Người Quảng trên cao nguyên Di Linh – Lâm Đồng

0
811

Dù ở cách xa quê nhà gần 700km, nhưng bóng dáng Quảng vẫn hằn in trong đời sống sinh hoạt của bà con đồng hương xứ Quảng trên cao nguyên Di Linh, Lâm Đồng.

 Từ thành phố Bảo Lộc, chúng tôi vượt đoạn đường dốc theo hướng Đà Lạt khoảng 30km thì đến trung tâm huyện Di Linh. Dù chưa báo trước nhưng chỉ qua vài cuộc điện thoại báo tin của anh Bùi Văn Hùng thì rất đông các anh em trong Ban chấp hành HĐH QN – ĐN tại Di Linh đến rất đông, mặc dù nơi đây đang vào mùa thu hoạch café. Căn nhà của anh Hùng tuy rất rộng lớn nhưng dường như không còn chỗ trống. Sau một hồi giới thiệu, thăm hỏi nhau, chúng tôi nhận ra sự nồng ấm và chân tình nơi những người con xa xứ. Những kỷ niệm, tình cảm về quê hương chảy tràn.. Và câu chuyện về “cuộc hành trình” người Quảng vào cao nguyên Di Linh, Lâm Đồng được anh Bùi Văn Hùng – Chủ tịch HĐH cùng các anh em trong Ban chấp hành bắt đầu khơi lại…

Đó là vào năm 1956, một trong những người đầu tiên đặt chân đến vùng đất Di Linh này là gia đình bà Lương Thị Kim (gốc ở Duy Trinh, Duy Xuyên). Sau đó, vào khoảng thời gian từ năm 1959 đến 1962, rất nhiều người dân rời xa quê hương vào sống nhờ ở gia đình bà Kim để đi làm thuê tại các đồn điền trà, càfe. Với bản chất cần cù, chịu thương, chịu khó, người Quảng đã từng bước thích ứng trên cao nguyên Di Linh. Từ chỗ là những người làm thuê (có một số người may mắn được cấp đất), dần dần họ tích góp tiền bạc, mua rẫy vườn và đưa bà con người thân vào làm ăn, sinh sống. Khi cơ nghiệp đã vững, cuộc sống ổn định thì một số người chuyển sang kinh doanh, buôn bán; đặc biệt có một số ít gia đình vẫn còn giữ nghề tráng mì Quảng, trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ, như gia đình chị Võ Thị Đạo, anh Lê Sáu… là ví dụ điển hình về những con người làm hồi sinh nghề truyền thống của quê hương trên đất khách.

                                                          Một số ít gia đình vẫn còn giữ nghề tráng mì Quảng

Bên cạnh tinh thần cần cù, sáng tạo trong lao động để thay đổi cuộc sống, thì việc phát huy tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống luôn được người dân nơi đây lưu giữ và phát huy cho con cháu phấn đấu noi theo. Đặc biệt, nhằm tạo thành một móc xích quan trọng để bà con xa quê hằng năm có điều kiện gặp gỡ nhau, đầu năm 2000, HĐH QN – ĐN tại Di Linh chính thức thành lập. Đến nay số hội viên tham gia là trên 600 người, với 1 Ban Chấp hành Huyện hội và 11 Chi hội thành viên, qua mỗi năm Hội đều có bổ sung những hội viên mới. Hằng năm, HĐH các Chi hội đều tổ chức họp mặt đồng hương và cứ 3 năm thì HĐH QN – ĐN huyện Di Linh tổ chức họp mặt một lần. Bên cạnh đó, Hội đều tổ chức chúc thọ cho các cụ ông cụ bà cao niên và các cháu học sinh đạt thành tích học tập cao qua từng năm học.

Đã gần 60 năm trôi qua, cộng đồng người Quảng nơi đây đã góp phần rất lớn trong quá trình “thay da, đổi thịt” vùng đất này. Đời sống bà con ngày một nâng cao, con cháu học hành đến nơi, đến chốn. Với những gì đã làm được qua hơn nửa thế kỷ, người Quảng đã từng bước khai phá vùng đất Di Linh vốn đã hoang sơ thành những đồn điền chè, café bạt ngàn trù phú như bao địa phương khác tại Lâm Đồng. Rồi đây, những thế hệ con cháu người Quảng sẽ tiếp tục phát huy tinh thần lao động, sáng tạo, hiếu học để làm giàu và rạng danh những người con đất Quảng trên cao nguyên Di Linh, Lâm Đồng.

Người Quảng bắt đầu đặt chân đến Di Linh (Lâm Đồng) từ năm 1956. Trãi qua gần 60 năm sinh cơ, lập nghiệp, người Quảng từng bước khẳng định vị thế và tầm vóc nơi đất khách. Từ những người phu dịch tại các đồn điền địa chủ, thực dân, họ dần khai khẩn, mua đất làm rẫy và từng bước ổn định cuộc sống, có một số người trở nên khá giả. Trong số hàng ngàn người Quảng đang sinh sống tại đây, rất nhiều gia đình có đời sống khá giả, con cái thành đạt. Hiện nhiều người có hàng chục, hàng trăm hecta trồng chè, café thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

 Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện người Quảng ở Di Linh có khoảng trên 2.000 người, thường sống tập trung theo khu. Như người Thăng Bình sinh sống chủ yếu ở xã Liên Đầm; người Duy Xuyên tập trung chủ yếu ở KP7, KP10 thị trấn Di Linh,; người Tam Kỳ sinh sống nhiều ở KP6, thị trấn Di Linh; người Đại Lộc (đa số vào Di Linh vào năm 1992) sống tập trung ở khu Đinh Lạc, Tân Nghĩa… và hầu như ở các huyện thành phố nào của Quảng Nam – Đà Nẵng cũng có người di cư vào sinh sống tại khắp các vùng miền ở Di Linh như thị trấn Di Linh, Tân Châu, Liên Đầm, Tân Lạc, Tân Lâm…

 Hy vọng, trong tương lai, những thế hệ con cháu ở đây sẽ tiếp bước và phát huy những cái mà cha ông đã gầy dựng, để người Quảng trên cao nguyên Di Linh mãi là quê hương Quảng Nam – Đà Nẵng thứ 2 của cộng đồng người Quảng xa quê trên mảnh đất Lâm Đồng này.   

Tuấn Kiệt