Xứ Quảng giữa lòng Sài Gòn

0
1245

Khu Bảy Hiền còn được mệnh danh là “Xứ Quảng giữa lòng Sài Gòn”, bởi ngoài những đặc sản địa phương, cộng đồng người Quảng còn phát huy những giá trị văn hóa của quê hương, với những phong tục, tập quán “nguyên vẹn” nơi quê nhà.

Từ đặc sản quê hương…

Nếu không tính thời người dân Việt từ Ngũ Quảng vào miền Nam mở đất, do quá xa xưa, thì người Quảng hội tụ về vùng Bảy Hiền vào khoảng thập niên 1960 của thế kỉ trước. Họ là cư dân của các vùng Điện Bàn, Duy Xuyên của Quảng Nam, vào Sài Gòn, đem theo nghề dệt truyền thống. Làng dệt Bảy Hiền hình thành từ đó, về sau phát triển mạnh, trở thành một trong những nguồn cung cấp vải chính cho Sài Gòn. Nghề dệt ăn nên làm ra kéo theo một lực lượng đông đảo những người bán tơ sợi và may gia công cũng từ đất Quảng vào khiến khu vực Bảy Hiền dần trở thành một “xứ Quảng thu nhỏ”. Ở đó, bên cạnh việc giao lưu với người bản xứ, cộng đồng người Quảng “còn” phát huy những giá trị văn hóa của quê hương.

                                                     Khung dệt cửi của người Quảng tại Bảy Hiền (Q.Tân Bình, TP.HCM)

Ngoài nghề dệt, những con người đất Quảng còn đem tới Bảy Hiền các đặc sản văn hóa của quê mình. Ẩm thực là một điểm mạnh. Các tiệm bê thui, mì Quảng mọc lên ngày một nhiều, cạnh tranh nhau về chất lượng. Cho tới nay, tuy mì Quảng đã phổ biến khắp Sài Gòn, nhưng nói ăn mì Quảng người ta vẫn nghĩ tới các tiệm mì Quảng ở khu Bảy Hiền, vì cho rằng mì Quảng ở đây đạt chuẩn, đúng hương vị Quảng nhất.

Nói đến các đặc sản của xứ Quảng, rồi thì không thể không nói đến giọng Quảng. Người Quảng hiểu rõ sự độc đáo trong chất giọng địa phương của mình, nên cho dẫu tha phương cầu thực, vẫn giữ cho mình cái vốn giọng Quảng đặc trưng, để tự hào về nguồn gốc, mà cũng để nhận đồng hương. Người dân Bảy Hiền, khi giao tiếp với người vùng khác thì tùy cơ ứng biến, nhưng khi nói chuyện với người dân “quê ta”, vẫn dùng giọng Quảng đặc sệt.

                                                                Chợ đặc sản Quảng Nam – chợ phường 11 (chợ Bà Hoa)

Nói đến Bảy Hiền phải nói đến sự hình thành chợ đặc sản Quảng Nam – chợ phường 11 (thường gọi chợ Bà Hoa), là điểm hẹn của hàng triệu người Quảng tha phương lập nghiệp ở phía Nam tìm mua từ củ nén, củ tỏi, con nhộng, con hến, mít non, bánh đúc, bánh rò, bánh tét, bê thui, mì Quảng,… đến cả lá bài chòi, nên không có gì khó hiểu khi họ giữ gần như nguyên vẹn cách ăn Tết, chơi Tết nơi quê nhà, mặc cho thời gian đã đủ tạo ra một thế hệ thành người Sài Gòn.

… đến những giá trị văn hóa của quê nhà

Trên con đường vào Nam lập nghiệp, nhiều dòng họ đã tụ cư lại vùng đất Bảy Hiền để làm ăn sinh sống. Với cuộc mưu sinh đầy nhọc nhằn nên những người Quảng xa quê ít có điều kiện về quê nhà để thắp nén nhang cho tổ tiên ông bà trong những ngày cúng tế, tưởng nhớ công đức tổ tiên… Nhu cầu đoàn kết gia tộc và tình cảm hướng về cội nguồn ngày càng bức thiết. Do đó, từ lâu con cháu các gia tộc đều ấp ủ nguyện vọng tha thiết là cùng nhau xây dựng một Chi nhánh Tự đường tại TP. HCM để việc thờ cúng ông bà, Tổ tiên được ổn định và trang nghiêm; đồng thời để con cháu trong tộc có chỗ sum họp, thuận tiện, thắt chặt tình ruột thịt. Nguyện vọng chính đáng ấy đã được đông đảo con cháu các dòng tộc làm ăn sinh sống ở TP. HCM tán thành và hưởng ứng ủng hộ. Thế là những Chi nhánh Từ đường của các dòng họ được xây dựng để con cháu hằng năm về cúng tế, hương khói tổ tiên ông bà xuất hiện ngày càng nhiều, đáp ứng nhu cầu thờ phụng, tế lễ tổ tiên ông bà, cũng là để thuận tiện cho con cháu khắp nơi có chỗ họp mặt trong những ngày kỵ lạp. Đó là sự kết tinh tâm nguyện, công sức của bà con và là gia sản thiêng liêng của các dòng Tộc người Quảng nơi xa quê.

Ngoài văn hóa ẩm thực, các phong tục tập quán của xứ Quảng cũng được cư dân Bảy Hiền gìn giữ và phát huy, tạo thành những điểm nhấn đặc sắc trong một cộng đồng đa văn hóa của thành phố. Tục cúng xóm đầu năm là một ví dụ. Sau tết Nguyên đán, từ ngày mùng 8 tới 12 tháng Giêng, cư dân khu Bảy Hiền cùng đóng góp để làm lễ cúng xóm, với đầy đủ nghi thức trang nghiêm. Lễ “cúng xóm”, ngoài ý nghĩa gắn kết tình thân xóm giềng (khu phố), còn là lễ cầu an, cầu xin sự an lành đến với mọi người trong xóm.

Bên cạnh các sự kiện lễ cúng, Bảy Hiền còn là nơi để đến tham gia các hoạt động văn nghệ, giải trí dân gian, như hát tuồng, bài chòi. Hấp dẫn nhất trong những ngày tết, đối với cả người lớn lẫn trẻ nhỏ, là lễ hội Bài chòi, thường được tổ chức tại trung tâm văn hóa phường 11. Đây là một trò chơi đậm chất nghệ thuật dân gian của xứ Quảng, người chơi vừa tham gia chơi, vừa được thưởng thức văn nghệ qua những câu hô bài chòi duyên dáng mà hài hước.

Đối với người Quảng, bữa cơm cúng tổ tiên, ông bà là phần nghi thức trang trọng nhất trong ngày Tết. Dù giàu nghèo, nhà nào cũng phải có đầy đủ những món ăn đặc trưng của người Quảng để cúng, mà phải cúng đủ một ngày ba bữa cơm (sớm, trưa và tối), từ mồng một cho đến mùng ba. Thức ăn được bày biện trên bàn thờ có thể không đầy đủ như ở quê nhà nhưng phải không được để thiếu ba món là cơm nóng, cá chiên và một tô canh (có thể là miến lòng gà hoặc chuối chát nấu với xương heo). Không ai lý giải được vì sao phải có ba món đó nhưng chắc chắn rằng thế hệ này đến thế hệ khác vẫn tiếp tục gìn giữ.

Nếu người miền Bắc có bánh chưng, miền Nam có bánh tét như là một biểu tượng của truyền thống ẩm thực ngày Tết thì người Quảng không thể thiếu bành rò, bánh thuẩn, bánh nổ. Sống trong một thành phố đông đúc, nhà cửa san sát, nguyên liệu khó kiếm, công việc bận rộn đến cận giao thừa thì để làm đủ các loại bánh ấy quả là khó, nên nhiều gia đình phải mua. May mắn thay, chợ Bà Hoa đáp ứng được nhu cầu này.

                                                                                   Đặc sản xứ Quảng tại chợ Bà Hoa

Điều đáng trân trọng là từ sau ngày giải phóng, người dân xứ Quảng tại Bảy Hiền nói chung và những người làm nên cơ nghiệp trong cộng đồng đồng hương đất Quảng tại TP.Hồ Chí Minh luôn hướng về cội nguồn, gắn bó với đồng bào tại quê nhà và làm tốt nghĩa vụ công dân của thành phố mang tên Bác. Các phong trào hoạt động của Hội đồng hương như cứu trợ bão lụt, bảo trợ bệnh nhân nghèo, khuyến học, đền ơn đáp nghĩa… đều được bà con nhiệt tình ủng hộ đạt được kết quả rất đáng khích lệ.

——o0o—–

 Sài Gòn đất lành chim đậu, chuyện người miền Trung, miền Bắc vào đây sinh cơ lập nghiệp không phải chuyện lạ, nhưng có được một cộng đồng lớn và nhiều ảnh hưởng mà vẫn giữ lại những bản sắc quê hương như ở khu Bảy Hiền, có thể coi là một kì tích. Với đầy đủ các yếu tố về văn hóa, cư dân, ngôn ngữ… có thể khẳng định khu vực Bảy Hiền là một xứ Quảng thu nhỏ giữa lòng Sài Gòn, không còn là một cách nói ví von bay bổng nữa.

Vùng Bảy Hiền (bao gồm: phường 10, 11, 12 và 14 của quận Tân Bình, TP.HCM) lâu nay được biết tới như một Quảng Nam thu nhỏ giữa lòng Sài Gòn, với làng dệt Bảy Hiền, với chợ Bà Hoa, với mì Quảng, bê thui, bánh đập, với những con người tuy sống ở Sài Gòn lâu năm mà vẫn nói riêng một giọng Quảng Nam khó lẫn lộn.

Minh Khôi