Bản sắc và sức sống Quảng tại Sa Rài

0
870
Chợ Tân Hồng (Đồng Tháp), nơi có hàng ngàn người Quảng sinh sống

Vào một ngày cuối thu, trong chuyến công tác về miền Tây, chúng tôi có dịp đặt chân đến thị trấn Sa Rài, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp – khu vực giáp biên giới Campuchia, nơi có hàng ngàn người Quảng sinh sống từ những năm cuối của thập niên 50. Cộng đồng người Quảng nơi đây vẫn mang trong mình dòng máu cần cù, chịu khó và cũng rất thông minh, giàu lòng nhân nghĩa, mộc mạc… từ xứ sở “chưa mưa đà thấm”.

Từ TP Cao Lãnh, chúng tôi vượt qua đoạn đường dài khoảng 56 km đến thị xã Hồng Ngự. Men theo con đường nhựa về hướng cửa khẩu Dinh Bà khoảng 17 km là đến thị trấn Sa Rài, huyện Tân Hồng khi trời đã về chiều. Biết chúng tôi là phóng viên của đặc san “Người Quảng xa quê” đến thăm nên anh Phạm Văn Hòa, người gốc ở xã Đại Hòa, huyện Đại Lộc, (Quảng Nam) tiếp đón rất niềm nở. Vừa bước chân vào quán café trên đường Nguyễn Huệ (nơi anh Hòa thông báo cho các anh em đồng hương gốc Quảng đợi sẵn để gặp chúng tôi), được tiếp đón chân tình và nồng nhiệt bằng những giọng nói, lời chào rôm rả, rặt ni tiếng Quảng, chúng tôi cảm thấy như đang đứng trên chính quê hương đất Quảng thân yêu của mình.

Sau vài câu thăm hỏi, chúng tôi được những anh em đồng hương dồn dã hỏi thăm thông tin về quê hương và tình hình bà con nơi quê nhà. Chú hai Hòa, một người con xứ Quảng xa quê thổ lộ: “Tuy bây giờ phương tiện đi lại thuận lợi hơn xưa, nhưng chỉ số ít bà con nơi đây có điều kiện về thăm quê hương, còn đa số đến nay vẫn chưa có điều kiện về”. Tuy nhiên, chú hai Hòa cũng khẳng định, đối với một số bà con dù xa nơi chôn nhau, cắt rốn đã lâu, nhưng hai tiếng “Quê hương” vẫn luôn trong tâm khảm và ý thức họ… Với những lời bộc bạch đầy chân tình đó, chúng tôi chợt tôi nhớ đến hai câu thơ của nhà thơ Sơn Thu – một người xa quê khá lâu, khi trở về đi trên quê hương của mình mà ông vẫn chưa hết nhớ nhung:

“Sau lưu lạc tôi trở về làng cũ
Đi giữa quê hương vẫn nhớ nhà…”

Khi đến thăm các gia đình Người Quảng ở đây, điều đáng ghi nhận là mặc dù bà con đã “sinh cơ lạc nghiệp” nhiều đời tại đây nhưng vẫn còn lưu giữ được “cái hồn” đất Quảng trong mỗi gia đình, dòng họ. Đó là truyền thống gia đình, dòng tộc tôn nghiêm; vẫn lưu giữ những món ăn truyền thống trong ngày giỗ, tết như mì Quảng, bánh tráng, bánh xèo nhân tôm – giá đậu, bánh chưng lá dừa… Tại đây, một số bà con đã thành lập Hội thân hữu Đồng hương nhằm gặp gỡ, sinh hoạt, giúp đỡ lẫn nhau khi gặp khó khăn, hoạn nạn. Và đặc biệt hơn hết, không thể “nhầm” người Quảng với bất kỳ một người ở vùng nào khác bởi giọng Quảng, tính cách Quảng trong giao tiếp, trong đối nhân xử thế, trong các bài dân ca, hò vè Quảng, bài hát ru của các bà, các mẹ, các chị.

Bà con người Quảng tuy vẫn lưu giữ trong mình bản sắc văn hóa, “cái hồn” của nơi quê cha đất tổ, song sau thời gian cộng cư, đã có biểu hiện của sự pha trộn khá hoàn hảo về văn hóa với người dân Đồng Tháp. Có thể thấy rõ điều này từ trong quá trình khai hoang khẩn hóa đất đai, hòa nhập với sông nước… đến các mối quan hệ giữa người với người, với gia đình, cộng đồng xã hội… Có lẽ chính tố chất mộc mạc, khiêm tốn, cần cù, chịu khó chảy trong dòng máu Quảng đang hòa trộn với các tố chất ngang tàng, chất phác, ân cần và thẳng thắn của người miền sông nước Đồng Tháp đã giúp cho người Quảng ở đây hòa nhập rất tốt, biết khắc phục mọi khó khăn, không đầu hàng với hoàn cảnh để vươn lên bảo đảm cuộc sống gia đình.

Trước khi chia tay bà con nơi đây, chúng tôi được thưởng thức món mì Quảng đậm chất quê hương ngay ở trung tâm Sa Rài. Bữa tiệc ấm áp tình đồng hương trên đất khách. Những kỷ niệm, tình cảm về quê hương chảy tràn… Trong phút ngẫu hứng, chợt đâu đó thốt lên một giọng ngâm khiến buổi tiệc bỗng dậy cơn sóng nhớ quê:

Tân Hồng cảnh đẹp nên thơ

Trăng thanh gió mát đợi chờ khách du

Đường về xứ Quảng xa xuôi quá

Có bóng quê hương đứng đợi chờ…

 

Thiên Minh