Nhà thờ Tiền Hiền chư phái tộc làng Phong Lệ

0
1137

NHÀ THỜ TIỀN HIỀN CHƯ PHÁI TỘC LÀNG PHONG LỆ: NƠI GÌN GIỮ BẢN SẮC CÁC DÒNG HỌ XỨ ĐÀ LY

Được xem là một trong những công trình văn hóa tín ngưỡng lâu đời của xứ Đàng Trong, Nhà thờ Tiền hiền chư phái tộc làng Phong Lệ chính là biểu trưng cho cội nguồn, là ý chí trường tồn không thể đổi dời của các chư phái tộc xứ Đà Ly.

Nhà thờ Tiền hiền chư phái tộc làng Phong Lệ (nay thuộc xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) tọa lạc trên một vùng đất có tên là Đà Ly xã. Công trình này được xây dựng từ giữa thế kỷ XVI, gắn liền với sự nghiệp mở nước của vương triều Lê trong lịch sử. Dựa trên cơ sở các bài vị hậu hiền của các tộc, được khắc vào tháng 6 năm Nhâm Ngọ (1582) thì Nhà thờ Tiền hiền làng Phong Lệ có thể được xây dựng trước thời gian đó tại một địa điểm đầu làng Phong Nam về phía Tây (làng Phong Nam trước kia chỉ là một phần phía Nam của làng Phong Lệ rộng lớn và nổi tiếng với một bề dày lịch sử lâu đời). Tuy nhiên, đến những năm đầu của thập kỷ 1930, vì cấn đường xe lửa xuyên Việt nên Nhà thờ Tiền hiền chư phái tộc làng Phong Lệ di dời về địa điểm hiện nay.

Trải qua bao thăng trầm cũng như mưa nắng xói mòn của thời gian, chịu chung của luật vô thường biến hoại, Nhà thờ Tiền hiền chư phái tộc làng Phong Lệ xuống cấp nên đã được trùng tu, tái thiết nhiều lần; trong đó, lần cuối cùng di dời và xây dựng vào năm 1897, theo câu chữ Hán khắc trên sườn gỗ: “Thành Thái cửu niên, tuế thứ Đinh Dậu quý xuân nhị thập tứ nhật Dần thời thượng lương, Thập tam phái tộc đồng kiến tạo”. Ngoài ra, trong nhà thờ còn có một câu liễn chữ Hán lập vào mùa thu năm 1934: “Bảo Đại cửu niên cúc nguyệt”, tạm dịch: “Vài trăm năm ơn lớn chở che, cây củ hoa nay bốn phương nhìn ra quang cảnh mới, mười ba tộc quây quần êm ấm, nông trang sĩ khí, nghìn thu ngẫm lại nghĩa tình xưa”.

Nằm im lìm giữa không gian khá khoáng đạt, Nhà thờ Tiền hiền chư phái tộc làng Phong Lệ còn lưu dấu biết bao truyền thống văn hóa của một vùng đất. Đặc biệt, kết cấu kiến trúc bên trong nhà thờ có quy mô đẹp, với cấu trúc gồm 30 cây cột xếp thành 6 hàng, chia ra 5 gian, với những hoa văn, họa tiết rực rỡ sắc màu; trong khi ngoại thất có: Long, Lân, Quy, Phụng, Mặt Nguyệt, Trúc, Liễu, Tùng, Mai, mái ngói âm dương… Bên cạnh đó, khu nhà Hội nằm sát bên trái nhà thờ chư phái tộc là nơi hội họp làng, và cũng là nơi đã từng mở lớp Bình dân Học vụ đầu tiên vào tháng 6 năm 1946 ở tổng Thanh An ngày đó; về sau, năm 1997 nhà Hội bị xuống cấp trầm trọng, mái ngói âm dương bị hư hỏng, dân làng phải sửa chữa thay mái ngói, nhưng về mặt cấu trúc bên trong vẫn còn nguyên trạng. Đến nay, được sự quan tâm của đa phái tộc, những hạng mục công trình nhà thờ tuy không còn nguyên vẹn như thuở ban đầu nhưng vẫn luôn giữ gìn những nét xưa đầy bản sắc văn hóa của dân tộc, các đường nét kiến trúc cổ tuy đã ngã màu thời gian nhưng vẫn còn ánh lên đường nét tài hoa của những người thợ ngày nào.

Đặc biệt, Nhà thờ Tiền hiền chư phái tộc làng Phong Lệ còn lưu giữ được khá nhiều tài liệu, hiện vật quý giá về lịch sử, như các bài vị, câu liễn đối, các câu khẩu hiệu khuyến học… giúp ta dễ dàng hơn trong việc nghiên cứu thân thế và sự nghiệp của những người trong chư phái tộc đã có công với đất nước ở xã hội bấy giờ. Tiêu biểu nhất là các câu khẩu hiệu khuyến học còn lưu dấu vết trên các cây đòn tay của khu nhà hội như: “Học là bửu vật của quốc gia”, “Viên đá móng của nước nhà là học”, “Có công mài sắt có ngày nên kim”; hay các câu liễn đối “Sơn son thiếp vàng” được các cụ Cao Bá Quát, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Bội Châu đến thăm và tặng cho nhà thờ vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày nay;… điều đó đã thể hiện tâm huyết, tinh thần trọng nhân cách, đạo lý, răn dạy con cháu ở đời phải biết lẽ phải, điều hay.

Không chỉ đơn thuần là trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa, là nơi tưởng niệm sâu sắc về các bậc tổ tiên, hiền tài của các gia tộc, Nhà thờ Tiền hiền chư phái tộc làng Phong Lệ còn góp sức tích cực trong công cuộc đấu tranh thống nhất đất nước. Cụ thể, để hưởng ứng phong trào cách mạng nổ ra vào tháng 8/1945, nhà thờ làng Phong Lệ là nơi tổ chức mít tinh xuống đường tham gia cướp chính quyền tổng Thanh An, nơi diễn ra sự kiện Lý Hào địa phương trao ấn triệu cho chính quyền Việt Minh đặt dấu chấm hết của chế độ phong kiến ở Phong Lệ; hay vào năm 1946, Chi bộ Đảng đầu tiên của địa phương tổ chức lễ kết nạp Đảng viên và ra mắt chi bộ Đảng tại đây; và khi Cách mạng tháng Tám thành công, nhà Hội tiếp tục là nơi dạy học cho con em trong làng.

Hiện, Nhà thờ Tiền hiền chư phái tộc không còn là của riêng các chư phái tộc làng Phong Lệ mà đã trở thành tài sản quý giá của TP. Đà Nẵng; là nơi lưu giữ những di vật của tổ tiên, với các vǎn tự cổ cùng câu liễn, bài vị và điển tích về các dòng họ. Đây có thể được coi như một bảo tàng thu nhỏ của các dòng họ, bởi nó chứa đựng rất nhiều thông tin về gần 30 tộc họ. Đặc biệt, nội thất bên trong nhà thờ được sắp đặt trang nghiêm, có thứ tự rõ ràng và sự sắp sếp có chủ ý thể hiện những thông tin về các dòng họ được kết cấu một cách chu đáo, đầy đủ để con cháu trong các chư phái tộc cũng như người ngoại tộc có thể hiểu khá tường tận về lịch sử, nguồn gốc của các dòng họ.

Được xem như là điểm tựa tinh thần của hiện tại từ quá khứ, Nhà thờ Tiền hiền chư phái tộc làng Phong Lệ luôn có một vị trí đặc biệt trong thế giới tâm linh của những người con trong các chư phái tộc, bởi đó là nơi giúp họ nhớ lại những đỉnh cao vinh quang của dòng họ, những tấm gương sáng của tổ tiên và đồng thời những ước vọng của mỗi còn người trong dòng họ được nguyện cầu tại đây.

Ngày nay, khi nền văn hóa truyền thống dân tộc giao thoa với nền văn hóa hiện đại, những hình ảnh xưa cũ tưởng đã lùi về quá khứ xa xôi bỗng chợt hiện về, đánh thức tâm hồn dân tộc giữa sôi động nhịp sống thị thành. Và, đến nay, ít ai biết rằng Nhà thờ Tiền hiền chư phái tộc làng Phong Lệ không những chỉ có 17 chi phái tộc mà còn là nơi thờ tự tổ tiên của gần 30 tộc họ – nơi ghi dấu mối quan hệ tình cảm mật thiết của các tộc họ qua nhiều đời cùng chung đúc trong cộng đồng, gia đình và xã hội. Tất cả đều gắn bó với nhau như một đại gia đình xứ Lệ.

Được xem như là điểm hội tụ, thờ cúng tổ tiên, ông bà của gần 30 tộc họ, Nhà thờ Tiền Hiền chư phái tộc làng Phong Lệ còn lưu dấu biết bao truyền thống văn hóa của một vùng đất qua những đường nét kiến trúc cổ tại đây. Với những giá trị văn hoá vật thể và tinh thần đáng trân trọng đó, nhà thờ chính là biểu trưng cho cội nguồn, là ý chí trường tồn của những chư phái tộc không thể đổi dời.

Thảo Vy