Trải qua bao thăng trầm cùng đất nước, người con của đất Quảng anh hùng – Võ Chí Công vẫn luôn là tấm gương sáng về tài năng, đức độ cũng như phẩm chất cách mạng để các thế hệ đời sau học tập và noi theo.
Một tấm gương mẫu mực
Võ Chí Công, tên thật là Võ Toàn, sinh ngày 7/8/1912 trong một gia đình trí thức yêu nước tại làng Khương Mỹ, tổng Phú Quý, phủ Tam Kỳ (nay là xã Tam Xuân 1, Núi Thành, Quảng Nam). Được thừa hưởng truyền thống của gia đình, lại được nuôi dưỡng trên mảnh đất quê hương văn hiến, kiên cường bất khuất chống giặc ngoại xâm, ông đã sớm giác ngộ cách mạng và trở thành người thanh niên yêu nước, giàu nhiệt huyết cách mạng.
Trong những năm 30 của thế kỷ trước, ông tham gia xây dựng và phát triển lực lượng cách mạng tại quê hương Tam Kỳ, Quảng Nam và các tỉnh miền Trung. Tháng 5/1935, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và trở thành người lãnh đạo chủ chốt của tổ chức Đảng ở phủ Tam Kỳ. Bất chấp sự đàn áp, khủng bố ác liệt của kẻ thù, ông kiên cường bám trụ, gầy dựng phong trào, góp phần xây dựng, củng cố các cơ sở cách mạng, giác ngộ, tập hợp các tầng lớp nhân dân, tạo nên phong trào cách mạng sôi nổi ở các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi và nhiều tỉnh khác ở miền Trung trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ (1936 – 1939); đồng thời được phân công làm nhiệm vụ gây dựng cơ sở tại các tỉnh cực Nam Trung Bộ (năm 1942).
Giữa lúc phong trào cách mạng đang phát triển, năm 1943, Võ Chí Công bị địch bắt, tòa án thực dân đã kết án tù chung thân, sau đó giảm xuống 25 năm cấm cố và bị đưa đi đày ở nhà tù Buôn Mê Thuật. Những năm tháng giam cầm, đày ải dã man trong nhà tù đế quốc, ông vẫn kiên cường, giữ vững niềm tin vào thắng lợi của cách mạng. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), ông ra tù, trở lại hoạt động, được cử vào Ban Thường trực Ủy ban Cứu quốc tỉnh Quảng Nam và Ban Thường trực bạo động khởi nghĩa tỉnh, trực tiếp chỉ đạo cuộc khởi nghĩa Hội An – tỉnh lỵ Quảng Nam (18/8/1945), góp phần đưa Quảng Nam trở thành một trong những tỉnh giành chính quyền về tay nhân dân sớm nhất trong cả nước.
Sau cách mạng Tháng Tám, trên các cương vị mới, Võ Chí Công tham gia xây dựng, tăng cường lực lượng kháng chiến, tổ chức lại lực lượng vũ trang, đào tạo cán bộ quân sự, xây dựng Đảng trong quân đội trên chiến trường cực Nam Trung Bộ. Ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế của Đảng, góp phần xây dựng Liên minh chiến đấu 3 nước Đông Dương. Tháng 3-1951, được bầu vào Khu ủy Khu V, sau đó được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam – Đà Nẵng (1952), Võ Chí Công đã lãnh đạo Đảng bộ và nhân dân Quảng Nam – Đà Nẵng cùng với nhân dân các tỉnh duyên hải miền Trung kiên cường chiến đấu, tích cực hỗ trợ, giúp đỡ cách mạng Lào và Campuchia; chia lửa với chiến trường Điện Biên Phủ, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Sau kháng chiến chống thực dân Pháp, nhân dân miền Nam bước vào cuộc chiến đấu mới đầy khó khăn thử thách, Võ Chí Công ở lại chiến trường miền Nam, được Đảng tin cậy trao nhiều trọng trách quan trọng. Ông đã cùng tập thể Trung ương Cục miền Nam, Khu ủy Khu V lãnh đạo quân và dân miền Nam vượt qua muôn vàn hy sinh, gian khổ, cùng quân và dân cả nước lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của địch, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đi đến thắng lợi hoàn toàn, giải phóng miền Nam, thu non sông về một mối.
Sau khi thống nhất đất nước, ông được điều ra Trung ương công tác; được Đảng tín nhiệm cử giữ nhiều chức vụ quan trọng như: Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Hải sản, Thường trực Ban Bí thư, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng (tháng 4 – 1987). Ở bất cứ nhiệm vụ nào, ông đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Nhà lãnh đạo kiên trung
Là một nhà lãnh đạo kiên trung, Võ Chí Công suốt đời trung thành tuyệt đối với mục tiêu, lý tưởng cách mạng, một lòng một dạ phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; sống giản dị, khiêm tốn, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, luôn đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết, gần gũi, quý trọng nhân dân, được đồng chí, đồng bào quý mến tin cậy; bạn bè quốc tế trân trọng. Đặc biệt, ông là người sống tình nghĩa, đồng cam cộng khổ với đồng chí, đồng bào những lúc hoạt động bí mật đầy gian lao, cũng như khi cách mạng thành công, kháng chiến thắng lợi.
Khi ở tuổi ngoài 90, sức khỏe giảm sút, ông vẫn thường đến thăm, tìm hiểu tình hình và lắng nghe ý kiến nhân dân tại các địa phương, quan tâm đến các tầng lớp nhân dân từ em thiếu nhi đến các cụ già, các đồng chí thương binh, gia đình liệt sĩ, góp ý với địa phương chú ý chăm lo đời sống của nhân dân.
Cả cuộc đời, ông phấn đấu không mệt mỏi xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Ông tâm niệm: “Những thành tựu vĩ đại trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất nước nhà và xây dựng đất nước, công lao trước hết thuộc về nhân dân anh hùng, về Đảng quang vinh, về Bác Hồ vĩ đại”.
Với những công lao, cống hiến to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, Võ Chí Công đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều Huân, Huy chương cao quý khác.
Trong lòng người dân xứ Quảng
Mặc dù ở cương vị lãnh đạo tối cao của dân tộc nhưng lần nào về thăm quê hương, ông vẫn luôn hỏi “Người dân quê mình đã hết đói, hết nghèo chưa. Các cháu cần phải nỗ lực, chung tay để xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh. Để quê mình không còn cái đói, cái nghèo đeo bám.’ Mặc dù sau này tuổi cao sức yếu nhưng mỗi khi Tết đến xuân về, ông vẫn thường xuyên viết thư về chúc mừng, động viên đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương đồng thời dặn dò lãnh đạo xã phải luôn quan tâm đến đời sống vật chất cũng như tinh thần cho nhân dân tại đây.”
Võ Chí Công – một người cộng sản trung kiên, suốt đời tận trung với nước, tận hiếu với dân; một nhà lãnh đạo có uy tín lớn của cách mạng Việt Nam đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong cuộc đấu tranh của nhân dân ta vì độc lập dân tộc, vì cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Cuộc đời và sự nghiệp của ông gắn liền với quá trình cách mạng và những sự kiện lịch sử vô cùng quan trọng, những chiến công vĩ đại của đất nước, nhân dân; là tấm gương sáng để cán bộ, đảng viên, đồng bào, chiến sỹ cả nước trân trọng, biết ơn và noi theo.