Xứ Quảng lừng danh núi Ngũ Hành

0
1555

Mang vẻ đẹp thiên nhiên kỳ bí, Ngũ Hành Sơn đã làm say lòng biết bao tao nhân mặc khách từ khắp năm châu khi đặt chân đến đây. Và dường như họ đều cảm thấy lúng túng và bất lực bởi vốn từ hiện có vẫn chưa đủ để mô tả vẻ đẹp mà nữ sĩ Bang Nhãn mệnh danh là “Bồng Lai tiên cảnh hẳn là đây”.

Nằm ngay bên bờ biển Đà Nẵng, Ngũ Hành Sơn còn có tên gọi rất dân dã là núi Non Nước. Non Nước mang đậm hình bóng một vùng sơn thủy hữu tình đã in sâu mấy trăm năm trong tâm tưởng người Quảng. Ca dao người Quảng có lời mời thấm đẫm nhân tình:

Ai về Non Nước thì về

Trước sông, sau biển, núi kề một bên

Ngũ Hành Sơn – một tuyệt tác về cảnh quan thiên nhiên “sơn kỳ thủy tú”, huyền ảo thơ mộng mà tạo hóa đã ban tặng nằm cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 8 km về hướng nam. Thiên nhiên đã tác tạo nơi đây 5 ngọn núi không quá lớn, như một bàn tay khổng lồ nâng đỡ vùng đất này. Trong tư duy triết học của Trung Hoa thì ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ là những yếu tố cấu thành vũ trụ. Con số 5 là con số cực kỳ quan trọng trong tư duy và trong đời sống phương Đông vì vậy 5 ngọn Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn, Hỏa Sơn, Thổ Sơn tự trong mình nó đã hàm chứa những vẻ kỳ bí dị thường.

Từ xưa, Ngũ Hành Sơn đã có sức hấp dẫn nhiều người, từ các bậc vương giả như Quốc chúa Nguyễn Phước Chu, vua Minh Mệnh đến các thi nhân, du khách trong và ngoài nước đều đã đến vãn cảnh và để lại những áng thơ văn bất hủ. Chính vì thế mà hơn nửa thế kỷ trước, nhà thơ Tường Linh đã có bài “Hai miền thương” da diết về hai miền Huế – Quảng, trong đó có đoạn nói về Đà Nẵng:

“Ngũ Hành Sơn năm cụm ngắm sông Hàn

Chùa Non Nước trầm tư hương khói quyện”

Cảm xúc trước vẻ đẹp huyền ảo, thơ mộng của thắng cảnh quê nhà, nữ sĩ Bang Nhãn cũng đã ghi lại những rung động chân thành của mình trong hai câu đầu của bài thơ “Vịnh Ngũ Hành Sơn”:

Cảnh trí nào hơn cảnh trí này,

Bồng Lai tiên cảnh hẳn là đây.

Quần thể Ngũ Hành Sơn không chỉ đẹp về cảnh trí thiên nhiên mà nơi đây là đất thiêng của xứ Quảng, với nhiều ngôi chùa cổ, những bia đá, tượng Phật được xây dựng từ đầu thế kỷ XVII. Một thế giới chùa chiền, hang động, khói hương nghi ngút tạo nên một khung cảnh thiêng liêng, thoát tục khiến du khách khi bước chân vào là có thể trút bỏ mọi ưu tư, phiền muộn của trần gian để đắm mình trong không khí tĩnh lặng, huyền ảo, lung linh, của bầu trời cảnh Phật.

Yếu tố tâm linh được xác lập vững chắc khiến Ngũ Hành Sơn không chỉ là một thắng cảnh dành cho khách thập phương đến thưởng ngoạn di tích lịch sử – văn hóa, vẻ đẹp thiên nhiên, hít thở không khí trong lành của khu sinh thái; mà còn là nơi linh địa, tôn thờ các vị tiên nhân, Phật thánh cứu nhân độ thế ngót cả ngàn năm; nơi dành cho các bậc chân tu tu tập, tham thiền nhập định để cầu phúc cho dân và bản thân được siêu thoát; nơi giúp người trần tục tạm quên những vướng bận đời thường, hướng đến sự tịnh tâm thanh thản trong thế giới tâm linh.

Nhìn toàn cảnh, Ngũ Hành Sơn như một vọng hải đài ở Đà Nẵng nhìn ra biển Đông đầy vẻ chiêm nghiệm, bởi ngọn núi Ngũ Hành vẫn luôn chứa đầy hơi thở của thế giới tâm linh với khí thiêng un đúc cả ngàn năm, từ Chăm đến Việt; với truyền thống Phật giáo và các tín ngưỡng địa phương được xác lập trong một không gian đặc thù qua hàng chục công trình chùa tháp, hang động; với Lễ hội Quán Thế Âm được duy trì vào 19-2 âm lịch hằng năm… đã biến Ngũ Hành Sơn thành một “Đại Phật Sơn” ở Việt Nam trong thực tế!

Có thể nói, Ngũ Hành Sơn vẫn là một vùng thắng cảnh sinh thái tự nhiên đan xen đời sống văn hóa tâm linh một cách hài hòa; tồn tại trong lòng đô thị hiện đại nhưng không bị lạc điệu và mất đi giá trị văn hóa tâm linh. Sự xác lập và gắn bó lâu đời, sâu sắc, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử của Phật giáo và các tín ngưỡng tâm linh truyền thống của cư dân bản địa, đã biến Ngũ Hành Sơn thành một mảnh đất thiêng, núi thiêng thấm đượm tinh thần giải thoát. Không gian thơ mộng, cảnh trí sắc màu cổ tích mang lại cho nơi đây một sắc thái thần tiên.

——o0o——

Bằng những giá trị đã được thừa nhận, Ngũ Hành Sơn không chỉ là chứng nhân khách quan chiều dài lịch sử của vùng đất, mà còn là sự công nhận những giá trị văn hóa tinh thần cao cả đã sản sinh trên vùng đất này.

Đến Ngũ Hành Sơn, du khách như rũ sạch bụi trần, thoát vòng tục lụy đi vào chốn bồng lai tiên cảnh. Không gian thơ mộng, cảnh trí sắc màu cổ tích mang lại cho nơi đây một sắc thái thần tiên.

Quần thể du lịch Ngũ Hành Sơn nổi tiếng với năm ngọn núi Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn, Hỏa Sơn và Thổ Sơn. Đây là một danh thắng nổi tiếng cả nước nằm trên địa bàn Phường Hòa Hải, Quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng đã được Bộ Văn Hóa xếp hạng di tích lịch sử quốc gia năm 1980. Đến Ngũ Hành Sơn, du khách thường đến ngọn núi lớn Thủy Sơn, rồi đến chùa Tam Thai hay chùa Linh Ứng, tiếp  tục lần lượt ghé vào các hang động Huyền Không, động Linh Nham, động Vân Thông, động Lăng Hư, động Vân Nguyệt… Cũng tại nơi đây, các hang động, cảnh quan tự nhiên và hệ thống chùa chiền vừa ngẫu nhiên, vừa có ý thức đã tạo ra một vẻ đẹp hài hòa, có cái quyến rũ, mời mọc nhưng cũng có những ý tứ, kín đáo, che giấu niềm cảm xúc bất ngờ trong suốt cuộc hành trình tham quan của du khách.

Phạm Gia