Nữ doanh nhân Lê Thị Ánh Nguyệt: Sáng chữ Tâm, vẹn chữ Tài

0
1220

Giản dị, gần gũi, mềm mỏng nhưng có khả năng nhận định, quyết đoán, tâm niệm chữ “tâm” và “tín” trong mọi lĩnh vực kinh doanh, đó là phong cách làm việc của nữ doanh nhân Lê Thị Ánh Nguyệt – Giám đốc Công ty TNHH MTV SX – KD – DV Trâm Anh.

Với đơi mắt rạng ngời, nụ cười đằm thắm, vị thuyền trưởng Công ty TNHH MTV SX – KD – DV Trâm Anh (gọi tắt: Công ty Trâm Anh) đã có những chia sẻ thú vị với chúng tôi về con đường khởi nghiệp của mình…

Khó khăn làm nên nghị lực

Sinh ra và lớn lên tại quê hương “Ngũ Phụng Tề Phi” – một miền quê quanh năm phải chịu những trận mưa bão; thấm thía được những nỗi khó khăn, vất vả của quê hương, sau khi tốt nghiệp đại học, cô kỹ sư công nghệ thực phẩm Lê Thị Ánh Nguyệt quyết định thực hiện những mơ ước, hoài bão của mình tại vùng đất Sài thành. Có lẽ những tháng ngày vất vả nơi xa quê giúp chị có những suy nghĩ “già” hơn so với lứa tuổi của mình.

Từ những kinh nghiệm đã có, đặc biệt với ý chí cầu tiến và ham học hỏi, chị quyết định thành lập Công ty Trâm Anh vào năm 2007, và Chi nhánh tại TP. Đà Nẵng năm 2009. Ban đầu, công ty chuyên kinh doanh các sản phẩm từ nấm và hải sản. Thời điểm lúc bấy giờ, các sản phẩm từ nấm và hải sản ở Việt Nam còn khá mới mẻ, vì vậy, những cơ hội, khó khăn và thách thức đối với một đơn vị còn non trẻ trong một môi trường kinh doanh còn sơ khai là rất lớn. Tuy nhiên, với bản chất chịu thương chịu khó, lại khôn khéo của người con vùng đất học Quảng Nam nên công việc kinh doanh bắt đầu có dấu hiệu thuận lợi.

Bước đột phá mới

Để mở rộng sản xuất kinh doanh và khai thác thế mạnh, tiềm năng vốn có, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, nhất là sau khi nghiên cứu sâu sắc về thương hiệu nước mắm Nam Ô, Ánh Nguyệt đã lên kế hoạch làm việc với UBND quận Liên Chiểu (TP. Đà Nẵng), và chị đã thành công trong việc đầu tư vào HTX nước mắm Nam Ô.

Chia sẻ về những kỷ niệm đáng nhớ của mình, Lê Thị Ánh Nguyệt nhớ lại: “Trong những lần về quê tìm hiểu phương pháp trồng nấm của người dân Nam Ô, tôi đã gặp và trao đổi với chú Vinh – Chủ nhiệm HTX Nước mắm Đông Hải Nam Ô. Qua câu chuyện, được biết chính quyến quận Liên Chiểu đang hỗ trợ tài chính cho người dân trong việc sắm ghe thuyền đánh bắt cá, đồng thời tập trung người dân trong HTX làm mắm. Thế nhưng, do mỗi người làm một ý, không theo quy trình kỹ thuật chung nên hiệu quả không cao. Trong khi đó, sản phẩm làm ra chủ yếu bán tại địa phương, chưa phát triển được thương hiệu ra bên ngoài. Nhận thấy cơ hội đã đến và cũng vì muốn tự thể hiện những kinh nghiệm đã tích lũy, thế là tôi chủ động liên hệ với UBND Quận Liên Chiểu, và sau một thời gian đàm phán, Quận đã đồng ý để Công ty Trâm Anh đầu tư vào HTX nước mắm Nam Ô”.

Người làm nên giá trị thương hiệu

Với niềm tin, khát khao thử sức trong môi trường mới, cuối cùng Lê Thị Ánh Nguyệt cũng đã kịp thời đưa ra những giải pháp tốt nhất để đi đến thành công. Đó là kết quả của việc xây dựng một liên doanh hết sức thành công trong việc đầu tư vào HTX nước mắm Nam Ô; là kết qủa của quá trình đầu tư nghiên cứu nhu cầu và thị hiếu người tiêu dùng về thương hiệu nước mắm Nam Ô, từ đó tung ra hàng loạt các sản phẩm mang tính đột phá về kiểu dáng và chất lượng sản phẩm.

Nói về phương hướng, nhiệm vụ của Công ty Trâm Anh trong thời gian tới, Lê Thị Ánh Nguyệt cho biết: “Kế hoạch của chúng tôi là quy hoạch lại khu sản xuất theo phương pháp làm mắm truyền thống, kết hợp áp dụng các công nghệ hiện đại. Bên cạnh đó, quy trình sản xuất phải được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm. Song song đó là chú trọng việc quảng bá về thương hiệu, làng nghề qua các kênh du lịch, từ đó giữ được lòng tin yêu của người tiêu dùng, khách du lịch mỗi khi mua sản phẩm nước mắm Nam Ô. Ngoài ra, cần phải tham gia nhiều chương trình hội chợ ở các tỉnh bạn để giới thiểu về thương hiệu nước mắm Nam Ô như là một đặc sản vùng miền”.

——o0o—–

Từ những nhận định trên, cùng với sự định hướng đi sâu vào sản xuất nước mắm Nam Ô, khai phá một thị trường đầy tiềm năng, vị thuyền trưởng Công ty Trâm Anh đã vượt qua những thử thách để đi đến thành công. Đối với chị, việc tạo dựng nên thương hiệu ấy là một cuộc vật lộn gian truân cộng với khát vọng cháy bỏng để phát triển về một thương hiệu nước mắm quê hương, để nước mắm Nam Ô có sức sống vĩnh cửu như giá trị văn hóa mà ngôi làng này được lịch sử ưu ái ban tặng…

Và, có ai đó đã nói “Cuộc đời là những chuyến hành trình” thì Lê Thị Ánh Nguyệt đã quyết định rời xa quê hương để phiêu lưu với những hoài bão, để biến ước mơ thành sự thật ngay trên quê hương mình, với một chút kiêu hãnh của người con xứ Quảng…

Mỗi người đều có một con đường để đi đến thành công. Con đường của doanh nhân Lê Thị Ánh Nguyệt là nghị lực, là ý chí vượt khó để đạt được thành công như ngày hôm nay.

Thảo Vy