Gắn liền với buổi ban đầu của Quảng Nam, Bùi tộc cùng các tộc khác trên vùng đất này đã ra sức góp phần vào sự nghiệp chung của quê hương, đất nước qua các thời kỳ lịch sử. Trải các đời, dưới nhiều hình thức khác nhau, Bùi tộc đã giúp con cháu mình phát triển kinh tế, giúp đỡ khó khăn về vốn, kinh nghiệm làm ăn… đồng thời nêu cao tinh thần đoàn kết gia tộc và tình cảm hướng về cội nguồn mỗi khi nhớ về quê cha đất tổ.
Buổi đầu
Hòa mình trong cuộc Nam tiến vĩ đại của Dân tộc, vào cuối thế kỷ XV, dưới đời vua Lê Thánh Tôn, niên hiệu Hồng Đức (1470 – 1497), Tiền nhân của Bùi tộc cùng Tiền nhân của các tộc họ đã di cư từ Hoan Châu (Nghệ An) vào khai phá và sáng lập ra xã hiệu Bình Khương, tức làng Vĩnh Trinh, tỉnh Quảng Nam ngày nay.
Ngài Tiền Hiền, Đệ Nhất thế tổ, Bùi Đại lang húy Tấn Diên và Ngài Đệ Nhị thế tổ Cai phủ Khánh Sơn hầu Bùi Quý công húy Tấn Trường đã cùng Quý Ngài của các thôn tộc khác khai khẩn và phân ranh giới của vùng Lục Thôn tức là 6 thôn: Lệ Trạch, Vĩnh Trinh, Thanh Châu, Cổ Tháp, Cù Bàn và An Lâm sau này. Ngoài ra, Ngài Đệ Nhị thế tổ cũng đã tham gia đắc lực vào việc cấu tạo Đình Châu, đình công cộng của Lục Thôn.
Sau khi Ngài Đệ Tam thế tổ húy Bùi Tấn Miên tiếp tục sự nghiệp của hai Ngài trên thì kể từ đời Ngài Đệ Thập thế tổ húy Bùi Tấn Hiệu và 3 Ngài Đệ Thập nhất thế tổ húy: Bùi Tấn Trừng, Bùi Văn Toản, Bùi Tấn Cao, thì sự sinh hoạt đã điều hòa và bắt đầu phát triển. Đến đời các Ngài Đệ Thập nhị thế tổ húy Bùi Văn Bảng, Bùi Văn Cang, Bùi Văn Lộc, Bùi Tấn Quỳnh, Bùi Tấn Nga, thì cơ nghiệp thêm phần vững mạnh.
Sang Đệ Thập tam thế, với các Ngài Bùi Văn Kiết, Tú tài Bùi Văn Thỉ, Bùi Văn Viên, Bùi Văn Cháp, Bùi Văn Chua, Bùi Đạt, Bùi Văn Thông, Bùi Văn Doãn, thì sự phân định làm 5 Phái đã được hình thành.
Sau khi hình thành 5 phái, Ngài Bùi Thân (ông Quản Nghi) với sự phụ tá của hai vị con lớn của Ngài là ông Bùi Túc (ông Bá Huynh) và ông Bùi Duy (ông Nghè Trình) đã tự nguyện lạc cúng tư điền và phần lớn kinh phí, cùng bà con 5 phái cấu xây dựng Từ đường cho toàn tộc (gọi là Nhà thờ Tiền hiền tộc Bùi) tại xứ Đồng Ngạch, thôn Vĩnh Trinh vào năm Nhâm Tuất (1922) và tổ chức Lễ Lạc thành năm Quý Hợi (1923).
Nhằm mục đích phát huy tinh thần gia tộc, một hội tương tế lấy tên Bùi Gia Vĩnh thế đã được thành lập từ năm 1968. Đặc biệt, để bảo tồn di tích của tiền nhân, sau nhiều năm chinh chiến, vào những dịp Thanh Minh và Đông Chí các năm Đ.Mão (1987), M.Thìn (1988), bà con, con cháu đã lo trùng tu lại phần mộ tổ tiên, từ mộ Ngài Tiền Hiền đến mộ các Ngài Đệ Thập tứ thế thuộc đủ các chi, phái.
Do bị chiến tranh tàn phá nặng nề nên vào ngày 8/9/1989, Bà con toàn tộc quyết tâm tái thiết lại từ đường trên nền móng cũ với cách kiến trúc 3 gian, 2 chái phong quang như hiện nay tại Vĩnh Trinh.
Từ đường chính ở quê nhà Vĩnh Trinh đã, đang và sẽ mãi mãi là ngôi Tổ đình của toàn tộc, là trung tâm hội tụ tình cảm uống nước nhớ nguồn, là tự sở thiêng liêng mà toàn thể con cháu Bùi tộc dù ở phương trời nào cũng ngưỡng vọng và đều thấy có trách nhiệm giữ gìn mỗi khi nhớ về quê cha đất tổ.
Đối với quê hương
Như trên đã nói, ngay từ khi đến vùng đất mới còn hoang sơ, đến Đệ Thập tứ thế thì Ngài Bùi Thân được nhiều người biết đến không những vì sản nghiệp đồ sộ mà còn vì các công trình xã hội và từ thiện của Ngài. Từ Đệ Thập tứ thế, Bùi Gia đã nổi tiếng “của nhiều người đông”, các huyện trong tỉnh đều biết. Kể từ đời Đệ Thập ngũ thế, việc quy tụ ở Vĩnh Trinh không còn thích hợp với nhu cầu phát triển, nên nhiều vị đã rời nguyên quán sang lập nghiệp tại các phủ huyện khác như: Điện Bàn, Đại Lộc, Quế Sơn… để quản trị và khuếch trương các cơ sở mà Ngài Bùi Thân đã gầy dựng được.
Qua các thời kỳ, Bùi tộc có nhiều người đỗ đại cử nhân và tú tài dưới thời phong kiến. Đặc biệt trong Đệ Thập ngũ thế, có ông Bùi Túc (ông Bá Huynh) là vị tiêu biểu nhất cho nếp sống nho phong và 2 ông Bùi Hữu Chí (ông Huyện Chí) và Bùi Giác (ông Tú Ba) đã đổ cử nhân và tú tài Hán học. Đến Đệ Thập lục, Thập nhất, Thập bát, số anh chị em con cháu nội ngoại trong 5 phái phát triển lên đến mấy trăm người. Lúc này nền cựu học bắt đầu nhường chỗ cho tân học. Để theo kịp trào lưu học thuật mới du nhập từ Tây phương, nhiều anh em, con cháu trong các thế hệ này đã vượt qua các bậc tiểu học và trung học. Một số đã có những đóng góp đáng kể trong lãnh vực thi văn, báo chí, như ông Bùi Thế Mỹ, Bùi Giáng… Một số đã tiếp tục đại học hoặc xuất dương du học, như Bùi Kiến Tín (tốt nghiệp tại Pháp năm 1940). Từ khoảng vài ba mươi năm trở lại đây, một số khá đông thuộc các lớp trẻ ở trong cũng như ngoài nước đã đạt được các cấp bằng chuyên môn thuộc mọi lĩnh vực như: y học, khoa học, kỹ thuật, giáo dục, kinh tế, thương mại…
Song song với phương diện văn hóa, lãnh vực võ nghệ trước đây cũng được một số bà con hâm mộ. Và phần nhiều những người gia công luyện tập đều khá nổi tiếng, như ông Bùi Cẩn, Bùi Lãm thuộc thế thứ 15 và ông Bùi Hý thế thứ 16 vô địch tỉnh Quảng Nam nhiều năm liền.
Theo thời gian, cho đến nay con cháu Bùi tộc có mặt hầu như khắp nơi trên các địa phương trong và ngoài nước. Dù ở đâu, họ vẫn luôn nghĩ về quê hương, đất nước và ra sức phấn đấu học tập, công tác để góp phần ngày càng nhiều hơn vào sự nghiệp chung của dân tộc.
Hướng về nguồn cội
Với đà tiến triển, con cháu nội ngoại Bùi tộc vào làm ăn sinh sống tại TP. Hồ chí Minh và các vùng phụ cận ngày càng đông đảo. Nhu cầu đoàn kết gia tộc và tình cảm hướng về cội nguồn ngày càng bức thiết.
Thế nhưng, từ bao lâu nay, ngoài một số người có may mắn và điều kiện về chiêm bái từ đường gốc ở Vĩnh Trinh, phần đông bà con ở đây tuy vẫn tiến hành đều đặn việc thờ cúng tổ tiên nhưng chỉ có thể tổ chức đông đảo độ 4 năm một lần tại địa điểm không ổn định, còn thường niên thì tổ chức tại tư gia với số đại biểu rất ít ỏi. Do đó, từ lâu, bà con đều ấp ủ nguyện vọng tha thiết là cùng nhau xây dựng một chi nhánh từ đường tại TP. Hồ chí Minh để việc thờ cúng tổ tiên được trang nghiêm; đồng thời để con cháu trong tộc có chỗ sum họp đông đảo, thuận tiện, thắt chặt tình ruột thịt.
Nguyện vọng chính đáng ấy (đã có kế hoạch từ những năm 1960) đến năm 2003 mới cơ bản đạt được, chính là trên nhờ có hồng ân tiên tổ gia hộ, dưới nhờ có sự đoàn kết và quyết tâm cao của toàn thể Bà con xa gần. Thế là kể từ Lễ Giỗ tổ năm Canh Thìn, tháng 4 năm 2000 đến nay, trong 3 năm trời ròng rã, qua hai đợt vận động quyên góp, bà con ở TP. Hồ Chí Minh và phụ cận, bà con ở các địa phương khác và bà con ở nước ngoài đã hoan hỷ lạc cúng vào sổ vàng. Nhờ đó, việc xây dựng Chi nhánh Từ đường Bùi tộc Vĩnh Trinh (tại Ấp I, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP.HCM) được động thổ vào ngày 20/12/2000, khởi công vào ngày 26/04/2001 và đến ngày 06/04/2003 thì tiến hành Lễ An vị và khánh thành.
Việc xây dựng chi nhánh từ đường tại TP. Hồ Chí Minh nói lên sự phát triển thịnh mậu của Bùi tộc. Đó là sự kết tinh tâm nguyện, công sức của bà con và là gia sản thiêng liêng của toàn tộc.
Cây có cội, nước có nguồn. Để có nơi hương khói và cũng để có chỗ họp mặt trong những ngày kỵ lập, bà con đã cùng nhau tái thiết một cách mỹ quan, kiên cố từ đường của tộc trên nền tiền đường của nhà thờ Tiền hiền ngày trước và chi nhánh từ đường tại xã Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh, TP. HCM.
Nhờ phúc ấm của tiền nhân, con cháu 5 phái ngày càng đông đúc, chi, nhánh đã phát triển đến thế thứ XIX, XX. Hiện nay, một số khá đông đã đi học hành và lập nghiệp ở nước ngoài. Có thể nói là bất cứ ở đô thị lớn nào trong năm châu, hễ nơi đâu có in dấu chân người Việt Nam, thì dường như các nơi đó đều có bóng dáng con cháu nội ngoại của Bùi tộc. Và dù ở nguyên quán hay tha hương, tất cả đều được an khương, thịnh đạt.
Thật là:
“Còn nhiều hưởng thụ về lâu
Duyên xưa đầy đặn, phúc sau dồi dào”.
Minh Khôi