Chiều muộn, thành phố Hồ Chí Minh bất chợt đổ mưa. Trong ngôi nhà ở Quận 10, TP.HCM, Thiếu tướng Mai Văn Phúc – người đã cống hiến tuổi thanh xuân cho cách mạng, cống hiến cả cuộc đời cho quân đội, được trao tặng Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng và bạn đời của ông cùng nhau đi qua những năm tháng xế chiều trong yên bình, ấm áp, trong niềm hạnh phúc hết sức bình dị.
Một cuyện tình cảm động
Sinh ra trong một gia đình nghèo thuộc làng Khuê Bắc, thôn Sơn Thủy, xã Hòa Hải, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam (nay là phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng), tuổi thơ của tướng Phúc gắn liền với những tháng này gian khổ, đau thương chất chồng khi quê hương vẫn đang chìm đắm trong ách thống trị của thực dân. Chính vì thế mà có biết bao nhiêu gia đình bị chia cách. Vợ chồng Thiếu tướng Mai Văn Phúc cũng vậy.
Gương mặt trầm tư, ông bồi hồi sống lại những ngày gặp gỡ đầu tiên ấy với cô thôn nữ Trần Kiều Sửu, Thiếu tướng Mai Văn Phúc kể: “Sau hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, đơn vị tôi được lệnh rút quân khỏi Tây Nguyên về đồng bằng, đóng quân ở xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi. Nhờ vậy mà người lính 30 tuổi, dày dạn trận mạc như tôi đã “phải lòng” nữ du kích xã Trần Kiều Sửu ấy khi đó mới có 18 tuổi. Đúng 2 tháng kể từ ngày “chạm” mặt đầu tiên, đám cưới của chúng tôi diễn ra thật ấm cúng tại sân kho của xã. Tiệc cưới chỉ có nước trà xanh và ít bánh kẹo mà không kém phần sôi nổi. Bà con biết tin, mang thịt lợn và các loại bánh đến tặng. Căn phòng hạnh phúc của đôi uyên ương được bố trí tại gian nhà kho của gia đình nhà vợ, chẳng có giường mà chỉ có mấy tấm ván mỏng xẻ từ thân cây xoài đặt giữa nhà làm chiếc gường tân hôn”.
Cưới được đúng 3 ngày thì vợ ông nhận lệnh ra Bắc tập kết, làm nhân viên thương nghiệp tại Thủ đô Hà Nội. Tiễn vợ ra Bắc, ông hứa hẹn sẽ gặp lại vợ vào ngày gần nhất, bởi ông cũng thuộc diện phải tập kết. Hơn 3 tháng sau, ông mới ra Bắc, nhưng đơn vị mãi tận Vĩnh Phúc.
Suốt 10 năm sống trên đất Bắc nhưng chưa lần nào ông được nghỉ phép ở cùng vợ con quá hai ngày đêm mà chỉ tranh thủ ghé về rồi “vụt cái” lại đi ngay. Thế mà 6 năm ông bà lần lượt có với nhau 4 người con.
Ông nhớ lại: “Trước ngày ông nhận nhiệm vụ trở lại chiến trường miền Nam (tháng 6-1964), thì vợ mới báo tin là đang mang thai đứa con thứ 4”.
Thương vợ quặn lòng, nhưng nợ nước chưa trả nên ông phải gấp rút trở lại chiến trường với lời dặn: “Lần này sinh trai hay gái, em cũng nhớ đặt tên con có hai chữ đầu là Mai Kiều để ghi lại kỷ niệm những ngày gian khổ, bảo đảm tình yêu và hạnh phúc của chúng mình khi xa cách”. Và đứa con trai thứ tư được đặt tên là Mai Kiều Hùng như ý nguyện của chồng.
Nỗi nhớ người chồng hiền hậu dài theo chiều dài đất nước, và nỗi lo cho người ra mặt trận nặng lòng gấp trăm vạn lần nỗi lo đời thường xuôi ngược trong những năm tháng khó khăn. Chồng đi biền biệt, vậy là một mình bà vừa công tác, vừa nuôi 4 đứa con thơ dại giữa Thủ đô không một người thân ruột thịt. Có những lúc ăn cơm một mình, bà càng thấy tủi hơn nhưng chỉ biết cố ghìm lòng mình lại để sống và nuôi con, chờ ngày đoàn tụ với chồng…
Thế rồi, cuộc hội ngộ với những người thân yêu trong gia đình tràn ngập nụ cười xen lẫn nước mắt sau hơn 20 năm xa cách cũng đến với vợ chồng Mai Văn Phúc.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tạm biệt chiến trường, tạm biệt cây súng, ông trở về cuộc sống bình dị trong căn hộ nhỏ của cư xá Lam Sơn, xum vầy cùng vợ con.
Trút bỏ tấm áo bào nhuốm gió bụi chiến trường, ông khoác lên mình tấm áo đời thường thanh bạch, giản đơn. Cho dù bản thân là một vị tướng, nhưng chưa bao giờ ông cảnh vẻ, phô trương, trái lại đức tính giản dị, chân chất đã trở thành một phần cốt cách.
Ông luôn quan niệm, thành công của ngày hôm nay, phía sau luôn có dấu ấn của vợ – người đã kề vai, sát cánh chia sẻ, an ủi, và luôn động viên, chia sẻ công việc gia đình, chăm lo cho con ăn học để ông yên tâm chiến đấu. Chính vì vậy mà trong nhiều năm liền, vợ ông đạt danh hiệu phụ nữ “ba đảm đang”, được Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tặng Huy chương “Vì sự nghiệp phụ nữ”, Bộ Quốc phòng tặng danh hiệu “Gia đình vẻ vang”, Chủ tịch nước tặng Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng nhất.
Bằng những chiến công oanh liệt trong kháng chiến và những việc làm tốt đẹp trong cuộc sống đời thường, Thiếu tướng Mai Văn Phúc đã được Đảng và Nhà nước phong tặng nhiều Huân chương danh hiệu cao qúy, như: Huân chương Độc Lập hạng Hai, Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huy chương Quân kỳ Quyết thắng, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba, 3 lần Dũng sĩ diệt Mỹ… Đặc biệt, vào ngày 2/9/2009, Thiếu tướng Mai Văn Phúc đã vinh dự được trao tặng huy hiệu 60 năm tuổi Đảng.
Nặng lòng quê hương
Xuân Nhâm Thìn 2012, Thiếu tướng Mai Văn Phúc đã bước sang tuổi 85. Hơn 5 thập kỷ cống hiến cho quân đội, ông về hưu với quân hàm thiếu tướng. Trở lại với đời thường, ông luôn tâm niệm: “Việc tri ân phải làm cả cuộc đời, từ thế hệ hôm nay đến thế hệ mai sau cũng chưa bù đắp hết sự hy sinh to lớn của cha ông”. Cũng bởi suy nghĩ như vậy, Thiếu tướng Mai Văn Phúc đã dành nhiều thời gian để tham gia các hoạt động từ thiện, ủng hộ nạn nhân chất độc da cam…
Gia đình Thiếu tướng Mai Văn Phúc
Trên cương vị là Phó Chủ tịch HĐH TP. Đà Nẵng tại TP.HCM, ông đã thăm hỏi những người đồng hương tại TP.HCM trong những lúc ốm đau, hoạn nạn… và vận động, quyên góp rất nhiều để giúp đỡ bà con ở quê nhà. Ông mong muốn được kết nối những người con xứ Quảng xa quê cũng như kêu gọi mọi người hãy hướng về quê hương để nâng đỡ những người nghèo và góp phần đưa quê hương vươn lên giàu mạnh…
Giờ đây, Thiếu tướng Mai Văn Phúc vẫn sống bình dị với nụ cười nhân hậu luôn thường trực trên môi và ông coi công việc hoạt động xã hội và từ thiện như một phần tất yếu của cuộc sống thường ngày, vì ông hiểu sự sẻ chia trong tâm thức mỗi con người đã bao hàm cả sự ấm áp.
Chính những hoạt động từ thiện rất đáng trân trọng đó mà ông được UBND TP.Đà Nẵng tặng thưởng 3 Bằng khen vì đã có công lao đóng góp trong hoạt động đồng hương và tham gia đóng góp vào các công trình của Đà Nẵng tại TP.HCM; Bằng khen của UBND TP.HCM vì đã góp phần xây dựng địa phương; đặc biệt, ông 2 lần vinh dự được Mặt trận Tổ quốc TP.HCM tuyên dương “Gương người tốt việc tốt” cấp Thành phố…
Cả đời trải qua suốt 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, ông chưa bao giờ nguôi những suy nghĩ, trăn trở về những ngày tháng cam go, khốc liệt nhưng cũng rất đỗi hào hùng này. Bởi trong ký ức của mình, ông vẫn luôn nhớ về những đồng đội, những người đã cùng ông vào sinh ra tử. Nơi đó, ông mang nặng lòng tri ân với sự vun đắp, hy sinh của đồng đội để ông vững bước trên con đường dài chinh chiến của mình.
——o0o——
Ngoài xã hội, Thiếu tướng Mai Văn Phúc đã và đang làm gương của một người cộng sản chân chính, một người cách mạng lão thành đầy nhiệt huyết, được mọi người tin yêu kính trọng. Trong gia đình ông còn là người ông, người chồng, người cha mẫu mực. Vợ chồng ông là tấm gương chung thủy hạnh phúc, sống hòa thuận tình làng nghĩa xóm, ai ai cũng mến phục. Năm người con của ông (3 trai 2 gái) đều có trình độ đại học, thành đạt trong cuộc sống. Mười cháu nội ngoại của ông là những người siêng năng, hiếu học, lễ phép với mọi người.
Và sau cuộc trò chuyện với ông, tôi tin rằng: Mọi cuộc chiến tranh rồi sẽ qua đi, bụi thời gian với sức tàn phá khủng khiếp của nó có thể làm băng hoại mọi thứ, song chân dung Thiếu tướng Mai Văn Phúc – người cả đời sống và cống hiến tuổi thanh xuân cho đất nước sẽ còn lại mãi với thời gian…
Thảo Vy