Tinh hoa một làng nghề

0
741

Trên chuyến đò ngang nối Cẩm Kim và phố cổ Hội An để đến với làng mộc Kim Bồng nổi danh một thời, chỉ mất mươi phút lênh đênh giữa mênh mông sóng nước sông Hoài, Kim Bồng chào đón chúng tôi bằng những âm thanh đục, đẽo quen thuộc của nghề mộc như một mạch nguồn sống, minh chứng cho sự hồi sinh trở lại của một làng nghề đã có truyền thống hàng trăm năm tuổi.

Nằm ở hữu ngạn hạ lưu sông Thu Bồn chảy qua Hội An trước khi đổ ra biển, Làng mộc Kim Bồng (xã Cẩm Kim, thành phố Hội An, Quảng Nam) đã hình thành cách đây từ hơn 600 năm về trước (từ thế kỷ 15) do ông tổ nghề từ quê hương Thanh – Nghệ Tĩnh đã vượt sóng gió qua dải đất miền Trung, vào cửa biển Hội An theo dòng sông Thu Bồn và dừng lại khai phá lập làng ở hai bên bờ sông. Qua quá trình giao lưu và học hỏi, các nghệ nhân mộc Kim Bồng xưa đã tiếp thu nhiều nét tinh hoa của nghệ thuật điêu khắc chạm trổ Chiêm Thành, Trung Hoa, Nhật Bản… rồi kết hợp với bàn tay tài hoa và óc sáng tạo phong phú của mình để làm nên những sản phẩm mang đầy tính mỹ thuật và triết học.

Kỹ thuật và kỹ năng chế tác của thợ làng Kim Bồng xưa kia được thể hiện qua hàng vạn công trình nhà cửa và kiến trúc khắp cả nước. Tại đô thị cổ Hội An, các công trình hội quán, chùa chiền, đình làng, nhà thờ, là nơi minh chứng rõ nhất tài nghệ đắp vẽ, trang trí nội ngoại thất. Những chim công múa, Lý Ngư Vọng Nguyệt, các Đức Thánh, các linh vật Long – Lân – Quy – Phụng đều do thợ Kim Bồng thực hiện. Tại các Hội quán Quảng Triệu, Miếu Quan Công hay tại các đình chùa những điêu khắc Giao Long do thợ Kim Bồng thực hiện hết sức sống động với đầy đủ các chi tiết…

Với bàn tay khéo léo và nghệ thuật tài hoa của mình, nhiều thế hệ thợ mộc Kim Bồng không những đã để lại dấu vết tài nghệ tuyệt vời của mình ở các di tích đô thị cổ Hội An mà còn trong nhiều di tích khác ở Đà Nẵng, Huế và TP. HCM… Mỗi một sản phẩm được làm ra là tâm huyết của một người, mỗi hoa văn trên sản phẩm là một sáng tạo mỹ học để tạo nên những tuyệt phẩm. Đó cũng chính là nét độc đáo làm nên sức sống của làng mộc Kim Bồng nổi tiếng.

Sản phẩm dân dụng của nghề mộc Kim Bồng từ xưa đến nay không những có mặt ở nhiều nơi trong nước mà còn vượt đại dương theo thuyền buôn có mặt ở các nước xa xôi. Nhưng trước hết, rõ nhất, đầy đủ nhất khu phố cổ Hội An vẫn là tấm gương soi phản ánh bề dày và chiều sâu của nghề mộc Kim Bồng – Hội An.

Anh Huỳnh Sướng, con trai nghệ nhân Huỳnh Ri và cũng là truyền nhân đời thứ 13 của làng mộc Kim Bồng cho biết: “Để sản phẩm của mình độc đáo, tinh xảo, mỗi nghệ nhân làng mộc Kim Bồng có một kỹ năng, kỹ xảo riêng. Một tác phẩm nghệ thuật chứa đựng linh hồn. Sản phẩm phải gắn với hồn, với bản chất văn hóa Việt như tre, gỗ. Đặc biệt, không có độ rung cảm của nghệ nhân, thì cái hồn của tác phẩm mỹ nghệ sẽ khó thành công. Điều này đòi hỏi họ luôn phải sáng tạo, nâng cao tay nghề và đặt toàn bộ tâm hồn – trí tuệ của mình vào tác phẩm”.

Nhìn chung, sản phẩm mộc Kim Bồng đẹp và hoàn hảo đến mê hoặc. Thợ mộc Kim Bồng ngày nay vẫn giữ được nghề truyền thống và những nét tinh hoa do cha ông truyền lại. Những tác phẩm chạm khắc của họ trên các đầu kèo, trên xiên, trên trính, trên án thư, bàn thờ và cả bàn ghế, tủ, khay, đều là những kiệt tác mà bất cứ ai được trông thấy cũng phải trầm trồ, xuýt xoa thán phục. Những tượng Quan Công, Di Lặc… và các con vật, vật dụng gắn liền với đời sống dân gian được điêu khắc cực kỳ tinh tế, luôn cuốn hút du khách gần xa. Tuy nhiên, hiện nay, cơ cấu làm nghề cũng đã có nhiều thay đổi. Thay vì những công việc chính của ngày xưa là đóng tàu thuyền, dựng nhà; thì bây giờ nghề mộc ở Kim Bồng đa phần sản xuất hàng mỹ nghệ phục vụ du lịch.

Sự tồn tại bền bỉ và sức sống tiềm tàng của làng nghề qua hàng trăm năm đã cho thấy, dù có lúc lắng dịu, trầm ẩn nhưng bằng sự phong phú về sản phẩm của làng nghề như mộc tiêu dùng, mộc xây dựng, đóng tàu và mỹ nghệ, làng mộc Kim Bồng vẫn âm thầm phát triển. Mộc mỹ nghệ gắn chặt với du lịch và chịu sự chi phối của du lịch, có thể thăng hoa hoặc ảm đạm theo thị trường du lịch. Nhưng bên cạnh đó, những mảng màu khác của mộc Kim Bồng, dù chỉ còn là truyền thống, nhưng vẫn là nguồn sống mãnh liệt cho làng nghề trong mọi thời điểm.

Hy vọng trong tương lai, với chính sách mở cửa và cơ chế thị trường, nghề mộc Kim Bồng sẽ đón nhận được sự quan tâm của các cơ quan chức năng, các nhà doanh nghiệp và trong vòng tay ưu ái của bạn nghề cả nước để làng mộc Kim Bồng ở Hội An sớm được phục hưng và bảo tồn một làng nghề truyền thống nổi tiếng ở Việt Nam nói chung và ở Quảng Nam nói riêng.

Minh Khôi