Thánh địa Mỹ Sơn – Bí ẩn ngàn năm

0
1106

Được coi là một trong những trung tâm đền đài chính của Ấn Độ giáo ở khu vực Đông Nam Á và là di sản duy nhất của thể loại này tại Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới tháng 12 năm 1999, Thánh địa Mỹ Sơn là nơi có không gian lý tưởng cho một trung tâm đậm đà bản sắc tôn giáo Chăm Pa mang trong mình vẻ đẹp của một nền văn minh đã mất.

Nằm gọn trong thung lũng rộng 2km, tổ hợp đền đài ở Thánh địa Mỹ Sơn (Duy Xuyên, Quảng Nam) từng là nơi tổ chức cúng tế của các vương triều Chăm Pa. Bằng vật liệu gạch nung và đá sa thạch, trong nhiều thế kỷ người Chăm đã dựng lên một quần thể kiến trúc đền tháp độc đáo, liên hoàn: Ðền chính thờ Linga-Yoni biểu tượng của năng lực sáng tạo. Bên cạnh tháp chính (Kalan) là những tháp phụ nhỏ bao bọc xung quanh thờ nhiều vị thần khác hoặc thờ những vị vua đã mất.

Hàng ngàn năm trôi qua mà vẫn không làm phai được sắc đỏ thắm của viên gạch nơi tháp cổ. Ẩn đằng sau những ngôi tháp trầm mặc trong ánh chiều tà kia là một kỹ thuật xây dựng bí ẩn, nhuốm màu huyễn hoặc. Có nhiều giả thiết về chất kết dính giữa các viên gạch trên tháp Chăm nhưng cho đến bây giờ vẫn chưa có lời giải đáp đầy đủ, dù biết bao phương tiện khoa học đã vào cuộc và những nhà khảo cổ của thế giới đã lưu tâm nghiên cứu. Những giả thuyết cứ mãi nêu lên và đều thấy hợp lý, đến khi thực hành thì lộ ra nhiều khiếm khuyết, khiến cho những bí mật xây dựng tài hoa của người Chăm mãi nằm trong vòng bí ẩn, mãi là đề tài lý thú cho tương lai.

Có phải vì những màu sắc huyễn hoặc này mà những ngôi tháp Chăm kia mãi mãi có một sức hút thật khó cưỡng lại với những ai đã từng một lần đến Mỹ Sơn. Thật và ảo, vàng son và đổ nát…, tất cả đã làm nên một tình yêu đắm say với Mỹ Sơn trong lòng du khách khi lạc bước vào thung lũng này.

Có đến thung lũng này vào buổi hoàng hôn mới thấy được hết vẻ đẹp của phế tích Mỹ Sơn. Những ngôi tháp cổ bỗng chốc trở nên lung linh, huyền ảo trong nắng chiều và dường như các nàng vũ nữ Apsara lại tiếp tục vũ điệu ngàn năm của mình. Tiếng gió rì rào qua núi như bỗng trở thành nhịp trống baranưng bập bùng càng làm vũ điệu Chămpa thêm say lòng người!

Những di tích ở Mỹ Sơn, đã chứng tỏ có nền văn minh rực rỡ của dân tộc Chăm cách đây hơn ngàn năm. Cho đến bây giờ, cách thức xây dựng những tháp Chăm xưa không phải đã có lời giải đáp đầy đủ, dù biết bao phương tiện khoa học đã vào cuộc và những nhà khảo cổ của thế giới này đã lưu tâm nghiên cứu. Những giả thuyết cứ mãi nêu lên và đều thấy hợp lý, đến khi thực hành thì lộ ra nhiều khiếm khuyết, khiến cho những bí mật xây dựng tài hoa của người Chăm mãi nằm trong vòng bí ẩn, mãi là đề tài lý thú cho tương lai.

 

Minh Khôi