Gốm Thanh Hà: Hồn người xứ Quảng

0
1527

Đến với Hội An, người ta không chỉ được khám phá những dấu ấn vàng son một thời hưng thịnh của thương cảng phố Hội xưa, còn được tìm hiểu những giá trị văn hóa vô giá mà vùng đất và con người nơi đây đã bồi lắng qua bao thế kỷ. Trong đó, làng gốm Thanh Hà là một trong số những làng nghề góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế thương mại – du lịch của phố cổ Hội An.

Nằm bên dòng Thu Bồn thơ mộng, cách khu phố cổ khoảng 3km về phía Tây, làng gốm Thanh Hà (phường Thanh Hà, thành phố Hội An) đã tạo nên một nét duyên riêng cho phố Hội và con người xứ Quảng. Đến thăm làng nghề, ngoài việc thỏa sức lựa chọn các sản phẩm lưu niệm bằng gốm, du khách còn được tận mắt chứng kiến những thao tác điêu luyện từ những bàn tay tài hoa của các nghệ nhân làng nghề này.

Có nguồn gốc Thanh Hoá, làng gốm Thanh Hà được hình thành từ cuối thế kỷ XV do những người nông dân, thợ thủ công làm gốm, gạch ngói đã di cư đến ấp Thanh Hà lập làng, làm nghề gốm và phát triển mạnh cùng với cảng thị Hội An trong các thế kỷ kế tiếp. Tiếp thu những tinh hoa của xứ Quảng, làng gốm đã phát triển mạnh mẽ, cung cấp các sản phẩm gốm phục vụ sinh hoạt và cung cấp gạch ngói cho các công trình kiến trúc ở Hội An và nhiều nơi khác.

Sản phẩm gốm Thanh Hà được làm từ nguồn nguyên liệu chính là đất sét bởi những bàn tay điêu luyện của nghệ nhân và kỹ thuật truyền thống của làng nghề. Sản phẩm chủ yếu là các đồ dùng phục vụ đời sống sinh hoạt hằng ngày như chén, bát, chum, vại, bình hoa, chậu cảnh, hình thù các con giống… mang nhiều kiểu dáng, màu sắc rất phong phú và đặc biệt nhẹ hơn so với các sản phẩm cùng loại của những địa phương khác.

Tuy làng gốm đã có thời lao đao trước sóng gió thị trường, giờ đây cũng chưa mang lại giàu có cho dân làng nhưng có thể đóng góp vào bức tranh du lịch Quảng Nam về một sản phẩm du lịch độc đáo. Đặc biệt, những năm gần đây, khi mà phố cổ Hội An trở thành di sản văn hóa thế giới, khách du lịch trong và ngoài nước đến Hội An ngày càng đông hơn, các làng nghề truyền thống theo đó có cơ hội phát triển trở lại. Làng gốm Thanh Hà đã được đưa vào tour trong hành trình tham quan của du khách khi đến phố Hội. Bây giờ, Thanh Hà còn là điểm du lịch hấp dẫn trong hành trình về với Hội An – Di sản Văn hóa thế giới.

Hiện nay, ngoài sản phẩm gốm được sản xuất thủ công với phương tiện và kỹ thuật truyền thống thì những các sản phẩm còn lại được làm theo cách đổ khuôn với sắc đỏ thắm của đất nung qua lửa, được xuất khẩu với mẫu mã độc đáo, vừa mang tính thẩm mỹ sáng tạo hiện đại, vừa mang tính dân gian.

 

Trải qua bao thăng trầm của cuộc sống, nét cổ kính, thanh bình của làng nghề truyền thống vẫn còn in đậm từ con đường làng quanh co, những mảnh vườn xanh um đến những bức tường gạch cũ, những mái ngói rêu phong. Hồn quê Việt xưa như vẫn quyện trong những nếp nhà mộc mạc. Dù nhiều địa phương đã hiện đại hóa nghề gốm với lò điện, với dây chuyền tiên tiến, nhưng người Thanh Hà vẫn làm gốm theo đúng kiểu truyền thống với chiếc bàn xoay và đôi tay khéo léo. Chính vì thế làng gốm Thanh Hà trở thành một bảo tàng sống, một nguồn tư liệu quý giá cho các nhà khoa học tìm hiểu, nghiên cứu về nghề gốm cổ truyền của Việt Nam nói riêng cũng như của vùng Đông Nam Á nói chung.

Rồi đây, theo hành trang văn hóa của khách du lịch đến với Hội An, gốm Thanh Hà sẽ đi khắp nơi trên thế giới, nghệ nhân làng gốm sẽ có cơ hội mở ra hướng đi vững chắc cho sản phẩm gốm mỹ thuật tinh xảo của làng nghề mình. Vẻ đẹp của phố Hội lại được tôn lên bởi sức sống của một làng nghề bình dị như gốm Thanh Hà.

Dược Thảo