Vẫn là một đô thị quyến rũ với những di tích rêu phong cùng những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp, vùng địa linh nhân kiệt Điện Bàn hôm nay đang mạnh mẽ chuyển mình, tạo nên sức sống, diện mạo mới của một đô thị trẻ, hiện đại đang trên đường phát triển, khởi sắc từng ngày…
Tiềm năng và lợi thế
Điện Bàn là thị xã đồng bằng ven biển phía Bắc của tỉnh Quảng Nam, có diện tích tự nhiên là 21.428 ha, gồm bảy phường và 13 xã với hơn 205 nghìn dân. Nằm ở trung tâm trục đô thị quan trọng nhất của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, những năm qua, đặc biệt là sau hai năm thành lập, với sự đoàn kết nhất trí của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TX. Điện Bàn đã vận dụng sáng tạo các Nghị quyết của Trung ương và Tỉnh ủy vào thực tiễn của thị xã, đã cụ thể hóa nghị quyết Đảng bộ bằng các Nghị quyết chuyên đề phù hợp với yêu cầu phát triển và đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, tạo được sự đồng thuận trong xã hội, xứng đáng là địa phương: mạnh về kinh tế, vững về quốc phòng an ninh, đẹp về văn hóa.
Tháng 3/2015, Điện Bàn được Ủy ban Thường vụ Quốc hội công nhận trở thành Thị xã và đến đầu năm 2016, được Chính phủ công nhận thị xã hoàn thành nông thôn mới. Đây là mốc son quan trọng ghi dấu sự phát triển đi lên của địa phương, là kết tinh của sự nỗ lực, phấn đấu không ngừng của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Điện Bàn.
Đứng trước nhu cầu bức thiết về xây dựng một “Đô thị mới”, trước hết ngoài sự nỗ lực vươn lên của chính mình thì Điện Bàn cần phải có tầm nhìn xa hơn, lấy hợp tác liên vùng làm động lực phấn đấu, vừa khai thác, vừa bổ sung cho nhau để cộng hưởng cùng phát triển. Đặc biệt, “Đô thị mới Điện Bàn” có lợi thế nằm giữa đô thị cổ – di sản văn hoá Hội An và TP. Đà Nẵng với mục tiêu xây dựng “thành phố đáng sống”. Chính vị trí địa lý, nền tảng kinh tế cùng với sự đồng nhất về văn hóa và con người của vùng đất này sẽ tất yếu tạo cơ hội không chỉ cho Điện Bàn mà còn cả Đà Nẵng và Hội An có điều kiện để hoạch định chiến lược, kế hoạch phát triển, phân bố lại nguồn lực hợp lý trên cơ sở liên kết đầu tư đồng bộ về kết cấu hạ tầng kỹ thuật – xã hội, phát triển hài hòa về đô thị và các lĩnh vực kinh tế – xã hội khác, qua đó sẽ hình thành một trung tâm tăng trưởng mạnh mẽ, xứng tầm đóng vai trò động lực phát triển của khu vực miền Trung – Tây nguyên, đồng thời hướng đến xây dựng thương hiệu chung cho một khu vực đô thị năng động, sinh thái, văn hóa mang tầm cỡ Đông Nam Á.
Lịch sử hình thành và phát triển của Điện Bàn gắn liền với quá trình mở đất của dân tộc Việt về phương Nam. Qua nhiều thế kỷ, địa giới hành chính có nhiều thay đổi nhưng tên gọi Điện Bàn vẫn được lưu giữ với nhiều truyền thống tốt đẹp về văn hóa lịch sử và cách mạng.
Cần một “cú huých” để đột phá
Có thể minh định rằng Điện Bàn chọn lựa sự phát triển gắn liền với bảo tồn những giá trị đặc thù vốn có của mình. Đó là nguyên tắc. Với điều kiện lịch sử, văn hóa và tự nhiên của vùng đất này, bên cạnh một “thành phố di sản” Hội An và “thành phố đáng sống” Đà Nẵng, liệu có nên chăng sẽ xuất hiện thêm một “thành phố sinh thái” Điện Bàn để tạo ra một “Tam giác đô thị năng động”? Điều này muốn trở thành hiện thực cần có sự chung sức, chung lòng của các nhà khoa học, nhà quản lý và cả người dân…
Từ khả năng và điều kiện của thị xã, từ bối cảnh kinh tế khu vực và cả nước, dự báo sự tác động của tình hình quốc tế; trong những năm tới vừa có thời cơ, vận hội mới cần tranh thủ nắm bắt, đồng thời cũng đứng trước những thách thức lớn cần ra sức khắc phục. Do đó, trong thời gian tới, thị xã tập trung triển khai 04 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm tạo động lực mạnh mẽ để phát triển các ngành, các lĩnh vực của thị xã:
Một là, phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của địa phương, tạo bức phá mạnh mẽ, toàn diện trên các lĩnh vực.
Hai là, tập trung phát triển văn hóa – xã hội đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị, nông thôn mới.
Ba là, giữ vững ổn đinh an ninh chính trị – trật tự an toàn xã hội tạo môi trường thuận lợi phát triển kinh tế – xã hội.
Bốn là, tập trung đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.
Để đón được những cơ hội mới mang lại, Điện Bàn cần bám sát tình hình cụ thể của địa phương, xác định đúng đắn phương hướng, mục tiêu phát triển cho từng chặng đường, phát huy được tiềm nắng thế mạnh của thị xã, đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội, cải thiện nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Nằm trong Tam giác đô thị năng động phát triển của của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, nhất là sự liên kết, hợp tác với TP. Đà Nẵng và TP. Hội An, Điện Bàn đang cần một “cú huých” đủ mạnh, có tầm chiến lược để đột phá, tăng tốc cùng cả nước đi lên hội nhập với khu vực và thế giới.
Thay lời kết
Nếu ví đô thị Điện Bàn như một bức tranh thì đó là một bức tranh đã được phát thảo những đường nét cơ bản, công việc còn lại chỉ là chấm phá những nét, những gam màu phù hợp để hoàn thiện nó. Có thể dễ dàng nhận ra rằng đô thị Điện Bàn đang chuyển biến từng ngày, nhiều “gam màu” mới đã và đang được tô điểm thêm cho thị xã. Do vậy, đô thị Điện Bàn cần có bước tăng tốc phù hợp để xứng tầm của một đô thị trong tương lai không xa.
Tin tưởng rằng với chính sách thông thoáng, nhằm khơi dậy mọi tiềm năng, nguồn lực, trong một thời gian không xa, Điện Bàn sẽ phát huy tốt tiềm năng và thế mạnh của mình, từng bước vươn lên để trở thành thị xã giàu đẹp, làm rạng danh quê hương anh hùng.
Điện Bàn, miền châu thổ hạ lưu sông Thu Bồn, nơi mà tên đất, tên người từng gắn liền với nhiều sự kiện trọng đại trong tiến trình hình thành và phát triển của lịch sử dân tộc. Ngay từ những ngày đầu, Điện Bàn đã được biết đến là một vùng đất trù phú, là “phên dậu” về phương Nam của Tổ quốc. Xứng danh vùng đất anh hùng, các thế hệ người Điện Bàn hôm nay đang tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, thi đua lập nhiều thành tích để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Tuấn Kiệt