Lê Khương – Nguyên Chủ tịch HĐH Thăng Bình: Cánh chim không biết mỏi

0
1034

Ông Lê Khương – người sáng lập Hội đồng hương (HĐH) huyện Thăng Bình tại Hà Nội (1958) và TP.HCM (1980), đã bước sang tuổi 97, cái tuổi xưa nay rất hiếm người đạt đến. Gặp ông, tôi không khỏi bất ngờ bởi sức khỏe tốt, trí nhớ mẫn tiệp, đối thoại sôi nỗi, chân tình. Qua tìm hiểu, tôi được biết ông sống rất hòa đồng với mọi người và đặc biệt lúc nào cũng chăm lo cho con cháu chắt và dòng tộc, quê hương. Ông được gia đình, Đảng, chính quyền đoàn thể, bà con đồng hương và bà con ở quê nhà nễ trọng, yêu mến, xem là tấm gương sáng cho mọi người noi theo…

Vào một chiều đẹp trời, tôi đến thăm ông Lê Khương tại căn nhà ở phường 4, quận Gò Vấp và được ông tiếp chuyện niềm nở, ân cần. Trước khi gặp ông tôi đã tìm hiểu về ông qua bạn bè, bà con cũng như những người đồng hương, đồng nghiệp và địa phương. Tôi xin phép được kể một số nét về cuộc đời ông như một người ngưỡng mộ thường tình…

Ký ức tuổi thơ

Ông Lê Khương sinh vào ngày 15.10.1920 trong một gia đình tú tài nho học tại thôn Tiên Đỏa, xã Bình Sa, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Cha ông là ông Lê Tường làm quan ở tỉnh lỵ Quảng Nam. Ông nội là ông Lê Văn Tự sau khi đỗ tú tài không ra làm quan mà về quê khai khẩn đất hoang, qui tụ dân lập nên ấp Tân Hưng. Dân làng đã tôn vinh ông là người sáng lập (tiền hiền) nên đã xây đền tiền hiền khang trang bên cạnh ngôi mộ của ông để thường xuyên cúng bái. Do chiến tranh, ngôi đền đã xuống cấp dù được ông Lê Khương cùng con cháu đã nhiều lần tu bổ.

Ông Cố ngoại của ông là Hà Đình Nguyễn Thuật, quê ở Hà Lam, Thăng Bình. Ông đỗ Phó bảng (tương đương tiến sĩ ngày nay) nổi tiếng cả nước là văn hay, chữ tốt  với hơn 800 bài thơ phú. Ông sống thanh liêm và thương mến dân. Ông làm Thượng thư (trong tứ tước của triều đình – 4 quan lớn nhất dưới vua) cả 6 bộ từ đời vua Tự Đức cho tới vua Duy Tân và đã giữ nhiều chức quan trọng trong triều đình như Mật viên Đại thần, Tổng đốc Thanh Hóa, hai lần được vua tin dung cử đi Sứ Tàu. Ông còn làm chánh khảo nhiều cuộc thi Hương, thi Hội… Đặc biệt, vua đã giao ông duyệt phúc khảo cuộc thi nổi tiếng năm Mậu Tuất 1898 mà Quảng Nam có 5 người cùng đỗ tiến sĩ và cái tên mảnh đất “Ngũ Phụng Tề Phi” (năm con chim phượng hoàng cùng bay) được người đời lưu truyền xuất phát từ đó. Nguyễn Thuật còn giữ chức Tuyên Úy Xử Trí Đại Thần và ông đã tấu xin vua cho những người bị bắt trong Nghĩa hội Quảng Nam được nộp tiền chuộc tội nên đã cứu được hàng trăm người khỏi bị tù đày. Ông còn khởi xướng xây dựng đình làng Hà Lam, Văn thánh Hà Lam nay vẫn còn…

Ông Lê Khương là trưởng nam trong một gia đình khá giả. Năm 7 tuổi ông bắt đầu đi học ở tỉnh lỵ, sau đó học ở Hội An rồi ra Huế học trung học. Do phải về quê chịu tang cha và sống với mẹ già nên ông không được học lên tú tài. Cách mạng tháng 8/1945, ông được giới thiệu ra tranh cử Thủ lĩnh Thanh niên Phan Anh ở huyện và đắc cử. Là Bí thư Thanh niên, cơ quan đầu tiên của Thăng Bình, rồi Bí thư Thanh niên cơ quan tỉnh, từ 1952 – 1954, ông là Chánh văn phòng kiêm Huyện ủy viên (cùng thời với ông Hoàng Minh Thắng, nguyên ủy viên TW Đảng, Bộ trưởng Bộ Thương mại). Có thể nói 9 năm chống Pháp là thời kỳ gian khổ nhất khi ông được phân công đi khắp nơi trong tỉnh, nhiều lúc chui hầm nằm bờ ao tránh bom đạn, rồi tranh thủ về lo việc ăn ở cho vợ con.

Khi ra Bắc, ông công tác ở Cục Chuyên gia – Phủ Thủ tướng. Năm 1975, ông được điều về Sài Gòn phụ trách Công ty Chuyên gia phía Nam cho đến 1981 thì nghỉ hưu. Về hưu ông liên tục tham gia công tác ở địa phương như Bí thư Chi bộ khu phố, Bí thư Xí nghiệp Dệt. Ông vận động thành lập Hội người cao tuổi quận Gò Vấp và ông làm Phó Chủ tịch thường trực; Trưởng ban Liên lạc hưu trí, Phó Chủ tịch mặt trận Phường…  Ngoài ra, ông còn vận động bà con cùng chính quyền làm 2 con đường xi măng trong hẻm đầu tiên ở quận Gò Vấp. Chính vì vậy mà bà con và chính quyền rất quý mến và nể trọng.

Cuộc đời hoạt động của ông trải khắp ba miền. Giai đoạn đầu ở quê nhà, rồi ra miền Bắc và cuối đời ở miền Nam. Tuy đã nghỉ hưu nhưng ông vẫn tham gia các hoạt động ở địa phương vì ông muốn trọn nghĩa tình với mảnh đất đã cưu mang vợ con ông trong suốt thời gian ông tham gia kháng chiến. Ông vô cùng hãnh diện và tự hào vì điều đó.

Trong suốt thời gian hoạt động cách mạng và làm việc của mình, ông Lê Khương đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng: Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng Ba; Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất; Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng; Huy chương Vì sự nghiệp Văn phòng Chính phủ; Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Mặt trận Tổ quốc; Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp xây dựng Đoàn Thanh niên; Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Công tác Dân vận; Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Công tác Giáo dục…

Tổ ấm gia đình

Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, gia đình ông lúc đầu ở chung với mẹ ông. Sau đó mẹ ông cho tiền làm nhà ở riêng. Trong kháng chiến chống Pháp cán bộ không có lương nên ông phải xin mẹ chu cấp để trang trải cuộc sống cả gia đình mình.

Năm 1954, đất nước bị chia làm 2 miền theo Hiệp định Giơnevơ, con trai ông (Lê Duy Minh) được tổ chức đưa ra Bắc, ông ở lại thu sếp gia đình vì lúc này vợ ông đang mang thai cô gái út nên không đi tàu biển được. Nghĩ rằng sau 2 năm sẽ sung họp nên vợ ông khuyên chồng ra Bắc. Ông rất phân vân và đành gửi vợ con ở lại nhờ tổ chức giúp đỡ.

Con trai ông ra Bắc học nội trú, nên thỉnh thoảng mới về với ông. Đến khi Lê Duy Minh tốt nghiệp đại học thì cả nước Tổng động viên chuẩn bị chiến dịch Mậu Thân 1968. Vì vậy, quân đội gặp ông đề nghị cho anh Minh được nhập ngũ. Nhắc tới đây ông bồi hồi nhớ lại: “Tôi đã trăn trở vô cùng, vì theo qui định gia đình có một con trai có thể được miễn nghĩa vụ quân sự. Nhưng Tổ quốc đang cần mà tôi không trực tiếp tham gia được, vả lại con trai tôi muốn được đi chiến trường để có điều kiện gặp lại mẹ và các em nên cháu đã viết “Quyết tâm thư” bằng máu gửi cho Bộ Quốc phòng. Tôi đã nuốt nước mắt đồng ý cho con đi dẫu biết rằng chiến trường Quảng Trị bom đạn vô cùng ác liệt, nhiều rủi ro, một khi ra đi khó trở về…”.

Nhờ phúc đức ông bà phù hộ, gần 2 năm sau khi chiến dịch kết thúc, con trai ông trở lại miền Bắc. Gặp con khỏe mạnh, trưởng thành hơn hẵn lại được tặng bằng khen cùng danh hiệu “Dũng sỹ Quyết thắng” và được kết nạp Đảng tại chiến trường ông mừng vui khôn xiết. Sau đó, anh Minh được điều làm giảng viên trường trung cấp rồi Đại học Quân sự và đi tu nghiệp Kỹ sư trưởng tại Liên Xô.

Còn vợ ông, bà Hồ Thị Thuẫn (tự Huỳnh Thị Thanh) ở lại miền Nam, vì là Đảng viên nên bị địch truy lùng, nên bà đã phải đưa 2 con gái chạy vào Bình Định lẫn trốn và sinh con gái út tại đây. Nhờ bà con đùm bọc nên bốn mẹ con lại vào Sài Gòn vừa mưu sinh vừa hoạt động bí mật trong tổ chức an ninh cách mạng K41. Tại đây, bà phải bương chải để kiếm sống và lo cho các con. Trong thời gian này, ông cũng liên tục nhờ các anh em trong tổ chức như Hồ Nghinh (lúc đó là Thường vụ Liên khu 5), Hoàng Bích Sơn (lúc đó là Thủ trưởng Bộ Ngoại giao) giúp đỡ đưa 2 con nhỏ ra vùng tự do để đi miền Bắc học tập nhưng không thành nên con gái lớn phải ở lại phụ mẹ dệt vải, lo cho hai em.

Nói về người vợ, ông Lê Khương tâm sự: “Tôi vô cùng cảm phục và biết ơn vợ mình, vì bà đã chịu đựng bao khó khăn, tần tảo lo cho các con ăn học nên người. Bà đã hy sinh cả cuộc đời cho chồng, cho con. Bên cạnh đó, bà còn tham gia hoạt động bí mật nên được Đảng và nhà nước ghi nhận và trao tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì”.

Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông cùng cậu con trai Lê Duy Minh vào Sài Gòn đoàn tụ với gia đình sau 21 năm xa cách. Mọi người đều bình an, mừng vui không thể tả nổi. Tuy vậy, cuộc đời thanh liêm nên ông không có của gì mang về cho vợ con. Thật may mắn khi ông được mẹ ruột cho một phần của hồi môn để ông phụ vợ mua nhà và trang trải thêm cho cuộc sống. Khi 2 con lớn đã có nhà riêng, ông bàn với vợ để nhà cho 2 con gái đang ở chung để các con thêm trách nhiệm chăm sóc vợ chồng già. Tuy được các con, dâu, rễ tận tình chăm sóc, thuốc men lúc ốm đau, nhưng người vợ mà ông hết mức yêu thương và nể phục đã ra đi mãi mãi khiến ông cảm thấy trống vắng vô cùng… Với ông, những ngày được chăm sóc vợ là những ngày ông cảm thấy hạnh phúc nhất.

Quê hương, gia tộc và xã hội…

Là con trai trưởng của gia đình người Quảng Nam, nên ông Lê Khương luôn ý thức được trách nhiệm về tộc họ, ông bà, tổ tiên của mình. Nhiều lần ông về quê tìm hiểu về dòng tộc, vẽ sơ đồ mồ mã, viết lại gia phả, viết hồi ký… để truyền lại cho con cháu. Ông còn vận động con cháu đóng góp hàng trăm triệu đồng để tu sửa mồ mả ông bà, xây dựng nhà thờ tộc, nhà thờ chi, nhà thờ ông cố nội tiền hiền, ông cố ngoại Hà Đình Nguyễn Thuật khang trang. Có lẽ, nhờ đó mà ông bà, tổ tiên đã phù hộ gia đình, con cháu chắt của ông được an lành, hạnh phúc.

Khi về thắp nén nhang tưởng nhớ cụ cố ngoại, nhìn thấy ngôi mộ hoang tàng vì chiến tranh, một lần nữa tự thân ông đứng ra vận động con cháu cùng bà con góp tiền của xây dựng lại khang trang cho xứng với công đức của ngài. Ông đã viết thư gửi Chủ tịch tỉnh Quảng Nam lúc ấy là ông Nguyễn Xuân Phúc (nay là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ) rồi cùng anh Lê Duy Minh về gặp lãnh đạo tỉnh đề nghị tổ chức hội thảo đánh giá thân thế, sự nghiệp cụ Hà Đình Nguyễn Thuật. Và ước nguyện của ông đã thành hiện thực, vào ngày 21.01.2011, UBND tỉnh Quảng Nam đã ký quyết định số 292/QĐ-UBND xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh cho mộ cụ Hà Đình Nguyễn Thuật và vào ngày 15.09.2015, dưới sự chủ trì khoa học của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Viện Văn học, Viện Hán Nôm thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam phối hợp với huyện Thăng Bình tổ chức hội thảo khoa học, lịch sử với hơn 50 nhà khoa học, nhà nghiên cứu đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu trong cả nước tham gia hội thảo với 48 bài tham luận sâu sắc và thống nhất tôn vinh “Hà Đình Nguyễn Thuật – Danh nhân văn hóa Việt Nam”. Hiện nay, tại thành phố Đà Nẵng, Tam Kỳ và thị trấn Hà Lam đều có tên đường Nguyễn Thuật.

Có thể nói, trong hơn 70 năm hoạt động với 69 năm tuổi Đảng, ông Lê Khương luôn bằng lòng với những gì mình có. Hiện nay, gia đình của ông có 4 người con cùng dâu, rễ; 7 cháu nội ngoại cùng cháu dâu, cháu rễ đều có cuộc sống đầy đủ và an lành  và 5 chắt nội ngoại đều dễ thương. Con trai trưởng là Đại tá, hiện là Uỷ viên MTTQ TP.HCM, có nhiều thành tích như Huân chương bảo vệ Tổ quốc; Huân chương chiến công hạng Nhất và hiện là Chủ tịch một hiệp hội lớn của Việt Nam, đang có một gia đình hạnh phúc. Con gái lớn do trước kia phụ mẹ nuôi các em, nên sau này mới được nhà nước tạo điều kiện học tập, nay đã có 3 đứa con học hành thành tài. Con gái thứ 3 sau khi nghỉ hưu đã tích cực tham gia công tác tại địa phương. Cô gái út sau khi tốt nghiệp đại học đã hồ hởi đi dạy ở vùng kinh tế mới. Hiện nay, ông sống cùng con gái thứ 3 và con gái út, các con luôn chăm sóc ông chu đáo.

Do xuất gia từ năm 9 tuổi, nên ông thấm nhuần 14 điều Phật dạy, đặc biệt là điều 6: “Tội lỗi lớn nhất của đời người là bất hiếu”, nên ông luôn tự nhũ mình phải nhớ công ơn ông bà, cha mẹ. Có lẽ nhờ vậy mà con cháu của ông luôn hiếu thảo với cha mẹ, ông bà. Hơn nữa, các con cháu ông còn biết chia sẻ, giúp đỡ mọi người bằng những hành động cụ thể như trao tặng hàng trăm phần quà, hàng trăm xuất học bổng cho bà con, sinh viên nghèo; hiến hơn 1000m2 đất vườn + thổ cư làm đường ở Hóc Môn, Bình Phước; thậm chí, có cháu đã dành toàn bộ tiền đám cưới hơn 70 triệu đồng tặng quà cho bà con nghèo.

Bên cạnh  đó, con và các cháu của ông đã sáng lập và xây dựng đền thờ ở Củ Chi hàng tỷ đồng và còn dự định lập quỹ vượt khó… Đặc biệt, chắt lớn của ông năm 4 tuổi đã vẽ bức tranh bán đấu giá được 29 triệu đồng tặng cho các bạn cơ nhỡ ở Trung tâm nhân đạo do ông nội mình thành lập.

Giờ đây, khi ông đã bước vào tuổi xế chiều, chúng tôi luôn tin rằng, các con cháu của ông sẽ ngày càng phát huy hơn nữa truyền thống vốn có để làm rạng danh gia đình, dòng tộc. Chúng tôi cũng kính chúc ông luôn khỏe mạnh và trường thọ, làm tấm gương sáng soi đường cho con cháu noi theo…

Thiên Kim