Nhà thơ Nguyễn Thanh Nhã: Thơ như mạch nước ngầm chảy mãi

0
1217

Gặp nhà thơ, nhà văn, nhà biên khảo Nguyễn Thanh Nhã, tôi mới hình dung hết được một con người mà giới văn nhân, thi sĩ cả nước nhắc đến như một “hiện tượng” trong làng văn, thơ Việt Nam. Qua cuộc trao đổi ngắn, tôi cảm nhận được ở ông rất nhiều về niềm đam mê viết lách và sưu tầm, đặc biệt là sáng tác thơ, tất cả như đã thẩm thấu vào máu thịt ông tự bao giờ...

Sinh ra và lớn lên trên quê hương Trường Thạnh, Châu Thành (Cần Thơ), như bao cậu bé thời ấy, tuổi thơ của Nguyễn Thanh Nhã đầy ắp với những ký ức vui, buồn… Ngày ấy, ông thường hay nghe những bài hát viết về dòng Cửu Long Giang, về một vùng đất đai trù phú với những khung cảnh thơ mộng mà thiên nhiên đã ban tặng, về thủ phủ miền Tây Nam bộ, mảnh đất từng được xưng tụng bằng mỹ danh Tây Đô với cái “thần” của câu ca:

Cần Thơ gạo trắng nước trong
Ai đi đến đó, lòng không muốn về
… Nước phù sa là nước dòng sông Hậu,
Đất lành chim đậu là đất Cần Thơ…

Chính vì thế, khi đọc và đi sâu vào những tác phẩm của Nguyễn Thanh Nhã, ta càng bắt gặp trong sâu thẳm tâm hồn ông luôn có sự nhớ nhung lắng đọng tràn ngập, nỗi nhớ quê hương da diết của những người con xa xứ, sự pha trộn những hư ảo trong từng từ ngữ cũng đủ khiến cho ta nhớ lại một thời…

… Tiếng hát thanh tao, nghe mà mượt

Hòa tiếng đàn réo rắt du dương

Như gợi lên hình ảnh quê hương

Nhớ tiền nhân trăm năm mở cỏi…

                            (Sông nước hữu tình)

Hình ảnh làng quê luôn hiện hữu trong ông. Chính nơi đây đã để lại cho nhà thơ nhiều kỷ niệm sâu đậm. Vì thế, quê hương – hai tiếng thân yêu ấy đến với Nguyễn Thanh Nhã bằng những câu thơ tha thiết:

… Hoa tím, bóng cò, bến nước trôi

Bức tranh giàu đẹp, đậm tình người

Xa quê mấy thuở nào quên được

Dạ cổ, vườn trăng, nhịp võng rơi…

… Người xe hối hả vui đường phố

Thôn nữ cười duyên… xỏa tóc thề…

                                                                                                  (Đất nước tình quê)

Và thế, ông đã mang trong tâm hồn một tấm lòng tha thiết với quê hương, đất nước. Ông luôn ghi lại cảm xúc đó và dành tặng cho những bằng hữu mà ông đã gặp, hoặc có khi ca tụng vẻ đẹp của cảnh vật thiên nhiên ở những nơi ông đặt chân đến bằng những câu thơ thật mượt mà:

Nước non một dãy Việt Nam

Hình cong chữ S xuyên ngang ba miền

Nam – Trung– Bắc giống rồng tiên

Trăng loang mặt biển, núi viền xanh lơ…

                                                                                                   (Dáng dứng Việt Nam)

Tình yêu quê hương, đất nước luôn gắn liền với tình yêu văn học nghệ thuật. Với bút lực dồi dào và phong phú nên Nguyễn Thanh Nhã đã liên tục ra mắt chuỗi những tập thơ tình mượt mà, lãng mạn và sâu lắng, làm rung động lòng người, như: “Bến sông chờ” (NXB Trẻ năm 2005); “Chiều trên quê hương” (NXB Văn Nghệ năm 2005); “Quê hương và nổi nhớ” (NXB Văn Nghệ TPHCM năm 2008). Niềm đam mê ấy còn là kết quả ra đời của hơn 15 tập thơ tuyển; trên 100 tập thơ được in chung với các tác giả khác; hơn 100 bài thơ phổ nhạc, có băng đĩa ngoài thị trường và được phát trên các đài truyền hình TP. HCM, Bình Dương, Bình Phước, Cần Thơ.

Làm thơ, yêu nhạc, nhưng Nguyễn Thanh Nhã còn có sở trường là viết văn. Cho đến nay, ông đã xuất bản được nhiều tác phẩm rất có giá trị lưu giữ trong nền văn sử học của nước nhà. Có thể kể đến một số tác phẩm tiêu biểu như: “Cánh đồng ký ức”, “Dòng sông kỷ niệm” (2006-2007) và “Hương thời gian” (NXB Hội Nhà Văn TP.HCM năm 2008). Trong đó, “Hương thời gian” đúng là một kho tài liệu quý để cho những ai có nhã ý muốn sưu tầm khi được Nguyễn Thanh Nhã nêu bật về tiểu sử của 70 nhà thơ, nhà văn và nhà báo trong cả nước. Đặt biệt, vào đầu quý III/2011, nhà biên khảo Nguyễn Thanh Nhã đã trình làng tác phẩm thứ 8 với tựa đề: “Cuộc đời và sự nghiệp Nghệ sĩ Nhân dân Phùng Há và Nhà Nam bộ học Sơn Nam”. Đây là hai ngôi sao sáng trên bầu trời Văn học nghệ thuật Việt Nam mà ông mến mộ nhất. Để thực hiện được những “công trình” này, ông đã dành biết bao thời gian, công sức, và đã vượt qua bao khó khăn để tìm tòi, tra cứu, tiếp cận trực tiếp với từng tác giả để hiểu hơn về họ; rồi phải lao tâm cho những tác phẩm ấy một cách tỉ mỉ…

Táo bạo trong sáng tác, nhưng tỉ mỉ trong từng câu chữ, nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo Nguyễn Thanh Nhã đã rất công phu trong từng tác phẩm của mình. Có thể nói, ông là một kho tư liệu sống những thông tin về cuộc đời của các văn nghệ sĩ của Việt Nam. Xin cầu chúc cho ông thật nhiều sức khỏe để mãi là người phát huy những giá trị văn hóa nghệ thuật của nền văn sử học nước nhà cho thế hệ trẻ hôm nay chiêm nghiệm, học hỏi và noi theo…

Trong giới văn nhân, thi sĩ cả nước, khi nhắc tới nhà thơ, nhà văn, nhà biên khảo Nguyễn Thanh Nhã chắc không ai còn xa lạ gì, bởi sự cởi mở, giao lưu rộng rãi và lòng nhiệt huyết của ông đối với nền văn sử học nước nhà. Ông như một cuốn phim tư liệu sống về cuộc đời của những con người đã và đang cống hiến hết mình cho nền văn hóa Việt.

Dược Thảo