“Gốc có vững cây mới trổ cành xanh lá
Tâm có bền đạo mới xuất hiện chân như”
“Đem công vun xới đắp bồi
Trồng cây đức hạnh đạo đời lưu danh”.
Truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam là tài sản vô giá và cũng là nền tảng văn hóa tinh thần mà các thế hệ con cháu đời sau phải giữ gìn.
Trải qua hàng nghìn năm lịch sử của dân tộc, cũng như bao dòng tộc khác, dòng họ Lê Việt Nam trường tồn và phát triển, đóng góp vào sự nghiệp chung của đất nước với nhiều bậc đế vương, danh tướng, danh nhân xuất chúng, được xã hội ghi nhận và tôn kính như vua Lê Đại Hành (tức Lê Hoàn), Lê Thái Tổ (tức Lê Lợi), Lê Thánh Tông (tức Lê Hạo), Lê Lai (Tung Trúc vương), hậu duệ Lê Đình – tiến sĩ Lê Đình Đào,… hay các vị lãnh đạo nhà nước như Lê Đức Anh, Lê Khả Phiêu, Lê Hồng Anh…
Theo dòng họ truyền thừa, tự môn Lê Đình tộc tại Quế Phong, Quế Sơn, Quảng Nam có trên 300 năm, do các vị tiền hiền Lê Luyện, Lê Tấn Trung, Lê Tấn Triều – là những vị tướng thời Lê lập định tại đây. Với chí hướng và quyết tâm khuyết trương nghiệp lớn, làm rạng danh dòng họ Lê khai quốc lập triều, những danh tướng này đã không ngừng mở mang cương thổ, sinh hạ con cháu nối nghiệp để định cư lâu dài ở vùng đất này. Tại đây, tiếp nối truyền thống cha ông, con cháu dòng họ Lê lập tự môn Lê Đình tộc để làm nơi thờ cúng tổ tiên. Tuy nhiên, theo thời gian, do chiến tranh tàn phá, quê hương làng mạc tiêu điều, con cháu dòng họ Lê Đình tại Quế Phong phải li tán, rời nơi chôn nhau cắt rốn để tha phương cầu thực; trong đó có hậu duệ đời thứ XXII của đương tộc Lê Đình Việt Nam, học sĩ đại học đường Quốc học Huế: Lê Đình Đào – tức Hòa thượng Thích Hạnh Hải – Viện chủ Viên Thông tự (tọa lạc tại quận 11, TP. HCM).
Ý thức “con người có tổ, có tông” được bảo tồn trong cõi tâm linh và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, sau thời gian dài tịnh tâm, tu hành và lập tự tại TP. HCM, những năm cuối của thập niên 1990, Hòa thượng Thích Hạnh Hải đã quay về quê hương, tìm về cội nguồn của mình. Nhìn tự môn Lê Đình tộc đã băng hoại theo thời gian, với huyết thống, nguồn cội, nhận diện chốn quê cha đất tổ người rất đau lòng…
Vẫn một lòng son sắt với cửa Phật, với thiện tín quê nhà, nguyện làm sáng rỡ sự nghiệp của dòng họ Lê Đình, duy trì mạng mạch, giữ gìn nền nếp Thiền gia, Hòa thượng Thích Hạnh Hải đã quyết định tái lập tự môn tộc Lê Đình với diện tích hơn 2.000m2 trên nền tự môn cũ. Qua hơn 10 năm tái lập, tự môn Lê Đình tộc đã từng bước hoàn thành với qui mô bề thế, trang nghiêm. Khu nhà chính diện là nơi thờ Đức Phật; khu nhà bên trái thờ các vị vua và các danh thần họ Lê như Lê Lợi, Lê Lai…; trong khi đó, khu nhà bên phải là nơi nghỉ dưỡng của các tăng ni, Phật tử và khách thập phương. Đó cũng là dấu tích cưu mang tâm nguyện, hạnh nguyện của người con xứ Quảng: Hoà thượng Thích Hạnh Hải – Lê Đình Đào. Theo Thầy, Trở về với cội nguồn, xây dựng tự môn nhà thờ tộc không khó, chỉ e con cháu không đoàn kết thống nhất hiến tâm với quê cha đất tổ, nơi chôn nhau cắt rốn thì quê hương không còn là người của quê hương.
Hiện tự môn Lê Đình tộc đã, đang hoàn thành và đưa vào sử dụng trong vài năm tới. Đây là nơi vừa tạo dựng niềm tin đạo pháp, niềm tin dân tộc, cội nguồn gia tộc qui về một mối để lưu chứng tích dòng họ, huyết thống. Cùng với con cháu dòng họ Lê Đình đã định cư và lập tự tại các huyện Điện Bàn và Duy Xuyên, con cháu Lê Đình tại Quế Phong đã cùng nhau nối nghiệp xây dựng cơ đồ xứ nguyện Quảng Nam.
Có thể nói, sự đoàn kết của gia tộc là phúc duyên của con cháu. Việc tái lập tự môn Lê Đình tộc tại Quế Phong là niềm vinh hạnh, niềm tự hào và sự hoan hỉ của con cháu dòng tộc Lê cả nước nói chung và họ Lê Đình tại Quảng Nam nói riêng.
——o0o——
Có lẽ không bút mực nào có thể viết hết hành trang của Thầy trong suốt hơn nửa thế kỷ gửi thân cho Ðạo. Có lẽ không hình ảnh nào có thể ghi rõ nét bao dung của Thầy trong hiện thân đầu tròn áo vuông. Tất cả chỉ vì tấm lòng thành cẩn thiết tha với Ðạo, với đời, thực hiện hoài bảo của người phát túc siêu phương để thiệu long thánh chủng, tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức, đền đáp bổn ân.
Trải qua hàng trăm năm, đến nay con cháu tộc Lê Đình tại Quế Phong đã có trên 16 đời, con cháu các chi phái phát triển đông đúc và đoàn kết một lòng đã xây dựng tự môn Lê Đình tộc thêm uy nghi tráng lệ.
Dược Thảo