Nhà báo Hoàng Hận và tình người trên cao nguyên Langbiang

0
860

Trong hành trình kết nối những người con xứ Quảng xa quê tại khu vực Tây Nguyên, điểm dừng chân tiếp theo của chúng tôi là thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng. Tại thành phố ngàn hoa này, chúng tôi có dịp gặp anh, nhà báo Hoàng Hận – Phó Tổng Biên tập Báo Lâm Đồng, Phó Chủ tịch Hội đồng hương Quảng Nam – Đà Nẵng tại Đà Lạt, người luôn hết mình với bà con đồng hương nơi đây. Và, cuộc trò chuyện với anh khiến chúng tôi vỡ ra nhiều điều…

Những năm tháng tuổi thơ

Nhà báo Hoàng Hận (tên thật: Huỳnh Ngọc Hận – SN 1955) sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống đấu tranh cách mạng trên quê hương Giảng Hòa thuộc xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc, Quảng Nam. Sớm thừa hưởng những giá trị truyền thống của quê hương, gia đình, ngay từ khi còn là một cậu bé 11 tuổi (1966) Hoàng Hận đã tham công tác cách mạng tại địa phương, với nhiệm vụ là liên lạc cở sở và Đội viên Đội Văn nghệ xã nhà Lộc Quý, Lộc Thuận, Đại Lộc, Quảng Đà (nay là xã Đại Thắng, Đại Lộc).

Tạm gác lại những mất mát, đau thương khi mẹ và anh trai đã hi sinh trong cuộc chiến, anh gửi người em trai vừa lên bốn tuổi lại cho bà con chòm xóm trông nuôi (vì lúc này cha anh đang công tác ở Hội đồng Nhân lực Tiền phương và Ban Giao vận Quảng Đà) để rồi vào mùa hè năm 1969 lịch sử, cậu bé giao liên Huỳnh Ngọc Hận của đội viên Đội văn nghệ xã cùng một số bạn bè ở địa phương hăng hái lên đường ra hậu phương miền Bắc học tập, rèn luyện… Sau hơn 3 tháng vượt Trường Sơn, Hận cùng những người bạn của mình đã đến thủ đô Hà Nội và được đón về T64 Đống Đa, nơi hội tụ những người cùng trang lứa từ miền Nam ra.

Nói về kỷ niệm đáng nhớ của mình trong những ngày tháng đầu ở Hà Nội, anh hồ hởi: “Đúng vào dịp Tết Trung thu năm Kỷ Dậu (1969) lần đầu tiên tôi cùng những cậu bé ở miền Nam ra được hò reo, nô đùa cùng với lớp thiếu niên nhi đồng ngay trong lòng miền Bắc, giữa thủ đô yêu quý, một cảm giác rất khó tả”.

Với tố chất thông minh và nhạy bén, cuối tháng 9 năm ấy, Hận được Đảng và Nhà nước đưa sang đào tạo, rèn luyện, học tập, sinh hoạt tại khu Giáo dục học sinh miền Nam (HSMN) Quế Lâm – Trung Quốc khi độ tuổi trăng rằm. Đến năm 1970, khi vừa tròn 16 tuổi, anh vinh dự được gia nhập vào Đoàn Thanh niên Lao động Hồ Chí Minh (nay là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh).

Mùa hè năm 1973, sau khi tốt nghiệp cấp 2 (lớp 7/10, hệ 10 năm ở Bắc), cũng như bao lớp HSMN khác ở khóa đào tạo này, anh trở về nước và tiếp tục theo học ở Trường HSMN tại số 01 Đông Triều, Quảng Ninh. Sau chiến dịch Mùa xuân đại thắng năm 1975, khi đã học xong lớp 9/10, Hoàng Hận được về lại quê hương sau 7 năm xa cách với lòng hân hoan, phấn khởi.

Những hoạt động phong trào

Trở về với quê hương, Hoàng Hận vừa chăm chỉ học hành, rèn luyện, vừa tích cực tham gia sinh hoạt tại địa phương, như đảm nhiệm chức vụ Phó Bí thư Đoàn trường, Thư ký Hội Liên hiệp Thanh niên học sinh trường cấp 2 – 3 Đại Lộc. Bằng tinh thần nhiệt huyết của tuổi trẻ cùng những kiến thức đã được học tập, đào tạo ở miền Bắc, người cán bộ Đoàn – Hội năm xưa cùng với tuổi trẻ huyện nhà hăng hái đóng góp một phần không nhỏ cho phong trào hoạt động của Đoàn và Thanh – Thiếu niên ở mái trường cấp 2 – 3 Đại Lộc trong thời kỳ đầu sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (1975 – 1977).

Từ năm 1977 – 1981, anh là sinh viên khóa I Văn – Sử của Trường ĐH Tổng hợp Huế. Tại đây, anh tham gia hoạt động phong trào trong rất nhiều cơ quan, đoàn thể như: Ủy viên BCH Đoàn Trường, ủy viên BCH Liên chi, Phó Bí thư Chi đoàn, ủy viên Ban Đại diện khu cư xá sinh viên, Đội phó Đội Cờ đỏ Đoàn Trường ĐH Tổng hợp Huế, Phụ trách công tác Phát thanh – Tuyên truyền của Đoàn Trường…

Tháng 11/1981, sau khi tốt nghiệp đại học, Hoàng Hận vào công tác tại Lâm Đồng. Từ đó cho đến nay, anh kinh qua rất nhiều cương vị trong lĩnh vực báo chí như: Phóng viên Báo Lâm Đồng (1981 – 1986), Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ Lâm Đồng (1986 – 1989), Trưởng phòng Hành chính – Trị sự, và từ năm 2012 là Phó Tổng Biên tập Báo Lâm Đồng. Dù ở bất cứ cương vị nào, nhà báo Hoàng Hận cũng đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Vì vậy trong suốt quá trình hoạt động, công tác của mình, anh đã nhận được rất nhiều giấy khen, bằng khen các cấp.

Với công tác đồng hương

Đại Lộc như một bầu sữa ngọt nuôi anh khôn lớn từng ngày. Vì thế, hai tiếng quê hương luôn hiện diện trong tâm trí anh. Từ khi bắt đầu vào sinh sống và làm việc tại Lâm Đồng, do đặc thù công việc, anh có cơ hội đi khắp các bản làng, thôn xóm trên mảnh đất cao nguyên Langbiang. Chính điều đó mà anh có nhiều cơ hội gặp mặt những bà con đồng hương, để rồi càng thấm thía hơn tình người nơi đất khách. Vì thế, khi Hội đồng hương Quảng Nam – Đà Nẵng tại TP. Đà Lạt được thành lập, nhà báo Hoàng Hận luôn tích cực hăng hái tham gia.

Đặc biệt, trong những năm 1991 – 1992, với vai trò là Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ Lâm Đồng, phóng viên Báo Lâm Đồng và là thành viên Hội đồng hương Quảng Nam – Đà Nẵng tại thành phố Đà Lạt, Hoàng Hận đã cùng với các đồng chí lãnh đạo, các ngành chức năng ở hai địa phương Quảng Nam – Đà Nẵng và tỉnh Lâm Đồng đưa hơn 100 hộ ở Quảng Nam – Đà Nẵng (đa số là người Đại Lộc) vào cao nguyên Di Linh khai khẩn đồn điền, lập nghiệp, ổn định cuộc sống. Những năm sau này, với trách nhiệm là Ủy viên thư ký, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng hương Quảng Nam – Đà Nẵng tại Đà Lạt, anh đã làm tốt vai trò là cầu nối giữa những người con xa quê đang sinh sống, học tập, công tác và định cư tại Lâm Đồng với quê hương xứ Quảng.

Nói về điều này, anh chia sẻ: “Những ngày đầu tại nơi đất khách quê người còn bỡ ngỡ nên bà con cần có sự chia sẻ, động viên. Và cũng chính từ tình cảm đồng hương mà mọi người đã xích lại nhau để chung tay lập nghiệp, xây dựng cuộc sống nơi vùng quê mới”.

Xa quê hương đã lâu, nhưng đến bây giờ mỗi khi có ai nhắc về vùng đất “Ngũ phụng tề phi” là lòng anh bồi hồi xúc động. Bởi nơi đó không chỉ có một thời ấu thơ đáng nhớ mà còn là một niềm tự hào về truyền thống hiếu học và tinh thần yêu nước của đất địa linh nhân kiệt. Chính vì thế, anh sẽ rất vui khi có những tập thể, cá nhân là con em của quê hương Quảng Nam – Đà Nẵng làm ăn giỏi và vươn lên làm giàu một cách chính đáng tại thành phố sương mù này.

 Hoàng Hận là vậy, ngoài xã hội anh là tấm gương về một nhà báo mẫu mực, luôn hết mình với công việc; với tổ chức đồng hương, anh được mọi người tin yêu và kính trọng. Trong gia đình, anh còn là một người ông, người chồng, người cha mẫu mực, thủy chung, hạnh phúc, sống hòa thuận với mọi người…

Kết thúc bài viết này, chúng tôi xin trích lời nhận xét của ông Nguyễn Hữu Toản – nguyên Chủ tịch Hội đồng hương Quảng Nam – Đà Nẵng tại Đà Lạt (2004 – 2012) về nhà báo Hoàng Hận: “Anh ấy là một con người rất dễ gần gũi, quan hệ xã giao rộng rãi với bạn bè, đồng nghiệp; luôn nhiệt tình và hết lòng với bà con đồng hương tại Đà Lạt nói riêng, Lâm Đồng nói chung. Và nói đến công tác đồng hương nơi đây là phải nói đến nhà báo Hoàng Hận”.

Nam Phương