sau, một trận bệnh nặng nữa lại tiếp tục giáng xuống làm Thầy phải nghỉ học suốt cả học kỳ 2, nhưng được cô giáo thương tình xét duyệt cho hoàn thành khóa học và đặc cách lên lớp. Do phải nghỉ học một thời gian nên Thầy không thể học tốt môn chính tả. Vì thế, bố Thầy là ông Phạm Trung Tuấn vào chùa mượn kinh Vu Lang Bồn về tập cho Thầy đọc viết để quen mặt chữ. Nhưng cũng nhờ đó mà Thầy đã thuộc được rất nhiều kinh Phật, và điều đó đã giúp Thầy thuận lợi cho cuộc đời tu hành sau này…

Có lẽ cơ duyên khiến Đại đức Thích Như Tín đến với cửa Phật là vào năm 9 tuổi, đó là khoảng thời gian Thầy vừa đi học 1 buổi, còn một buổi phải đi chăn bò, cắt tranh ở sau lưng chùa Khánh Hỷ. Hàng ngày, được nghe Thượng tọa Thích Minh Hạnh (sư phụ của Thầy sau này) kể chuyện về Phật giáo, lịch sử Đức Phật Thích Ca khiến Thầy ngày càng lĩnh hội về Phật pháp. Đến năm 10 tuổi, Thầy xin tham gia sinh hoạt tại chùa. Do gia đình cũng là một gia đình Phật tử nên việc tiếp cận với kinh Phật tương đối thuận lợi.

Sau một thời gian tụng kinh, niệm Phật, Thầy cảm nhận rằng qui y chốn thiền môn sẽ giúp cho bản thân được sống một cuộc sống an lạc, tách rời khỏi xã hội nhiều cám dỗ, tội lỗi. Tuy nhiên, khi Thầy xin gia đình được qui y cửa Phật thì gia đình không tán thành. Nhớ lại câu chuyện mà Thượng tọa Thích Minh Hạnh hay kể về Đức Phật Thích Ca, ngày xưa khi còn là Thái tử và là người sẽ kế vị ngôi vua sau này, nhưng người đã quyết định rời bỏ địa vị và chốn kinh thành để tìm vào rừng sâu và qui y thành Phật. Vì thế vào ngày Rằm tháng 3 năm 1986, khi mới 13 tuổi, Thầy quyết định trốn nhà đón xe về TP. HCM với mong muốn tìm được một ngôi chùa để xuất gia qui y cửa Phật. Sau 3 năm tại TP. HCM, mặc dù bản thân đã thể hiện hết tâm nguyện được qui y, nhưng Thầy vẫn không được vị trụ trì cho xuống tóc mà chỉ được làm công quả. Nhận thấy, nếu tiếp tục ở lại đây thì ước nguyện tu hành của Thầy sẽ khó thành hiện thực. Vì thế, Đại đức Thích Như Tín quyết định quay về lại chùa Khánh Hỷ tại Madaguoi xuống tóc làm đệ tử Thượng tọa Thích Minh Hạnh. Từ đây, con đường tu học của Thầy gặp không ít chông gai…

Áo thiền sư thánh thốt mồ hôi

Sau khi qui y, Thầy được sư phụ gửi lên Tịnh xá Ngọc Đức tại Đà Lạt để có chỗ cư ngụ theo học lớp Trung cấp Phật học tại Lâm Đồng. Tại đây, Đại đức Thích Như Tín vừa học vừa tranh thủ thời gian học bổ túc văn hóa. Dường như cơ duyên về con đường tu học của Thầy vẫn còn lận đận, khi một biến cố xảy ra ngoài ý muốn, buộc Thầy không còn con đường nào khác đành phải quay về chùa Khánh Hỷ. Năm 1992, thời điểm nhà chùa gặp rất nhiều khó khăn, phải tự tạo ra nguồn lương thực và kinh phí để duy trì những hoạt động tại chùa. Chính vì thế mà tất cả các chú tiểu phải lên rừng khai hoang, làm rẫy, trồng lúa.

Sau thời gian vừa làm, vừa tu học đạo pháp, nhận thấy cần phải nâng cao kiến thức về Phật học, Đại đức Thích Như Tín xin phép sư phụ xuống Phan Rang tiếp tục học lớp Trung cấp Phật học kết hợp học bổ túc văn hóa. Sau khi tốt nghiệp lớp Trung cấp Phật học, Thầy được văn phòng Giáo hội Phật giáo tỉnh Ninh Thuận mời làm ủy viên thường trực khi mới 22 tuổi. Làm việc được một năm, Đại đức Thích Như Tín xin quay về chùa Khánh Hỷ tại Madaguoi. Tại đây, Thầy cùng sư phụ của mình là Thượng tọa Thích Minh Hạnh xây dựng và khai sơn rất nhiều ngôi chùa, như chùa Phước Lạc (dưới chân đèo Bảo Lộc), chùa Khánh Vân (Đạ Tẻh), chùa Vạn Phước (Cát Tiên),…

Năm 2000, Đại đức Thích Như Tín dự thi và trúng tuyển khóa đào tạo Ban Hoằng pháp Trung ương và xin tá túc tại chùa Già Lam (đường Lê Quang Định, quận Gò Vấp, TP. HCM) để thuận tiện cho việc học. Sau khi hoàn thành khóa học 4 năm, Thầy được mời đi thỉnh giảng ở rất nhiều tỉnh thành trong cả nước.

Lập hạnh tu trì

Cuộc đời tu hành của Đại đức Thích Như Tín trải dài, rộng khắp các tỉnh, thành của Trung – Nam bộ, để gầy dựng ngôi nhà Phật pháp. Tất cả hành trình nghe kể cũng rất tình cờ. Đó là trong một lần thuyết giảng cho bà con Phật tử tại xã Sùng Nhơn, huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận, Thầy được thỉnh cầu nhờ hỗ trợ xây dựng ngôi chùa Phước Huệ (ngôi chùa chỉ mới được xây phần móng nhưng do không có kinh phí nên bị đình truệ một thời gian dài). Với tấm lòng thành cẩn thiết tha với Ðạo, thực hiện hoài bão của người phát túc siêu phương để thiệu long thánh chủng, tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức, đền đáp bốn ân, Thầy liền đứng ra vận động các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm và bà con Phật tử trong và ngoài nước hỗ trợ xây dựng đến năm 2010 thì hoàn thiện. Khi ngôi chùa đưa vào sử dụng, Thầy phải ngày đêm túc trực giúp bà con Phật tử thành tâm lễ Phật và truyền tụng đạo pháp.

Tương tự, trong một lần cùng sư phụ khai sơn và truyền đạo pháp tại chùa Vạn Phước vào năm 2007, Thầy được rất nhiều bà con Phật tử tại xã Phước Cát 1, huyện Cát Tiên đệ đơn đề đạt tâm nguyện xây dựng ngôi Tam Bảo làm nơi tu học, sinh hoạt tâm linh cho bà con ở vùng sâu vùng xa này. Sau khi tìm hiểu thực tế, Thầy đã cùng bà con Phật tử quyết định mua một mảnh đất hơn một hécta, gần trung tâm xã Phước Cát 1 để làm nơi khai sơn chùa Phước Cát sau này. Tiếp theo, Thầy sử dụng ngôi nhà cũ của một gia đình Phật tử trên mảnh đất đã mua để làm ngôi chánh điện tạm để có nơi bà con Phật tử lui tới tụng kinh, niệm Phật. Cũng trong thời gian này, Đại đức Thích Như Tín được mời đi thỉnh giảng và là người đặt viên đá đầu tiên xây dựng chùa Phật Ân tại tiểu bang Tennessee, Hoa Kỳ.

Nhận thấy, việc đảm nhận hai ngôi chùa ở hai vùng thôn quê khác nhau (Đức Linh và Cát Tiên) cộng với việc phải điều hành chùa Khánh Hỷ (Madaguoi) khi Thượng tọa Thích Minh Hạnh viên tịch là vô cùng khó khăn và vất vả. Vì thế, năm 2010, Thầy quyết định giao lại 2 ngôi chùa Phước Huệ và Khánh Hỷ để bà con Phật tử nơi đây thỉnh các vị chư tăng, hòa thượng khác về làm trụ trì. Còn Thầy tập trung toàn bộ thời gian hoàn thành tâm nguyện là xây mới một ngôi chùa và truyền đạo pháp cho bà con Phật tử tại xã Phước Cát 1.

——o0o——

Một nét đẹp trong cuộc đời hành đạo của Đại đức Thích Như Tín tuy là một nhà tu hành trẻ, nhưng dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào, Thầy cũng lập chùa, tạo tượng. Ðó cũng là một hạnh nguyện đặc biệt rất hiếm có với bất kỳ Tăng sĩ nào.

Có thể nói, con người ấy, tâm nguyện ấy luôn sáng mãi với thời gian. Bởi theo Thầy, để làm được những việc như trên, ngoài lòng yêu thương con người thì phải có lòng từ bi, tinh thần tự giác, thực hiện theo lời dạy “Phục vụ chúng sanh là cúng dường chư Phật” thì mới hoàn thành sứ mệnh một người con Phật.

Mặc Nhân