“Hà Nội – Nhân vật văn hóa”

0
252

Càng tiến tới dịp 1000 năm thành lập kinh thành (chữ dùng của Nguyễn Vinh Phúc), càng có thêm nhiều công trình ý nghĩa góp phần khắc sâu tình cảm, mối quan tâm của mỗi người dân với Hà Nội thân yêu. Bạn đọc dịp này cũng vừa được đón nhận thêm một ấn phẩm của một người tâm huyết với Hà Nội, một tác giả quen thuộc và bền bỉ với Hà Nội đáng kính phục. Đó là “Hà Nội – Nhân vật văn hóa” của Nguyễn Vinh Phúc.

“Hà Nội – Nhân vật văn hóa” là một trong 11 đầu sách do nhà nghiên cứu Nguyễn Vinh Phúc biên soạn, chủ biên trong hai năm 2009 và 2010. Nhìn riêng các công trình của ông và nhiều công trình nghiên cứu khác về Hà Nội gần đây thì đây là lần đầu tiên có một tập sách tập hợp bài viết của nhiều tác giả về 40 danh nhân cùng các học sĩ, kiến trúc sư, nhạc sĩ đương đại. Một cuộc trở về để tôn vinh Thủ đô nghìn năm văn hiến. Như tác giả nói “có người là võ tướng, là lương y, có người là tổ nghề, cô giáo, có người là bà hoàng hậu xấu số… là nhạc sĩ lừng danh bất tử. Có người đã qua đời cách đây hàng ngàn năm nhưng cũng có những người mới nhắm mắt xuôi tay chừng một hai thập kỷ. Dù sống rất xa nhau về thời gian nhưng họ đã góp phần làm nên văn hiến Thăng Long – Hà Nội”.

Nhân vật là vậy, còn tác giả, những người đưa nhân vật đến gần với bạn đọc cũng có thể coi là một cuộc hội ngộ của các nhà nghiên cứu, nhà văn… nhiều thế hệ như Giải nguyên Lê Thước, Trần Lê Văn, Triêu Dương, Nguyễn Vinh Phúc, Thái Bá Vân, Ngô Quân Miện, Trần Chiến, Đào Ngọc Nghiêm…

Có thể nói, trung tâm của di sản văn hiến Thăng Long – Hà Nội là con người – nhân vật văn hóa. Dẫu chưa thể đầy đủ, nhưng những nhân vật mà cuốn sách đề cập (bao gồm những tên tuổi như Lý Thường Kiệt, Trần Nhân Tông, Bà huyện Thanh Quan… cho đến những người lần đầu được giới thiệu như Nam Sơn, Mộng Sơn) đã khơi gợi cho những nhà nghiên cứu, bạn đọc tiếp tục làm đầy thêm niềm tự hào về con người – nhân vật văn hóa của Thủ đô Hà Nội. Cũng phải nói thêm rằng nhiều nhân vật ta đã gặp đâu đó trong những cuốn sách, bài viết nhưng khi đặt các nhân vật cạnh nhau trong cùng một cuốn sách, dưới những ngòi bút nghiên cứu, khám phá khác nhau, thì người đọc như có thêm những liên tưởng, cảm nhận sâu sắc hơn về một chiều dài văn hiến Thăng Long – Hà Nội.

Một điểm đáng chú ý là nói về con người, có rất nhiều góc độ tiếp cận. “Hà Nội – nhân vật văn hóa” đã có nhiều cách để tạo ấn tượng, cơ hội “tiếp xúc” của độc giả với nhân vật. Với các danh nhân lịch sử vốn nặng tư liệu nghiên cứu như Lý Thường Kiệt, tác giả Nguyễn Vinh Phúc để bạn đọc cùng ông đi qua từng dấu mốc thời gian tìm kiếm tiểu sử vị anh hùng mà nếu chỉ gói gọn trong 6 dòng thì thực khô khan. Hay như bài viết về họa sĩ Nam Sơn (Nguyễn Văn Thọ) có đăng nguyên văn Nghị định bổ nhiệm của Bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục cử Nam Sơn vào Hội đồng cố vấn của Học viện Đông Phương Bác Cổ, cùng những phân tích làm nổi bật vị trí của nhân vật. Nhiều bài viết khác của các tác giả khác cũng có những lối “mài sắc” góc tiếp cận của nhân vật với độc giả, tránh đi những phần trích dẫn khô khan. Thế nên, dưới nhiều bài viết mới có phần chú thích của biên tập để khi cần bạn đọc tham khảo thêm.

“Hà Nội – nhân vật văn hóa” còn chú trọng bình giảng thơ văn của các danh nhân như Trần Quang Khải, Hà Tông Quyền, Chu Mạnh Trinh…

Tác phẩm thực sự là công trình mang lại nhiều cảm hứng, suy nghĩ cho các nhà nghiên cứu, nhà văn hóa và bạn đọc nói chung về Thăng Long – Hà Nội.

Thi Thi-HNM