Từ đường tộc Võ Đông Yên – Duy Xuyên tại Bàu Cát – Tân Bình – TP. HCM

1
1623

 Nguồn gốc:

Đất nước Việt Nam ngày càng phát triển, non sông Việt Nam ngày càng đổi mới và tươi đẹp như ngày hôm nay, một phần cũng nhờ vào việc tôn tạo và giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Trong đó, truyền thống “uống nước nhớ nguồn” đền đáp ơn nghĩa ông bà tổ tiên là lẻ đạo làm người không thể thiếu được.

Trong số hơn 200 dòng họ ở Việt Nam hiện nay thì dòng họ Vũ – Võ là một trong số rất ít dòng họ duy nhất có chung một Thủy tổ. Thủy tổ họ Vũ – Võ ở Việt Nam hiện nay đã được xác định là cụ Thủy tổ Vũ Hồn và Tổ mẫu Vũ – Võ Việt Nam là bà Nguyễn Thị Đức (thân mẫu của Thủy tổ Vũ Hồn) có nguồn gốc ở làng Mộ Trạch, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Ông vừa là Thần tổ “Thành hoàng làng”, vừa là “Hương Thủy tổ”, một danh nhân Việt Nam lập nghiệp nơi này từ năm 841.

* Từ vành nôi tổ mẫu Nguyễn Thị Đức – Thân mẫu của Thủy tổ Vũ Hồn “Bà Mẹ Việt Nam”.

Họ Vũ – Võ Việt Nam là một dòng họ nhân hậu và trí tuệ, đã được Hội đồng gia tộc liên Vũ – Võ Việt Nam báo cáo thông qua tổ chức văn hóa UNESCO. Trải qua gần 1.200 năm, biết bao thăng trầm của lịch sử, họ Vũ – Võ ở Mộ Trạch đã phân tán và phát triển khắp ở các tỉnh thành Trung Du Bắc Bộ. Sau khi lan tỏa vào miền Trung Nam Bộ thì họ Vũ phải đổi thành họ Võ, vì để tránh né tên hiệu của chúa Nguyễn ở phía Nam vào thời hậu Lê. Và cho đến nay thì dòng họ Vũ – Võ đã phát triển lan rộng khắp nơi trên thế giới, không riêng gì ở Việt Nam.

Để phát huy truyền thống nhân hậu và trí tuệ, truyền thống khuyến học khuyến tài, noi theo phẩm chất cao quý của Đức thần Thủy tổ, từ các triều đại xa xưa con cháu dòng họ Vũ – Võ luôn đứng trong hàng ngũ tứ trụ triều đình, và cho đến ngày nay con cháu dòng họ Vũ – Võ cũng đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng trong hàng ngũ của Đảng, nhà nước việt Nam, như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Nguyên cố vấn BCH TW đảng Võ Chí Công, Ủy viên Bộ chính trị TW đảng Vũ Qanh, Giáo sư Vũ Khiêu, Giáo sư – Tiến sĩ khoa học Võ Quý, Phó Giáo sư – Tiến sĩ hóa học Vũ Thị Thu Hà…

Thời cuộc đất nước đổi thay, có lúc thịnh lúc suy, con cháu dòng họ Võ phân tán ly hương rất nhiều nơi. Tuy nhiên tại làng Đông Yên (xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam), dòng họ Võ đã xây dựng một nhà thờ tộc Võ rất uy nghi, bề thế và đang thờ Đức thủy tổ Võ Tạ Đại Lang, một Tiến sĩ triều nhà Mạc, được sắc phong “Mạc Triều tiến sĩ Võ Tạ Đại Lang”.

Theo bút tích và gia phả ghi lại, ông Thủy tổ Võ Tạ Đại Lang là người gốc Bắc (quê tại Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An), thuộc con nhà hào phú nho phong, rất thông minh và hiếu học nên đỗ tiến sĩ thời triều đình nhà Mạc.

* Theo tư liệu có được vào khoảng thế kỷ XV – từ dòng họ Võ (Làng Cổ Ly) huyện Thăng Ba (nay là Quảng Xương). Cũng như phước đức tâm linh, dòng họ di huấn cho biết: – Nhất thế tổ tỷ quý nương (đệ nhất phu nhân của ngài thủy tổ Mạc Triều tiến sĩ Võ Tạ Đại Lang). bà Mạc Thị Kim Loan, tên sứ giả là: Mạc Thị Kim Sơn (bà đã hy sinh để bảo tồn khi tiết đại cuộc – Dân tộc Đại Việt (là sứ giả tại Phương Bắc).

Vào thế kỷ thứ XV (khoảng năm 1.457) theo quốc sách của vua Lê Thánh Tông trị vì niên hiệu Hồng Đức hướng vào phương Nam, ông Thủy tổ Võ Tạ Đại Lang vào vùng đất Đông Yên (Quảng Nam) dừng chân để khai cơ lập nghiệp, mở mang bờ cõi, khai thác mở làng “Đông An Toàn Châu”. Nơi đây có dòng Thu Bồn thơ mộng và rộng lớn chảy về cửa Đại Hội An, ngài đặt tên cho vùng đất này là Bãi Bắc Bạch Sa Xứ, quanh năm được phù sa bồi đắp rất màu mỡ, cây cối luôn tươi tốt, dân làng sung túc trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa, chiêu dân lập ấp, lập thành xã lấy tên là Đông Yên Châu Tây giáp.

Là người có công lao khai cơ lập nghiệp tại Đông Yên nên ông Thủy tổ Võ Tạ Đại Lang đã được triều đình nhà Nguyễn sắc phong là “Đông Châu tiền hiền khai cơ. Mạc trào tân sĩ Võ Tạ Đại Lang. Nẫm trứ linh ứng sắc phong vi dực bão trung hưng linh phò chi thần vị”.

Lúc vào Đông Yên, ông có đem theo một người con trai tên Võ Khắc Khoan và một người con gái tên Võ Thị Ngọc Thành. Bà Võ Thị Ngọc Thành sau này lấy chồng về phía tộc Đoàn và sanh hạ bà Đoàn Quý Phi làm “Hiếu chiêu Hoàng Hậu” vợ vua Hiếu Triết Vương, nay còn di tích Lăng mộ tại quê nhà Quảng Nam.

Đến đời ông Võ Khắc Khoan, được gọi là “Thụy đắt chúng thần vị” thì sinh hạ được hai người con trai, đó là ông Võ Quang Hiền và ông Võ Quang Sự. Ông Võ Quang Hiền sau này vô hậu “Đệ tam thế tổ Tộc Võ”.

* Công Nương đệ tam thế tổ cô Tộc Võ – phước đức tâm linh dòng họ di huấn (bà hy sinh giải nghiệp cho dòng họ) – “Đức thánh Hiền Bồ Tát” gia hộ độ trì: “Gia Tộc Võ Vạn Thọ Niên”.

Đến đời ông Võ Quang Sự “Đệ tam thế tổ Tộc Võ” thì sinh hạ được hai người con trai, đó là ông Võ Quới Công và ông Võ Văn Cao. Từ đây cội nguồn của Tộc Võ Đông Yên (Duy Xuyên, Quảng Nam) được hình thành chia làm 2 phái, gồm 6 chi.

+ Phái nhất là đầu ông Võ Quới Công sinh hạ được 4 chi (chi I, chi II, chi III, chi IV).

+ Phái nhì là đầu ông Võ Văn Cao sinh hạ được 2 chi (chi I, chi II).

Cho đến nay con cháu Võ tộc có mặt hầu như khắp nơi trên các địa phương trong và ngoài nước. Dù ở đâu, thì họ vẫn sum họp về tại tự đường chính ở Đông Yên (Quảng Nam), trước là để thắp nén nhang cho tổ tiên ông bà, sau là thể hiện tình ruột thịt huyết thống để giữ gìn truyền thống gia tộc. Ngoài ra, đây còn là dịp để con cháu tích cực đóng góp trùng tu và xây mới những công trình cho các bậc tiền nhân, như mộ Tổ và các mộ đầu ông. Điều này thể hiện sự đoàn kết tương thân tương ái và thống nhất cao độ của Hội đồng gia tộc tộc Võ.

Qua nhiều năm thăng trầm của thời cuộc và sự phát triển của đất nước, tộc Võ Đông Yên nói riêng cũng như các tộc họ khác trên đất nước Việt Nam nói chung ít nhiều cũng thay đổi và phân tán. Tuy nhiên, tộc Võ đã xây dựng một tự đường bề thế, có nguồn gốc phả hệ từ đời ông Thủy tổ Võ Tạ Đại Lang. Và đến nay, dù trải qua hơn 18 đời, nhưng tộc Võ luôn bền vững trường tồn từ 2 phái, 6 chi, tất cả đều trên thuận dưới hòa, thương yêu đoàn kết, hiếu thảo với cha mẹ, thành kính với tổ tiên ông bà. Đó thật là phúc đức cho gia tộc tộc Võ.

 Đất khách quê người:

Xã hội không ngừng phát triển, việc một số con cháu tộc Võ phải ly tán, rời nơi chôn nhau cắt rốn, tha phương cầu thực là điều không tránh khỏi. Tại vùng đất TP. Hồ Chí Minh, con cháu tộc Võ đã vào đây từ rất lâu, với cuộc mưu sinh đầy nhọc nhằn gian khổ, bằng mọi công việc – ngành nghề để kiếm sống, nhưng chủ yếu là nghề dệt vải tập trung ở khu vực Bảy Hiền (Tân Bình). Lâu lâu con cháu nào có điều kiện về quê nhà ở Đông Yên thì mới có dịp thắp được nén nhang cho tổ tiên ông bà ở nhà thờ tộc Võ.

Với đà tiến triển, con cháu nội ngoại tộc Võ vào làm ăn sinh sống tại TP. HCM và các vùng phụ cận ngày càng đông đảo. Nhu cầu đoàn kết gia Tộc và tình cảm hướng về cội nguồn ngày càng bức thiết. Thế nhưng, ngoài một số người có điều kiện về chiêm bái Tự đường gốc ở Đông Yên thì phần đông con cháu tộc Võ ở miền Nam vẫn mượn các nhà nội tôn để tiến hành đều đặn việc thờ cúng Tổ tiên. Do đó, từ lâu con cháu gia tộc đều ấp ủ nguyện vọng tha thiết là cùng nhau xây dựng một Chi nhánh Tự đường tại TP. HCM để việc thờ cúng ông bà, Tổ tiên được ổn định và trang nghiêm; đồng thời để con cháu trong tộc có chỗ sum họp, thuận tiện, thắt chặt tình ruột thịt.

Nguyện vọng chính đáng ấy đã được đông đảo con cháu tộc Võ làm ăn sinh sống ở TP. HCM tán thành và hưởng ứng ủng hộ. Thế là vào năm 1991, Chi nhánh Tự đường tộc Võ tại TP. HCM đã chính thức khởi công xây dựng tại khu vực Bàu Cát (Bảy Hiền, Tân Bình) và hoàn thành ngày 22/12/1991 trong niềm vui phấn khởi vô bờ bến của con cháu trong tộc. Việc con cháu hằng năm về cúng tế, hương khói tổ tiên ông bà tại Chi nhánh Tự đường ngày càng đông. Vì thế, Hội đồng gia tộc tại TP.HCM xét thấy cần mở rộng hơn nữa cơ ngơi nhà thờ để đáp ứng nhu cầu thờ phụng, tế lễ tổ tiên ông bà, cũng là để thuận tiện cho con cháu khắp nơi có chỗ họp mặt trong những ngày kỵ lạp. Lại một lần nữa, vào năm 2004 việc trùng tu nâng cấp Chi nhánh Tự đường tộc Võ tại TP. HCM được tiến hành. Sau hơn 1 năm vận động, xây dựng với nhiều nỗ lực của Hội đồng gia tộc và con cháu các thế hệ, vào ngày 19/03/2006 (nhằm 20/2 Âm lịch), Chi nhánh Tự đường được khánh thành với cơ ngơi 1 trệt 2 lầu rộng rãi, trang nghiêm. Việc xây dựng Chi nhánh Tự đường tộc Võ tại TP. HCM nói lên sự phát triển thịnh mậu của Võ Tộc. Đó là sự kết tinh tâm nguyện, công sức của bà con và là gia sản thiêng liêng của toàn Tộc.

                                          Chi nhánh Tự đường tộc Võ tại khu vực Bàu Cát (Bảy Hiền, Tân Bình), TP.HCM

Hiện nay, theo quy ước và thông lệ của tộc Võ, Tự đường chính ở Đông Yên (Duy xuyên, Quảng Nam) cứ 3 năm tổ chức 1 lần, tiến hành vào dịp Kỵ tổ tiên dòng họ (gọi là Tế Xuân) vào dịp Thanh minh. Còn ở Chi nhánh tự đường tại TP. HCM Hội đồng gia tộc cũng thống nhất làm lễ cúng tế Giỗ tổ đan xen với nhà Tự đường ở Đông Yên để con cháu trong TP. HCM và các vùng lân cận, kể cả nước ngoài có dịp về đây thắp nhang, cúng bái. Qua đó, mới thấy rõ được những nỗ lực trách nhiệm của Hội đồng gia tộc và sự đoàn kết của con cháu tộc Võ.

 Dược Thảo

1 BÌNH LUẬN

Comments are closed.