Từ đường Dương Hiển tộc tại TP. Hồ Chí Minh

0
888

“Chim có tổ, người có tông

Như cây có cội, như sông có nguồn”

Truyền thống của dân tộc Việt Nam, tổ tiên dòng tộc là tài sản vô giá và cũng là nền tảng văn hóa tinh thần mà các thế hệ con cháu đời sau phải giữ gìn.

Trải qua hơn một nghìn năm lịch sử, như bao dòng họ khác, họ Dương ở Việt Nam phát triển và trường tồn, đóng góp vào sự nghiệp chung của đất nước với nhiều bậc Tiền nhân xuất chúng, được xã hội ghi nhận và tôn kính, là các Danh tướng, Võ tướng, Danh thần, Danh sĩ, Văn thần… như: Dương Đình Nghệ, Dương Công Đán, Dương Bá Trạc, Dương Quảng Hàm, Dương Phúc Tư… gần đây nhất vào đầu thế kỷ 19 họ Dương ở làng Cẩm Lậu (Gò Nổi, Điện Bàn) có ba ông Tú và ông Phó bảng Dương Hiển Tiến, là 1 trong 5 ông trong danh hiệu “Ngũ Phụng Tề Phi” của vùng đất Quảng Nam.

Theo bút tích để lại, ông Thủy tổ của tộc Dương là người gốc Nghệ An.  Năm 1470 đời vua Lê Thánh Tôn trị vì niên hiệu Hồng Đức, đã hướng theo quốc sách vào vùng đất Trà Nhiêu thuộc tỉnh Quảng Nam để khai cơ lập nghiệp, mở mang cương thổ. Tại đây, Ngài sinh được 7 người con trai (trong đó có 1 người mất sớm khi còn nhỏ). Với chí hướng và tinh thần quyết tâm khuếch trương nghiệp lớn, những người con này phân tán tìm nơi khoáng dã để mở mang nghiệp cả.

  • Ông Dương Công Ninh lập nghiệp tại làng Cẩm Lậu , xã Điện Phong, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
  • Ông Dương Công Minh vào khai cơ ở xã Tam Kỳ, huyện Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.
  • Ông Dương Công Khanh ra lập nghiệp ở xã Phú Xuân, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế.
  • Ông Dương Công Khuê lập nghiệp tại Trà Nhiêu Đông nay là xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.
  • Ông Dương Công Lực vào lập nghiệp ở xã Phú Cường, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam.
  • Ông Dương Công Tú lập nghiệp ở xã Cẩm Văn, Thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Riêng ông Dương Công Ninh (tức Dương Hiển Ninh) về kiến cơ tại làng Cẩm Lậu (Gò Nổi), huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ông sinh được 5 người con trai, rồi chia thành 5 phái:

  • Phái nhất: Ông Dương Hiển Năng
  • Phái nhì: Ông Dương Hiển Ôn
  • Phái ba: Ông Dương Hiển Dư
  • Phái tư: Ông Dương Hiển Huệ
  • Phái năm: Ông Dương Hiển Ý (tự Hậu)

Con cháu thế hệ các phái phát triển đông đúc và đoàn kết đồng lòng cùng nhau xây dựng Từ đường Dương Hiển tộc uy nghi tại làng Cẩm Lậu (xã Điện Phong, huyện Điện Bàn, Quảng Nam) để thờ cúng trong hằng trăm năm qua.

Theo thời gian, do chiến tranh tàn phá, quê hương làng mạc tiêu điều con cháu tộc Dương Hiển phải ly tán rời nơi chôn nhau cắt rốn để tha phương cầu thực và lập nghiệp xứ khác. Một số chưa có điều kiện để về quê hương chiêm bái từ đường gốc ở làng Cẩm Lậu, nhưng dù đi đâu, làm gì thì truyền thống gia tiên của tộc họ vẫn luôn được giữ mãi. Tại TP. HCM, một số con cháu lưu lạc vào đây hằng năm vẫn tổ chức đều đặn việc thờ cúng tổ tiên, bằng cách mượn nhà của các nội tôn để cúng, lần đầu tiên vào năm 1968. Tuy nhiên, với nguyện vọng là để có nơi trang nghiêm, ổn định cho việc thờ cúng ông bà, được sự đồng lòng thống nhất cao độ và thiện tâm đóng góp tài vật của con cháu nội, ngoại tộc Dương Hiển.

Năm 2005 từ đường Dương Hiển tộc chính thức được xây dựng và hoàn thành tại địa điểm ấp Mũi Lớn, xã Tân An Hội, huyện Củ Chi, Thành Phố Hồ Chí Minh trong khuôn viên rộng rãi, thoáng mát, thanh tịnh và tôn nghiêm.

Nhờ ân đức của tổ tiên và phúc duyên của con cháu, từ đường Dương Hiển tộc tại TP. HCM là nơi tập trung đông đủ các thành phần con cháu của 5 phái . Hằng năm, vào ngày Đông Chí con cháu sum tụ về đây cúng bái, thắp nén nhang cho ông bà mà lòng được hoan hỉ mãn nguyện, đồng thời thắt chặt thêm tình ruột thịt trong gia tộc. Đây cũng chính là niềm tự hào của tộc Dương Hiển nói chung, con cháu tộc Dương Hiển tại TP. HCM và phía Nam nói riêng.

Mặc Nhân