Thiếu tướng Huỳnh Huề: Người con đất Quảng anh hùng

0
1656

Trong trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam, đất và người xứ Quảng vinh dự có nhiều người con anh dũng, kiên trung đã hy sinh tuổi thanh xuân và xương máu của mình để đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc mà những thế hệ hôm nay mãi luôn ghi nhớ. Và những người đã may mắn còn sống sót lại sau những trận chiến khốc liệt, họ vẫn tiếp tục đem tài năng, sức lực của mình để cống hiến, bảo vệ sự bình yên của biển trời Tổ quốc và góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày một phồn vinh, thịnh vượng. Trong loạt bài này, chúng tôi xin được giới thiệu chân dung Thiếu tướng Huỳnh Huề (bí danh Ba Hoàng) – Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

 Mở đầu câu chuyện bằng sự giản dị, chân tình và giọng nói trầm ấm, Ba Hoàng (tên thân mật) chia sẻ về những tháng ngày gian nan mà anh đã từng trải qua trong quá trình công tác.

Quá trình hoạt động điệp báo Sài Sòn

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng (ba là cán bộ Thành ủy) trên quê hương xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng, Ba Hoàng sớm bộc lộ tinh thần yêu nước quả cảm. Năm 15 tuổi (năm 1966), anh đã tham gia Đoàn thanh niên T7 thuộc Đảng ủy Hoàng Văn Thụ – Thành ủy Đà Nẵng. Sau trận càng quét của địch (Tết Mậu Thân 1968), hàng loạt cơ sở cách mạng bị phát hiện, địch đánh phá dữ dội, bắt giam và tra tấn, trong đó ba anh cũng bị địch bắt rồi đày ra Côn Đảo. Anh cùng một số đồng chí khác phải chuyển vào Sài Gòn để tiếp tục hoạt động trong phong trào học sinh, sinh viên. Tại đây, anh nhận nhiệm vụ làm Phó Chủ tịch Hội sinh viên Quảng Đà, cùng với sinh viên Sài Gòn tổ chức nhiều cuộc biểu tình, đồng thời củng cố xây dựng cơ sở điệp báo với cách mạng.

Tháng 5/1972 Ba Hoàng chính thức được tham gia vào Lực lượng An ninh T4 do đồng chí Trần Quốc Hương (tức Mười Hương) – Phó Bí thư thường trực Thành ủy Sài Gòn – Gia Định lúc ấy làm Trưởng ban và đồng chí Lê Thanh Vân (tức Sáu Ngọc) – sau này là Giám đốc Công an TP. Hồ Chí Minh làm Phó ban. Nhiệm vụ của đơn vị này là xây dựng lực lượng điệp báo bí mật, tổ chức thu thập và báo cáo kịp thời các tin tức tình hình, ý đồ tổ chức của địch, phục vụ công tác phản gián, tình báo chiến lược kết hợp xây dựng các “lõm chính trị” phục vụ yêu cầu của cách mạng, đồng thời làm tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo phong trào ở đô thị, tấn công chính trị nhằm vào các giới ở Sài Gòn.

Tháng 9/1972, Ba Hoàng được giao nhiệm vụ làm Cụm phó Cụm điệp báo A10. Trong vị trí mới, anh đi sâu nghiên cứu, xây dựng được tổ chức là những sinh viên có tinh thần yêu nước, năng động và có điều kiện phục vụ cho công tác điệp báo. Ba Hoàng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình khi anh đã xây dựng, chỉ huy được mạng lưới cơ sở điệp báo “chui sâu, leo cao” trong các cơ quan quan trọng của địch.

Bên cạnh đó, Ba Hoàng còn phát triển được hàng chục cơ sở nội tuyến, giao liên, hộp thư, cơ sở ngoại vi và một số “lõm chính trị”, nắm được rất nhiều thông tin quan trọng về tình hình chính trị, kinh tế, quốc phòng của chính quyền ngụy quyền Sài Gòn lúc bấy giờ. Qua đó phục vụ tích cực vào việc vận động ông Dương Văn Minh – Tổng thống Việt Nam Cộng hòa đầu hàng vô điều kiện vào trưa ngày 30/4/1975 để quân và dân ta giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước mà bớt đi sự hy sinh, mất mát.

Nhiệm vụ công tác sau ngày hòa bình

Với Thiếu tướng Huỳnh Huề, việc tận tâm trong công tác cách mạng là nghĩa vụ tất yếu của người chiến sĩ, người đảng viên trong công cuộc giải phóng dân tộc và phát triển đất nước. Đến nay, trải qua chặng đường dài hơn 40 năm công tác cùng với đồng đội, đồng chí hết mình phục vụ nhân dân, Ba Hoàng đã phải vượt qua nhiều thử thách chông gai cùng gian nan khổ luyện, có lúc nguy hiểm tính mạng nhưng anh không chùng bước, qua đó anh đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm quý giá cho quá trình công tác đảm bảo An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Trong suốt quá trình công tác của mình, anh đã đảm trách nhiều chức vụ lãnh đạo quan trọng của ngành Công an như: Trưởng phòng Bảo vệ chính trị, Cục phó Cục Bảo vệ chính trị, Cục trưởng Cục An ninh Tây Bắc – Tổng cục An ninh – Bộ Công an, Giám đốc Công an tỉnh Đăk Lăk, Cục trưởng Cục Chính trị – Tổng cục An ninh 2 – Bộ Công an… Dù ở cương vị nào anh cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, nhà nước và ngành giao phó, mang lại nhiều chiến công vẻ vang trong lực lượng CAND Việt Nam.

Với những cống hiến hết mình vì đất nước và nhân dân, năm 2007, Ba Hoàng được phong hàm Thiếu tướng. Đây là phần thưởng xứng đáng nhất cho những đóng góp, hy sinh của anh cho ngành CAND. Vinh dự hơn nữa, anh được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 2010.

Là người con đất Quảng, Ba Hoàng luôn phát huy truyền thống hiếu học của quê hương, không những anh làm tấm gương sáng trong giáo dục, dạy dỗ con cái học tập, rèn luyện đạo đức và nhân cách sống, mà bản thân anh dù đang bận rộn với bao công việc, nhiệm vụ được giao, nhưng anh vẫn tiếp tục và thường xuyên nghiên cứu, học hỏi thêm kiến thức để phục vụ quá trình công tác chuyên môn. Vì vậy, anh đã học xong chương trình nghiệp vụ nâng cao lấy bằng Thạc sĩ Luật điều tra tội phạm Học viện An ninh nhân dân.

Thiếu tướng Huỳnh Huề xứng danh là một người anh hùng, trung kiên trong thời chiến cũng như thời bình. Những công việc thầm lặng của anh đã góp phần vào thành công chung trong cuộc giải phóng vĩ đại của dân tộc và giữ bình yên cho đất nước. Và trong quá trình công tác, anh đã làm nhiều việc luôn mang lại giá trị đích thực, hiệu quả cho xã hội, mãi cho đến ngày anh nghỉ hưu năm 2012.

Có thể nói, để hoàn thành tốt những công việc mà ngành giao phó, bên cạnh những nỗ lực hết mình của bản thân, Ba Hoàng luôn nhận được sự cảm thông và động viên của người vợ là chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (bí danh Ba Hương), cũng là một chiến sĩ giao liên trong Cụm điệp báo A10, là Thượng tá công an đã nghỉ hưu – người đã tham gia cách mạng từ năm 1973 khi còn là một sinh viên. Chính vì cùng hoạt động trong ngành, nên chị luôn quan tâm, động viên để anh yên tâm cho công việc. Hai anh chị có với nhau được 2 con (1 trai, 1 gái), đều đã trưởng thành. Hiện cả hai người con đang công tác ở các đơn vị nhà nước.

Tình yêu quê hương sâu sắc

Nếu ai đã từng gặp và làm việc với anh Ba Hoàng sẽ thấy được tính cách chân tình, triều mến và thân thiện, nhưng không kém phần quyết đoán và chuẩn mực. Anh chia sẻ rằng, lúc còn đang công tác trong ngành công an, anh luôn tập trung vào công việc và ý thức trách nhiệm với ngành lên hàng đầu nên không có thời gian quan tâm nhiều đến gia đình và quê hương. Nhưng bây giờ, sau khi đã nghỉ hưu anh tham gia tích cực vào các hoạt động văn hóa, xã hội của địa phương và chăm sóc gia đình, đặc biệt là tham gia vào các hoạt động của Hội đồng hương (HĐH) Quảng Nam – Đà Nẵng tại TP. HCM.

Đặc biệt anh rất vui mừng khi sau nhiều năm, lần đầu tiên HĐH Đà Nẵng kết hợp với HĐH Quảng Nam đồng tổ chức Lễ hội đồng hương Quảng Nam – Đà Nẵng tại Công viên văn hóa Đầm Sen vào tháng 3/2013 vừa qua. Với vai trò Trưởng ban tổ chức Lễ hội, anh đã góp phần tạo nên sự thành công của lễ hội, vượt qua cả sự mong đợi của mọi người. Đây thực sự là ngày hội của tình đồng hương nơi đất khách, không những của bà con Quảng Nam – Đà Nẵng tại TP. HCM mà cả những vùng lân cận ủng hộ hết mình, nhất là các thành phần doanh nhân, doanh nghiệp trong cộng đồng người Quảng. Việc tổ chức lễ hội được các cấp lãnh đạo quê nhà vào tham dự hoan nghênh và ghi nhận.

Đối với Thiếu tướng Huỳnh Huề, HĐH Quảng Nam – Đà Nẵng tại TP. HCM là chiếc cầu nối tình cảm của những người con quê hương Quảng Nam – Đà Nẵng đang sống xa quê với quê nhà như gần hơn, gắn bó mật thiết không thể tách rời, mọi khó khăn, trở ngại đều được chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau, cùng phát triển bền vững ở hai nơi. Anh còn chia sẻ thêm, làm được gì cho bà con đồng hương và quê hương thì làm, không phải toan tính. Cuộc sống ngày càng phát triển, đời sống bà con quê mình đa phần cũng khởi sắc hơn, tuy nhiên vẫn còn nhiều hoàn cảnh khó khăn, ngoặt nghèo, bệnh tật, hoạn nạn cần sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng và bà con đồng hương.

Thiếu tướng Huỳnh Huề là vậy, dù ở cương vị nào, từ một chiến sĩ anh hùng trong lửa đạn, một vị tướng CAND của thời bình, hay trong những vai trò mà HĐH giao phó, anh đều hoàn thành một cách xuất sắc. Với những cống hiến to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, anh xứng đáng là tấm gương để các thế hệ trẻ, đặc biệt là những người con xứ Quảng hôm nay và mai sau học hỏi, noi theo. Xin chúc Thiếu tướng luôn mạnh khỏe, có thêm nhiều việc làm ý nghĩa cho bà con đồng hương và góp phần xây dựng quê hương Quảng Nam – Đà Nẵng ngày càng giàu đẹp.

Tuấn Kiệt