Sùng đất – “thần dược phòng the” ở miền Tây đất Quảng

0
748

Ngoài ba kích, người Cơ Tu xem sùng đất là loại “xuân dược” nghìn năm tráng kiện, là vị thuốc mà đàn ông Cơ Tu tin dùng để duy trì khả năng phòng the của mình.

Khác với vẻ ngoài xấu xí, sùng đất lại là món ăn rất ngon và bổ dưỡng

Nếu đã đặt chân đến các huyện vùng núi phía Tây của tỉnh Quảng Nam, chắc hẳn du khách từng được nghe giới thiệu về sùng đất – món đặc sản có công dụng thần kỳ giúp làm tăng khả năng phòng the của phái mạnh. Các tộc người Xê Đăng, Cơ Tu sinh sống tại đây gọi sùng đất bằng cái tên cơ đang.

Thông thường, sùng đất trưởng thành vào mùa mưa, độ giữa tháng 8 cho đến hết tháng 12 (âm lịch). Cứ mỗi độ đến mùa sùng đất, người dân Quảng Nam lại tranh thủ “hái lộc” từ con vật trời cho này. Chúng thường sống ở các bãi bồi ven sông hoặc tại các vùng đất pha cát và nhiều lá mục, nơi có đất ẩm thấp ở trung du, miền núi…

Theo nhiều già làng Cơ Tu, sùng đất có thể là ấu trùng của bọ hung. Một con sùng đất trưởng thành to bằng ngón tay út người lớn, có màu trắng ngà, trắng xanh hoặc vàng. Phần đầu, chân và càng của chúng có màu nâu đậm hơn, giống như cánh gián. Các đốt trên cơ thể sùng đất đều có lông tơ dạng móc câu.

Lúc trước, sùng đất nhiều vô kể nhưng người dân chỉ đào về cho gà ăn. Nhưng từ khi thông tin về công dụng trong chốn phòng the của sùng đất được lan truyền rộng rãi, nhiều nhà hàng, quán ăn, hoặc các tay sành nhậu… lại xuống tận nơi để thu mua với giá cao.

Chúng thường cắn phá rễ cây nên săn sùng đất cũng chính là cách bảo vệ mùa màng

Sùng đất tuy không hiếm, nhưng để săn được những con tươi ngon, đặc quánh sữa, to gần bằng ngón chân cái là điều rất khó. Người dân địa phương tiết lộ, chỉ cần nhìn thấy những cây lạc, cây ngô hay lau lách dọc bờ sông bị héo lá thì có khả năng rất cao sùng đất đang quanh quẩn dưới gốc.

Chúng có chân nhưng yếu nên chỉ có thể di chuyển hay xê dịch ngay bên dưới gốc cây. Hơn nữa, vì thân mềm nên chúng chỉ có thể đào được hang sâu khoảng một gang tay. Cứ vài nhát cuốc là thế nào cũng tìm được một con sùng mình mẩy trắng phau. Khi nghe tiếng động, sùng cuộn thân mình lại thành cục tròn. Nếu chẳng may bị lưỡi cuốc chém trúng thân, mỡ từ sùng đất sẽ chảy ra, thân mình nó ngay lập tức trở nên tím ngắt.

Nhìn bề ngoài, sùng đất dễ khiến ta có cảm giác rùng mình. Nhưng khi thưởng thức hương vị của nó, nhiều người mới gật gù mà tấm tắc khen ngon. Có vô vàn món ngon được chế biến từ sùng đất như luộc, rang hay băm nhỏ đúc bánh xèo,… Nhưng dậy mùi và giữ được hương vị vốn có của sùng nhất vẫn phải kể đến món sùng nướng muối ớt.

Khi sùng chuyển qua màu vàng và có mùi thơm ngon là dùng được.

Cách chế biến sùng đất cũng khá đơn giản, chỉ cần ngắt đuôi rồi ngâm trong nước, sùng sẽ trở nên sạch trắng hơn. Sau đó, chúng được nhúng nước sôi để cục mỡ xoăn lại. Bước sơ chế này sẽ khiến mỡ trong cơ thể chúng không bị văng ra, đảm bảo món ăn có hương vị ngon nhất.

Sùng sau khi được làm sạch thì cho muối ớt xanh vào xóc đều. Sau chừng năm phút, người chế biến sẽ cho sùng vào vỉ hoặc xâu thành từng xâu, đem nướng trên bếp than hồng. Sùng nướng vừa chín tới sẽ giữ được vị dai, thơm, ngọt và béo. Món ăn chỉ đơn giản là vậy, nhưng khi ăn bạn mới cảm nhận hết hương vị thơm ngon.

Cắn nhẹ một con sùng, ta nghe dậy mùi thơm, vị dai giòn bên ngoài hòa lẫn với phần sữa béo ngậy bên trong tứa ra, làm mê mẩn cả vị giác. Người Cơ Tu cũng truyền tai nhau bí quyết trước khi nướng, mổ bụng sùng đất rồi nhét nghệ tươi vào, như vậy món ăn sẽ có hương vị đặc biệt hơn.

Ngoài ra, bạn có thể xắt nhỏ sùng đất để nấu cháo đậu xanh, nấu canh với đu đủ và lá lốt hoặc rang. Theo những người sành ăn, để giữ nguyên được hương vị đặc trưng của sùng đất thì chỉ cần bắc chảo lên bếp cho nóng rồi cho sùng đã được rửa sạch vào khuấy đều. Không cần đến dầu, mỡ từ thân sùng chảy ra cũng đủ làm chín món ăn.

Món ăn “thần dược” của đàn ông Cơ Tu

Theo phong tục của người Cơ Tu, ngoài thóc gạo, ché ở trong nhà, trâu buộc ở ngoài cột,…thì lấy nhiều vợ dù tuổi đã cao cũng là một trong những điều thể hiện sự giàu sang phú quý. Từ xa xưa, các thầy thuốc đã biết đến công dụng của sùng đất và liệt chúng vào danh sách dược liệu quý hiếm trong Đông y. Ngoài ba kích, người Cơ Tu xem sùng đất là loại “xuân dược” nghìn năm tráng kiện, là vị thuốc mà đàn ông Cơ Tu tin dùng để duy trì khả năng phòng the của mình.

Sùng đất không chỉ là đặc sản mà còn là món ăn đặc biệt chỉ dành riêng cho khách quý. Nếu được chủ nhà thực lòng quý mến, bạn sẽ có may mắn được thưởng thức các món ăn chế biến từ con sùng đất thơm ngon, béo ngậy.

PV (tổng hợp)

SaveSave