Hơn 400 năm đầy biến động, những dấu tích minh chứng cho một Dinh trấn uy nghi chỉ còn lại trong ký ức dân gian. Nhưng, dẫu chỉ tập hợp những ký ức còn “sót” lại và vài vết tích nằm rải rác cũng đủ để các học giả, các nhà sử học trong và ngoài nước làm rõ được vị trí chiến lược quan trọng của Dinh trấn Thanh Chiêm trong hành trình mở nước về phương Nam; vai trò đặc biệt của Dinh trấn đối với sự ra đời của Chữ Quốc Ngữ; và vai trò của Chữ Quốc Ngữ đối với nền văn hóa, văn minh của dân tộc Việt Nam.
Trên cơ sở tầm vóc, vai trò của Dinh trấn Thanh Chiêm, của chữ Quốc ngữ, chúng tôi phác thảo một số những nội dung tôn vinh, phát triển vùng văn hóa Thanh Chiêm gắn với phát triển văn hóa du lịch tỉnh Quảng Nam, khu vực miền Trung và cả nước.
Vai trò của Dinh trấn
Dinh trấn Thanh Chiêm (nay thuộc thôn Thanh Chiêm, xã Điện Phương, TX. Điện Bàn) được Chúa Nguyễn Hoàng chọn làm cơ sở hành chánh cho vùng đất mới Quảng Nam (năm 1602 chính thức thành lập Dinh Quảng Nam). Dinh trấn nằm bên bờ sông Sài Thị (sông chợ Củi, một nhánh lớn của Sông Thu Bồn), có bến đậu tàu và chợ buôn bán tấp nập, đông đúc. Nằm dọc đường thiên lý Bắc – Nam, Dinh trấn Thanh Chiêm nối liền miền núi với Biển Đông, rất thuận lợi về giao thông đến các vùng miền lân cận và cảng thị Hội An, đem lại sự thuận lợi lớn lao về quản lý hành chính, lãnh thổ, tạo điều kiện phát triển vượt bậc về kinh tế, văn hóa của Quảng Nam và mang tính quyết định toàn bộ quá trình mở mang lãnh thổ của xứ Đảng Trong sau này.
Được coi là thủ phủ thứ hai của Đàng Trong, Dinh trấn Thanh Chiêm là cơ quan đầu não, toàn quyền điều hành, giải quyết các vấn đề trong xứ Đàng Trong (từ Quảng Nam trở vào phía Nam), là cơ sở đào luyện các đời Chúa làm trấn thủ vương; điều hành giao thương với nước ngoài phát triển phồn thịnh; là căn cứ quân sự hùng mạnh; là nơi thực thi chính sách mở cửa với các điều kiện tối ưu nhằm xây dựng một hậu phương vẵng chắc làm bàn đạp mở rộng bờ cõi về phương Nam.
Dưới thời Chúa Nguyễn, Thanh Chiêm là căn cứ thủy quân mạnh bậc nhất của xứ Đàng Trong, năm 1644 đạo quân của Thế tử Lễ Thành Hầu Nguyễn Phúc Tần đã đánh tan hạm đội Hà Lan trên Biển Đông, ghi vào lịch sử dân tộc chiến công đầu tiên đánh thắng giặc Tây. Dinh trấn Thanh Chiêm cũng là nơi đặc cơ sở hậu cần vững chãi giúp đắc lực Chính Dinh (Thuận Hoá) đánh bại các cuộc tấn công quy mô của họ Trịnh, họ Mạc ở Đàng Ngoài.
Trong khoảng thời gian hơn 200 năm tồn tại, Dinh trấn luôn đóng vai trò chủ động lãnh đạo, cung cấp nhân lực, vật lực cho đoàn quân Nam tiến, mở rộng bờ cõi. Phải nói rằng không có Chúa Nguyễn, không có Dinh trấn Thanh Chiêm, không có dân Quảng Nam Dinh (từ đèo Hải Vân đến Bình Định) thì không thể có chiều dài đất nước và các đảo trên Biển Đông như ngày hôm nay. Chính vì những lẽ trên mà thương nhân nước ngoài và các nước lân cận coi đất Quảng Nam là một nước “Quảng Nam Quốc”, trong đó vai trò của Dinh trấn góp phần quan trọng quyết định công cuộc mở cõi phát triển đất nước của tiền nhân trong thế kỷ XVII-XVIII.
Nơi khai sinh chữ Quốc ngữ (1620 – 1659)
Một trong những thành tưu to lớn của quá trình giao lưu kinh tế, văn hóa với các nước trong khu vực và phương Tây là sự ra đời của chữ Quốc ngữ trên đất Quảng Nam trong những thập niên đầu thế kỷ XVII, đánh dấu một mốc son chói ngời trên tiến trình phát triển văn hóa, văn minh của dân tộc Việt Nam.
Theo nhiều sử sách, vùng đất Thanh Chiêm cũng là nơi các giáo sĩ phương Tây soạn chữ quốc ngữ mà ngày nay chúng ta đang sử dụng. Đó là vào những năm đầu thế kỷ XVII, một Giáo đoàn Ki-tô gồm hơn 20 giáo sĩ dòng Tên, đó là các linh mục và thầy giảng người Bồ Đào Nha, Ý, Pháp mà trong đó đa phần là người Bồ Đào Nha, được phái đến xứ Đàng Trong với mục đích truyền đạo Công giáo. Năm 1625, các giáo sĩ tiên phong trong Giáo đoàn đã lập trú sở truyền đạo thứ ba tại dinh trấn Thanh Chiêm sau Hội An và Nước Mặn (Quy Nhơn). Ban đầu, sứ mệnh gieo đức tin Thiên Chúa diễn ra một cách khó khăn do cách biệt ngôn ngữ, các giáo sĩ không thể hiểu dân địa phương nói gì. Vì thế họ đã sử dụng những mẫu tự Latinh để ký âm tiếng Việt nhằm phục vụ cho việc học tập ngôn ngữ bản địa và quan trọng hơn là có thể trực tiếp giảng đạo mà không cần phiên dịch. Theo Tiến sĩ Roland Jacques, giáo sĩ Francisco de Pina là người đầu tiên bắt tay vào thực hiện công trình Latinh hóa tiếng Việt đây khó khăn những cũng không kém phần vinh quang này.
Những năm sau đó, Dinh trấn Thanh Chiêm vinh dự trở thành vùng đất khai sinh chữ Quốc ngữ khi Giáo đoàn Francisco Bozomi đến Dinh trấn để truyền bá đạo Kito. Sự sáng tạo ra chữ Quốc ngữ là quá trình lâu dài, trong quá trình đó người Việt đóng góp một phần trí tuệ không nhỏ. Theo Tiến sĩ Rolland Jacques nhận định: “Sự sáng tạo ra chữ Quốc ngữ không phải là công trình của phòng thí nghiệm mà có rất nhiều người Việt Nam dấn thân với sự nhiệt tình nào đó trong hành động”.
Ngày nay, chẳng ai hoài nghi về sự tiện ích tuyệt đối của chữ Quốc ngữ đối với nền Quốc học và sự nghiệp phát triển văn hóa nước nhà, nhưng mấy ai biết chữ Quốc ngữ đã được khai sinh tại một làng quê dân dã ở tỉnh Quảng Nam, đó là làng Thanh Chiêm.
Các phác thảo tôn vinh và một số kiến nghị
Hơn 400 năm đầy biến động, những dấu tích thành quách, dinh thự, hầm hào minh chứng cho một dinh trấn uy nghi… nay chỉ còn lại trong tên gọi, ăn sâu vào ký ức dân gian. Trên cơ sở tầm vóc, vai trò của Dinh trấn Thanh Chiêm, của chữ Quốc ngữ; qua nghiên cứu của các học giả, các nhà sử học ở trong và ngoài nước, chúng tôi phác thảo một số những nội dung tôn vinh, phát triển vùng văn hóa Thanh Chiêm gắn với phát triển văn hóa du lịch tỉnh Quảng Nam, khu vực miền Trung và cả nước, đó là:
- Đề nghị Nhà nước công nhận Dinh trấn Thanh Chiêm là di tích Quốc gia (hoặc di tích đặc biệt Quốc gia), nhằm tôn tạo, gìn giữ một di tích hào hùng, sáng ngời trong lịch sử dân tộc mà chính sử đã ghi rất rõ. Tuy nhiên hiện nay, về mặt văn hóa vật thể còn lại của Dinh trấn không nhiều, đòi hỏi nhiều công phu trong việc khảo sát, khảo cổ để xây dựng hồ sơ thủ tục công nhận di tích. Trước mắt có mấy đề nghị:
– Thông báo đầy đủ thông tin cho nhân dân vùng đất Thanh Chiêm xưa gắn liền với sông Chợ Củi (nay có thể bao gồm phần đất các thôn Thanh Chiêm, Đông Khương, Triêm Trung) và nhất là khu vực đặt Dinh trấn nhận thức được tầm quan trọng của di tích để có ý thức bảo vệ, gìn giữ, cẩn trọng trong việc xây dựng, sử dụng đất làm nhà ở, công trình, không xâm chiếm đất mặt nước, đất gò hoang,…
– Phát động các chức sắc tôn giáo, tộc họ… gìn giữ các di tích thờ tự, sắc phong, văn bia, thần phả, gia phả tại các chùa, nhà thờ,…
– Trên cơ sở chỉ dẫn của các bậc bô lão, và tài liệu hiện có, ngành văn hóa địa phương khảo sát lập sơ đồ vị trí các di tích; thống nhất với nhân dân địa phương đóng mốc tạm thời các vị trí được cho là quan trọng giúp việc khảo sát, khảo cổ nhanh chóng sau này là: các cửa dinh, khu vực khu hành cung, kho muối, tàu tượng,… các đoạn sông Chợ Củi đã bị bồi lắp, đoạn sông Điện Bình thông ra Bầu Ấu bọc quanh phía Tây – Bắc của Dinh trấn.
- Đề xuất xây dựng Bảo tàng Chữ Quốc ngữ tại đây (về ý tưởng kiến trúc, quy mô xây dựng, đề xuất kinh phí thực hiện, nội dung trưng bày,… sẽ được tiếp tục bàn luận). Trước mắt, Điện Bàn nên xúc tiến dàn xếp một phòng truyền thống trưng bày các ấn phẩm điển hình đánh dấu các mốc lịch sử hình thành, phát triển và hoàn thiện Chữ Quốc ngữ, hệ thống bản đồ Dinh trấn qua các giai đoạn lịch sử tại Bảo tàng Điện Bàn; và dành một không gian tương xứng đặt tượng các nhân vật tiêu biểu đã khai sinh, hoàn thiện và làm giàu Chữ Quốc Ngữ như: Francisco de Pina, Cristoforo Borri, Alexandre de Rhodes,… Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Khôi,… Tiến đến từng bước “số hóa” những tác phẩm nổi tiếng của các học giả và có thể xây dựng một “Bảo tàng ảo” trong thời gian vận động xây dựng Bảo tàng chữ Quốc ngữ.
Hiện nay, chúng tôi được biết có rất nhiều người, nhiều học giả ở nhiều quốc gia quan tâm nghiên cứu Chữ Quốc ngữ, họ xem đây là thành tựu vĩ đại trong quá trình La tinh hóa ngôn ngữ của một dân tộc, vì vậy đề nghị tỉnh Quảng Nam sớm có dự án trình Chính phủ cho phép thành lập Bảo tàng chữ Quốc ngữ và tranh thủ sự ủng hộ, đóng góp của Tổ chức Văn hóa, giáo dục liên hợp quốc (UNESCO) cùng các nước Nhật, Pháp, Italy, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha… (là những nước được ghi nhận có những học giả góp công lớn trong việc hình thành, phát triển chữ Quốc ngữ). Thông qua Giáo phận Công giáo Đà Nẵng, Giáo hội Công giáo Việt Nam tranh thủ sự đóng góp của Tòa thánh Vatican và cộng đồng công giáo thế giới vào sự tôn vinh chữ Quốc ngữ.
- Để có một diễn đàn cho những người yêu Dinh trấn và nguồn cội chữ Quốc ngữ, địa phương nên sớm xây dựng trang Website về Dinh trấn Thanh Chiêm và Chữ Quốc ngữ, qua đó tập hợp những tài liệu nghiên cứu, đóng góp, ý tưởng đầu tư bảo tồn, tôn vinh… gắn với phát triển du lịch, thương mại và dịch vụ của địa phương.
- Tại cuộc hội thảo Nguyễn Văn Vĩnh (1882 – 1936) và hành trình Chữ Quốc ngữ do Quỹ Văn hóa Phan Chu Trinh tổ chức tại Hà Nội đã nêu ý tưởng chọn Ngày kỷ niệm Chữ Quốc ngữ, chúng ta đã chọn được nhiều ngày kỷ niệm, tại sao không chọn được một ngày tôn vinh sự học, tôn vinh chữ viết, hay nói rộng hơn là tôn vinh văn hóa nước nhà. Chúng ta nhớ lại Phong trào Bình dân học vụ, diệt giặc dốt do Cụ Hồ phát động, nhờ Chữ Quốc ngữ mà trong vòng 3 tháng đã xóa được nạn mù chữ cho hàng triệu người; chữ Quốc ngữ còn là nguyên nhân sâu xa góp phần quan trọng vào thành công của các cuộc cách mạng của dân tộc, ngày nay là công cụ tuyệt vời để Quốc gia dân tộc hội nhập với thế giới về mọi mặt.
Nhiều tỉnh, thành đã thể hiện sự tôn vinh đối với những người khai sinh chữ Quốc ngữ thông qua đặt tên đường Giáo sĩ A.De Rhodes, nay lịch sử đã làm sáng tỏ, để tỏ rõ khách quan và công bằng với lịch sử phải có những con đường mang tên F. De Pina,… Trước hết trên đất Điện Bàn, tuyến đường Cầu Mống – Cống Đá (DH12) phù hợp với việc đặt tên đường Francisco De Pina.
- Những năm qua, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức khá thành công “Quảng Nam – Hành trình di sản”, nhằm tiếp tục giới thiệu, tôn vinh và khai thác sự khác biệt, đa dạng, phong phú về chiều sâu văn hóa của vùng đất “địa linh nhân kiệt”, “đất học” nổi tiếng cả nước này để chúng ta có thể nghĩ đến lễ hội” Quảng Nam – hành trình Chữ Quốc ngữ” gắn liền với những điểm đến hấp dẫn, những lễ hội văn hóa nghệ thuật đậm đà bản sắc của “vùng đất mở” trên hành trình theo đường bộ và đường thủy gắn liền giữa Đà Nẵng – Hội An – Thanh Chiêm. Tin rằng, không chỉ người Việt mới tìm về cội nguồn Chữ Quốc ngữ mà khách du lịch nhiều nước trên thế giới, nhất là khách Châu Âu, Nhật Bản cũng sẽ hết sức thích thú khi tham gia hành trình này, vì ở đó có bóng dáng tổ tiên họ một thời dày công vun đắp cho giá trị văn hóa Việt như ngày hôm nay.
“Hành trình di sản” cùng với “hành trình Chữ Quốc ngữ” với những loại hình, sản phẩm du lịch khác chắc chắn sẽ có sự tương tác, hòa quyện và cộng hưởng sẽ làm nổi bật chiều sâu của vùng văn hóa Thanh Chiêm – Quảng Nam, văn hóa dân tộc thông qua các dịch vụ, sản phẩm du lịch văn hóa lịch sử, làng quê thuần Việt, làng nghề truyền thống,… Với vị trí địa lý là tâm điểm của tam giác phát triển du lịch Đà Nẵng – Hội An – Mỹ Sơn, vùng du lịch Thanh Chiêm – Điện Bàn chủ động đón nhận những tiếp biến, động lực lan tỏa của các trung tâm du lịch lớn nhưng vẫn luôn giữ được bản sắc riêng có, sự khác biệt đặc trưng sẽ tạo ra sức sống và sự phát triển bền vững của vùng đất giàu truyền thống văn hóa lịch sử này.
Được biết, gần đây Công ty Tuần Châu – Hạ Long đã xúc tiến đầu tư dự án du lịch “Thiên Đường Cổ Cò”, đây có thể là một hiện thực hóa của một tầm nhìn chiến lược của doanh nghiệp trong khai phá, phát huy tiềm năng du lịch Xứ Quảng. Ý tưởng kết nối Sông Cổ Cò với Lộ Cảnh Giang – Cửa Hàn (Đà Nẵng, về phía Bắc), với Sông Đế Võng – Cửa Đại – Sông Thu Bồn gắn với Dinh trấn Thanh Chiêm xưa (về phía Nam) cũng trùng hợp với một phần ý tưởng “hành trình Chữ Quốc ngữ” của người viết, trong đó việc khơi thông dòng Sông Cổ Cò lịch sử là đột phá tạo mạch sống, phát triển thịnh vượng lâu dài của dự án.
Thảo Vy