Đại tá Lê Cổ: Người chiến binh thầm lặng

0
783

Vào một chiều đầu Thu, chúng tôi đến thăm nhà một vị Đại tá. Trước mắt tôi là hình ảnh một ông lão mái tóc ngả mầu thời gian, khuôn mặt phúc hậu, và đặc biệt là nụ cười cởi mở luôn thường trực khiến cho cảm giác xa lạ trong tôi như tan biến tự lúc nào. Ông chính là Đại tá Lê Cổ – nguyên Chủ nhiệm Bộ đội phòng không Quân khu 5, nguyên là sĩ quan của Bộ Tham mưu Quân chủng Phòng không – Không quân.

Với giọng nói chậm rãi, nét mặt cương nghị và đôi mắt vẫn còn tinh anh, Đại tá Lê Cổ hào hứng kể về những tháng ngày gian khổ cùng những chiến công đã góp phần không nhỏ trong công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Vào lính

Đại tá Lê Cổ sinh ra và lớn lên ở làng Trường Thành, tổng Vinh Quý, phủ Tam Kỳ (nay là thôn 6, xã Tam Thành, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) trong một gia đình yêu nước, có bố là liệt sĩ. Cũng như những bạn bè trang lứa khác, cậu bé Lê Cổ lớn lên trong cảnh nước mất, quê hương vẫn đang chìm đắm trong ách thống trị của thực dân, đế quốc.

Lớn lên trên cái nôi của phong trào đấu tranh nên sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, hòa vào không khí đấu tranh sục sôi của đất nước, Lê Cổ được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Cứu quốc năm 1948 khi còn đang theo học tại trường Trung học Phan Chu Trinh. Vào những năm 1949 – 1950, khi phong trào “Xếp bút nghiêng” ở trường Trung học Phan Chu Trinh, Quảng Nam diễn ra sôi động; không khí tổng động viên, chuyển mạnh cuộc kháng chiến sang tổng phản công đánh đuổi quân xâm lược Pháp, lớp học sinh lớn (tam, tứ niên) hăng hái xin đi tòng quân giết giặc thì ông vào Quảng Ngãi thi ở trường Lê Khiết và đỗ bằng Thành Chung (Diplome). Đầu năm 1950 thì Lê Cổ được vinh dự kết nạp vào Đảng.

Trước yêu cầu của cuộc đấu tranh chống đế quốc và bè lũ tay sai, Lê Cổ xin giấy giới thiệu của thầy Hiệu trưởng và đồng chí Bí thư Chi bộ trường, xin tòng quân tại Trung đoàn 93, tỉnh đội Quảng Nam. Sở dĩ ông phải tự xin nhập ngũ vì 2 đợt tuyển quân ở trường, ông bị giữ lại vì chi bộ nhà trường mới thành lập, Đảng viên còn ít. Tháng 7/1950, ông công tác và chiến đấu tại chiến trường Liên khu 5, Quảng Nam – Đà Nẵng. Năm năm sau (năm 1955) thì lên tàu biển tập kết ra Bắc mà điểm đến đầu tiên là bến Sầm Sơn, Thanh Hóa.

Những năm tập kết ra Bắc là những tháng ngày gian nan, vất vả nhưng ông không ngừng nỗ lực phấn đấu, cùng với cán bộ chiến sĩ thực hiện khẩu hiệu “Xây dựng quân đội tiến lên chính quy, hiện đại”. Ngoài ra, ông còn tranh thủ thời gian, tìm mua sách tiếng Nga, sách La Rousse (học tiếng Nga qua Pháp ngữ) để tự học. Những nỗ lực không mệt mỏi cũng được đền đáp xứng đáng khi năm 1961, ông được cử đi học tại Học viện Quân sự Phòng không Liên Xô. Đến năm 1964, khi chưa thi tốt nghiệp khóa học thì bị rút về nước và phân công làm Đại đội trưởng Đại đội Pháo cao xạ tại Uông Bí, Quảng Ninh.

Những chiến công vang dội

Năm 1965, Đại đội Pháo cao xạ của Đại tá Lê Cổ tham gia chiến đấu chống cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc của đế quốc Mỹ và đã góp phần bắn hạ 1 máy bay phản lực của Mỹ. Vì vậy, ông được tặng huy hiệu 5-8 – huy hiệu ghi nhận trận đầu bắn máy bay Mỹ trên miền Bắc. Sau đó, ông được điều động về binh chủng Tên lửa phòng không và lần lượt giữ các cương vị như Tiểu đoàn Phó, Tiểu đoàn Trưởng hỏa lực, tham gia chỉ huy chiến đấu bắn rơi một số máy bay phản lực Mỹ. Đặc biệt, đêm 18/6/1968 tại Nghệ An, chỉ với 2 quả tên lửa, tiểu đoàn của ông đã xuất sắc diệt gọn một tóp 2 máy bay tiêm kích bom loại F4D (con ma), loại rất lợi hại lúc đó. Với những chiến công vang dội đó, năm 1969, Đại tá Lê Cổ được bổ nhiệm làm sĩ quan huấn luyện chiến đấu Bộ Tham mưa quân chủng Phòng không – Không quân. Tại đây, ông đã tham gia biên soạn một số tài liệu như: Quy tắc bắn máy bay Mỹ, đặc biệt máy bay chiến lược B52.

Nói đến Đại tá Lê Cổ còn phải nhắc đến trận đánh ác liệt với quân đội Mỹ tại Chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” vào tháng 12.1972. Ông bắt đầu bằng những hồi tưởng về trận đánh lịch sử này: “Chiến dịch phòng không 12 ngày đêm với tên gọi “Điện Biên Phủ trên không” vào tháng 12.1972 đã bắn rơi 81 máy bay Mỹ, trong đó có 34 máy bay B52, đạt tỷ lệ 17% trên tổng số B52 tham chiến, một hiệu suất chiến thắng chưa từng có trong lịch sử chiến tranh thế giới. Riêng đoàn Tên lửa – Phòng không mà tôi tham gia đã bắn rơi 29/34 chiếc B52 của Mỹ, trong đó có 16 chiếc rơi tại chỗ và bắt sống nhiều giặc lái, buộc địch phải ngồi vào bàn đàm phán Paris, góp phần quyết dịnh cho chiến dịch “Đại thắng mùa xuân”, thống nhất đất nước vào năm 1975”.

Vượt qua biết bao nhiêu bom đạn của kẻ thù, ông luôn giữ vững khí tiết người Cộng sản, quyết chiến đến hơi thở cuối cùng để giành và bảo vệ chính quyền cách mạng. Sau ngày đất nước thống nhất, Lê Cổ quay trở lại Học viện Hải quân Liên Xô ở Lê-nin-gờ-rát. Tuy nhiên, chỉ một thời gian sau, ông trở về Bộ Tham mưa quân chủng Phòng không – Không quân với chức vụ Trung đoàn trưởng Tên lửa phòng không và Phó sư trưởng – Tham mưa trưởng sư đoàn; sau đó thì được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm bộ đội phòng không QK5, trong thời gian này ông có tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia, giúp nước bạn tiêu diệt chế độ Pon – Pốt. Đến năm 1991 thì ông về hưu với quân hàm Đại tá.

Sau khi về hưu, gia đình Đại tá Lê Cổ chuyển vào sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tại đây, ông được tín nhiệm giữ nhiều cương vị, như: Ủy viên thường thực Hội đồng hương Quảng Nam – Đà Nẵng tại TP. HCM; Trưởng BLL Truyền thống Trung đoàn 93 Quảng Nam; Phó BLL Truyền thống binh chủng tên lửa phòng không tại TP.HCM; Chủ nhiệm CLB Thơ văn phường 2, quận Tân Bình… Và mới đây, Đại tá Lê Cổ đã đứng ra vận động thành lập Ban liên lạc lâm thời Cựu quân nhân, cựu chiến binh Quảng Nam – Đà Nẵng tại TP. HCM và ông được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch.

Suốt một đời xông pha trận mạc, dù kinh qua nhiều cương vị công tác khác nhau, và trong bất cứ hoàn cảnh, thời gian nào, trong Nam hay ngoài Bắc thì ông đều hoàn thành xuất sắc nhiệm nhiệm vụ được giao. Giờ đây, khi trở về với cuộc sống đời thường, ông luôn gương mẫu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, phẩm chất chính trị của người đảng viên, luôn là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ phấn đấu noi theo.

Và sau cuộc trò chuyện với ông, tôi tin rằng: Mọi cuộc chiến tranh rồi sẽ qua đi, bụi thời gian và sức tàn phá khủng khiếp của nó có thể hủy hoại mọi thứ, song chân dung Đại tá Lê Cổ – người cả cuộc đời cống hiến tuổi thanh xuân cho đất nước sẽ còn lại mãi với thời gian…

Dược Thảo