Giáo sư Hoàng Tụy: Đức độ và tài năng

1
1607

 

Đã có rất nhiều lời nhận xét về ông, rất nhiều bài báo trong và ngoài nước đã ca ngợi về một con người trải qua không biết bao nhiêu thăng trầm của cuộc sống, bằng sự cảm phục nhất về ý chí tự cường trong học tập và nghiên cứu khoa học, luôn khám phá, sáng tạo cái mới cho nhân loại với niềm say mê vô bờ. Ông chính là “cha đẻ của tối ưu toàn cục” – GS. Hoàng Tụy. Hãy cho chúng tôi được cảm nhận về GS. Hoàng Tụy như một con người bình dị nhất trong quá khứ và cuộc sống đời thường hiện tại của ông, vị cha già của các thế hệ học trò.

Mang trong mình tư chất thông minh xuất chúng và ý chí bất khuất kiên cường của một dòng họ đại danh nho yêu nước, vượt qua vô vàn khó khăn trong những năm chống Pháp, chống Mỹ, đất nước bị bao vây, cấm vận, GS. Hoàng Tụy đã vượt khó vươn lên, hoàn thành hàng loạt công trình nghiên cứu toán học trình độ cao tại Hà Nội, ngay trên đất nước mình, trở thành một nhà toán học lớn trên thế giới, mở ra một chuyên ngành mới trong toán học hiện đại.

GS Hoàng Tụy – cha đẻ của chuyên ngành toán học hiện đại “tối ưu toàn cục”.

Hoàng Tụy sinh ngày 17/12/1927, tại Ðiện Bàn, Quảng Nam, là cháu nội của người em ruột cụ Hoàng Diệu – Nhà yêu nước chống thực dân xâm lược Pháp nửa cuối thế kỷ XIX. Mồ côi cha khi mới lên bốn, gia đình túng bấn lại đông anh em, nên tuổi thơ của ông khá vất vả. Ông bộc lộ thiên hướng toán học từ những năm còn trẻ, tuy nhảy cóc hai lớp nhưng ông vẫn đỗ cao kỳ thi Tú tài phần 1, năm sau chỉ tự học bốn tháng đỗ đầu kỳ thi Tú tài bán phần năm 1945, và năm tiếp theo, chỉ mất 4 tháng tự học, đỗ đầu kỳ thi tú tài toàn phần Ban Toán.

Tháng 9/1946, ông ra Bắc học Lớp toán học đại cương ở Đại học Khoa học Hà Nội, do GS. Nguyễn Thúc Hào giảng dạy. Tuy nhiên, đây là thời điểm toàn quốc kháng chiến nổ súng đánh trả chế độ thực dân nên ông phải tìm mua những cuốn sách toán bằng tiếng Pháp mang về quê để tự học nốt chương trình toán học đại cương.

Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, ông về quê tham gia kháng chiến rồi vào Quảng Ngãi dạy học ở trường Trung học Lê Khiết, Liên khu V. Năm 1951, đ­ược tin GS. Lê Văn Thiêm đã rời Thuỵ Sĩ trở về Việt Bắc, ông liền khẩn khoản đề nghị Sở Giáo dục cho phép ra Tuyên Quang thụ giáo thầy Thiêm. Ròng rã nửa năm trời cuốc bộ, ông mới ra đến Tuyên Quang. Tới nơi thì GS.­ Lê Văn Thiêm đã sang Trung Quốc! Thế là ông vượt biên giới Việt – Trung để gặp thầy Thiêm, tuy nhiên ông chẳng mấy khi được học vì thầy quá bận. Thế là ông lại một mình tiếp tục tự học chương trình đại học và cao học bằng cách đọc sách toán tiếng Nga mua được tại Nam Ninh.

Nhờ thế, sau mấy năm, thầy giáo trẻ Hoàng Tụy đã nổi tiếng không chỉ là giáo viên xuất sắc mà còn am hiểu khá sâu về lý luận giáo dục. Đầu năm 1955, ông được Bộ Giáo dục điều về Hà Nội và giao cho phụ trách công tác chuẩn bị cải cách giáo dục phổ thông. Tiếp đó, ông được giao phụ trách Ban Tu thư – tổ chức biên soạn chương trình và sách giáo khoa cho tất cả các môn học của hệ giáo dục phổ thông 10 năm.

Năm 1956, GS. Lê Văn Thiêm được cử làm Chủ nhiệm Khoa Toán của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và Đại học Sư phạm Hà Nội. Một năm sau, tháng 8/1957, GS. Hoàng Tuỵ cùng với 8 cán bộ khác được cử sang thực tập tu nghiệp 1 năm tại Trường Đại học Tổng hợp Lômônôxốp (Liên Xô). Chỉ mấy tháng sau, ông đã có 2 công trình công bố trên “Báo cáo Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô”, nên được cho ở lại thêm 1 năm nữa để hoàn thành luận án tiến sĩ Toán – Lý.

Nhà toán học Hoàng Tụy tại lễ trao giải thưởng Phan Châu Trinh năm 2010

Bằng niềm say mê Toán học, tâm huyết với nghề nghiệp, từ khi thôi làm Viện trưởng Viện Toán học, GS. Hoàng Tụy vẫn gắn bó chặt chẽ với Viện và tiếp tục có nhiều cống hiến cho sự phát triển Toán học. Ông tâm sự: “Đối với tôi, dù nghỉ hưu hay còn trong biên chế tôi vẫn làm việc đều đặn, vẫn nghiên cứu và hướng dẫn nghiên cứu Toán học, đồng thời quan tâm thiết tha đến sự nghiệp chấn hưng giáo dục, khoa học của đất nước, chừng nào còn đủ sức, vì đó là điều thiết yếu, nguồn vui trong cuộc sống của tôi”.

Ngoài các hoạt động khoa học trong nước, GS. Hoàng Tụy còn tham gia nhiều hoạt động khoa học quốc tế. Suốt 30 năm qua, ông đã tham gia ban chương trình quốc tế của nhiều hội nghị quốc tế lớn, tham gia ban biên tập của 4 tạp chí quốc tế: “Mathematical Programming” (1976 – 1985), “Optimization” (từ 1974), “Journal of Global Optimization” (từ lúc thành lập, 1991) và “Nonlinear Analysis Forum” (từ 1999); và cả ban biên tập tủ sách “Nonconvex Optimization and Its Applications” của Nhà xuất bản Springer. Trong nhiều năm (1980 – 1990), ông là Tổng biên tập của 2 tạp chí toán học của Việt Nam: “Acta Mathematica Vietnamica” và “Toán học”, sau đổi tên là “Vietnam Journal of Mathematics”. Ông cũng đã được mời thỉnh giảng tại nhiều đại học lớn ở Tây Âu, Bắc Âu, Bắc Mỹ, Nhật, Úc…

Với những cống hiến quan trọng của mình, năm 1995, GS. Hoàng Tụy được Đại học Linkoping (Thụy Điển) phong tặng Tiến sĩ danh dự. Năm 1996, để ghi nhận những cống hiến lớn cho khoa học Việt Nam, Nhà nước Việt Nam đã trao tặng ông Giải thưởng Hồ Chí Minh, và Giải thưởng Phan Châu Trinh vào năm 2010. Tháng 9 năm 2011, ông vinh dự là người đầu tiên nhận được giải thưởng Constantin Caratheodory do Đại hội Quốc tế Tối ưu Toàn cục đề xướng cho những đóng góp tiên phong và nền tảng của ông trong lĩnh vực này.

Ở cái tuổi “tri thiên mệnh”, hồ như cảm giác về tuổi tác chẳng làm GS. Hoàng Tuỵ bận tâm. Mái tóc đã bạc nhưng ở ông vẫn còn toát lên sự trẻ trung, lạc quan trong cuộc sống, trong công việc. Chúng ta, những thế hệ học trò, mong ông luôn mạnh khoẻ, để mãi là tấm gương soi sáng, là điểm tựa vững chắc trên bước đường tương lai.

Trong cuộc đời nghiên cứu khoa học của mình, GS. Hoàng Tuỵ là tác giả hay đồng tác giả chính của nhiều cuốn sách và hơn 150 công trình in trên các tạp chí toán học quốc tế hàng đầu, đã hướng dẫn 10 luận án tiến sĩ ở trong nước và 2 luận án tiến sĩ ở nước ngoài.

1 BÌNH LUẬN

  1. Thầy kính mến em cảm ơn thầy về những bài viết về giáo dục tuyệt vời của thầy cho đất nước mà em đã đọc trên báo chí. Và xin kính tặng thầy 2 câu thơ : Kính Tổ tiên gia thanh tộc vượng. Trọng hiền tài nước mạnh làng hưng.

Comments are closed.