Đất và người Quảng Ngãi

0
3857

Theo suốt chiều dài lịch sử, Quảng Ngãi là vùng đất giàu truyền thống yêu nước, hiếu học, đoàn kết, lao động cần cù, sáng tạo… Trong tiến trình phát triển của đất Quảng Ngãi, người ta không khỏi ngạc nhiên bởi những đóng góp từ vùng đất này vào sự phát triển kinh tế xã hội – văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Không những là nơi gặp gỡ của các nền văn hóa Sa Huỳnh, Chămpa, Đại Việt, Quảng Ngãi còn là cầu nối để người Việt tiến dần vào phía Nam và xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với cộng đồng dân cư tại chỗ để khai phá vùng đất này, mở rộng biên cương Tổ quốc ngày nay. Trên vùng đất này đã có con người sớm sinh sống, xây dựng nền văn hóa thời đại đồ đá cũ, nền Văn hóa Sa Huỳnh rực rỡ. Vào thế kỷ XV – XVI, địa giới và cư dân Quảng Ngãi ngày nay dần được ổn định, hình thành từng bước ý thức, tập quán, tính cách của mình và xác lập mối giao lưu văn hóa ở khu vực phía Nam trong sự phát triển chung của dân tộc.

Quá trình khai phá và phát triển vùng đất Quảng Ngãi ngày nay diễn ra trong điều kiện tự nhiên của địa phương không có được nhiều ưu đãi: khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, bão, lụt, hạn hán… thường xuyên xảy ra. Địa thế của Quảng Ngãi được phác họa đầy đủ trong hai câu thơ lục bát: “Núi bên kia, biển bên này/ Ép cong rẻo đất teo gầy miền quê”.

                                                                         Cầu Trà Khúc xưa

Với điều kiện tự nhiên như vậy không có nhiều thuận lợi cho sự phát triển một nền kinh tế toàn diện, đặc biệt là công nghiệp; ngoài nông nghiệp là chủ yếu. Ngay trong nông nghiệp, người nông dân cũng phải cày sâu cuốc bẫm, có sức sáng tạo mạnh mẽ mới có thể bắt tự nhiên đáp ứng những nhu cầu cần thiết. Điều này chứng tỏ điều kiện tự nhiên có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống con người, song không phải là nhân tố quyết định sự phát triển của xã hội. Sức lao động sáng tạo của con người mới là yếu tố quan trọng nhất đối với tiến trình lịch sử.

Quảng Ngãi là vùng đất có cư dân sinh sống lâu đời, còn để lại nhiều dấu tích của các nền văn hóa xưa tại các di tích Gò Trá (Tịnh Thọ, Sơn Tịnh), Gò Vàng (Sơn Kỳ, Sơn Hà), thuộc thời đại đồ đá cũ; Long Thạnh (Phổ Thạnh, Đức Phổ), Bình Châu (Bình Sơn) thuộc thời kỳ đồng thau và Sa Huỳnh thuộc thời kỳ đồ sắt. Văn hóa Sa Huỳnh đã phát triển khá rực rỡ, trải dài trên một vùng rộng lớn từ Quảng Bình đến Bình Thuận, bao gồm cả Tây Nguyên và các đảo xa xôi thuộc khu vực biển Đông ở Đông Nam Á. Trong địa bàn rộng lớn của Văn hóa Sa Huỳnh, Quảng Ngãi được xem là cái nôi, trung tâm của nền văn hóa này. Vị trí của Quảng Ngãi trong nền Văn hóa Sa Huỳnh không phải vì nơi đây đã phát hiện được di vật đầu tiên mà là ở số lượng hiện vật, tiêu biểu cho một nền văn hóa ven biển miền Trung phát triển ở trình độ cao, có mối quan hệ với các nền văn hóa khác trên lãnh thổ Việt Nam ngày nay, đặc biệt nền Văn hóa Đông Sơn ở phía Bắc và các nền văn hóa ở Đông Nam bộ.

                                                   Hệ thống lấy nước cho tưới tiêu trên Sông Trà

Trong quá trình mở rộng lãnh thổ, trở thành một quốc gia thống nhất của các dân tộc Việt Nam, Quảng Ngãi là cầu nối giữa hai miền Bắc, Nam. Đến năm 1402, Quảng Ngãi chính thức trở thành một bộ phận của nước Việt Nam ngày nay, khi mà “hai châu Tư và Nghĩa cũng do nhà Hồ đặt ở phía Nam hai châu Thăng và Hoa, trên đất Cổ Luỹ của Chiêm Thành, tương đương với Quảng Ngãi ngày nay”.

Vấn đề người Việt ở phía Bắc đi vào vùng đất Quảng Ngãi, chung sống với cư dân bản địa từ bao giờ là vấn đề còn phải tìm hiểu thêm. Dù thời điểm người Việt đi vào phía Nam định cư, khai phá Quảng Ngãi bắt đầu từ lúc nào (sẽ được làm sáng tỏ) thì năm 1402 khi Hồ Quý Ly đặt chân lên đất Cổ Luỹ vẫn là cái mốc đáng ghi nhớ; vì nó đánh dấu bước mở đầu của vùng đất này chính thức trở thành một bộ phận của Tổ quốc Việt Nam ngày nay. Như đã nói, từ thế kỷ XV – XVI trở đi các cư dân trên vùng đất Quảng Ngãi ngày nay được dần dần ổn định, bắt đầu hòa nhập vào Đại Việt. Trên cơ sở này vào đầu thế kỷ XVII, đời “Lê Hoằng Định năm thứ ba (1603) mới đổi phủ Tư Nghĩa làm phủ Quảng Ngãi, đặt các chức Tuần phủ và Khám lý, song vẫn lệ thuộc vào Quảng Nam”. Đến đây, địa danh “Quảng Ngãi” xuất hiện. Từ thời điểm này trở đi, các cộng đồng các dân tộc trên đất Quảng Ngãi cũng như ở các địa phương khác đang mở rộng dần vào phương Nam, đã chung sức xây dựng quê hương trong tiến trình phát triển của đất nước.

Kể từ đây, vùng đất Quảng Ngãi trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử. Trong buổi đầu gia nhập vào đại gia đình Đại Việt, nhân dân Quảng Ngãi đã chống lại quân xâm lược nhà Minh (Trung Quốc) bằng thắng lợi của nghĩa quân Lam Sơn. Sau khi nhà Hậu Lê được thành lập, việc củng cố, ổn định vùng đất Quảng Ngãi được chú trọng. Khi cuộc chiến tranh Trịnh – Nguyễn diễn ra thì, đất nước bị chia cắt thành hai miền: Đàng Trong và Đàng Ngoài, đồng bào các dân tộc ở Quảng Ngãi đã đóng góp nhiều công sức; trong số Đô đốc của Tây Sơn có Trần Quang Diệu, Trương Đăng Đồ và Nguyễn Tăng Long.

Cuộc đấu tranh của nhân dân Quảng Ngãi từ nửa sau thế kỉ XIX là một bộ phận khăng khít trong các phong trào đấu tranh chung của nhân dân cả nước, nhằm bảo vệ quê hương, giải phóng dân tộc khi thực dân Pháp xâm chiếm và đô hộ Quảng Ngãi cũng như cả nước. Thế kỉ XIX kết thúc cũng là sự chấm dứt của phong trào Cần Vương trong cả nước, cũng như ở Quảng Ngãi và chuyển sang giai đoạn mới trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam.

Trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược nước ta, kể từ khi chúng nổ súng ở Đà Nẵng (1.9.1858), người dân Quảng Ngãi sớm có mặt trên trận tuyến. Kế tiếp là cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ để giải phóng quê hương là một thời kỳ lịch sử huy hoàng, đồng thời nhân dân Quảng Ngãi cũng như đồng bào cả nước phải trải qua nhiều hy sinh, tổn thất. Trong thời kỳ này, nhân dân Quảng Ngãi đã vô cùng anh dũng trong chiến đấu, tuyệt đối trung thành với Đảng, với cách mạng, chịu đựng mọi khó khăn, thử thách, hy sinh và cũng đầy sáng tạo.

Sau ngày đất nước thống nhất, nhân dân Quảng Ngãi bắt tay vào xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Cũng như đồng bào cả nước, nhân dân Quảng Ngãi không chỉ có truyền thống đánh giặc giữ nước mà còn có truyền thống lao động cần cù, sáng tạo. Với điều kiện tự nhiên không mấy thuận lợi cho sản xuất, chủ yếu là nông nghiệp, người dân Quảng Ngãi phải lao động cật lực để làm ra hạt lúa, củ khoai. Song cũng từ lao động nhọc nhằn ấy đã nảy sinh bao nhiêu sáng tạo trong nông nghiệp, thuỷ lợi, thủ công nghiệp, chăn nuôi gia cầm, gia súc, nuôi trồng, đánh bắt thuỷ sản. Nổi bật là nghề gốm, nấu đường, làm bánh kẹo và xe nước. Xe nước là một công trình thuỷ nông tuyệt vời – kết quả của trí thông minh, sáng tạo của người dân Quảng Ngãi. Có thể nói đây là biểu tượng đẹp đẽ của “nền văn hóa bờ xe nước” độc đáo của Quảng Ngãi.

Tài nghệ của người dân Quảng Ngãi trong lao động sản xuất thể hiện rõ trong các nghề làm gốm, nổi tiếng với các sản phẩm vại, chum, muỗng đường, nồi, niêu, tách, trả và đặc biệt nghề nấu đường, làm kẹo. Truyền thống và tài nghệ của người dân Quảng Ngãi được kế thừa và phát triển trong các đời sau và cả trong ngày nay; sản phẩm của nhiều ngành nghề thủ công trở thành những đặc sản của Quảng Ngãi được sử dụng phổ biến trong cả nước, như kẹo gương, mạch nha, đường phèn, đường phổi, thịt bò khô, cá bống sông Trà… Tinh thần yêu nước của người Quảng Ngãi trong công cuộc đấu tranh bảo vệ quê hương, Tổ quốc, giành độc lập dân tộc vẫn còn đó các căn cứ Tuyền Tung, Vĩnh Tuy, Ba Tơ, Trà Bồng trong sự nghiệp giữ nước và Dung Quất (vốn tên là Vũng Quýt) ngày nay là những dẫn chứng về điều nêu trên. Tài nghệ, sáng tạo của người dân Quảng Ngãi trong lao động sản xuất đang được thể hiện trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, tiêu biểu là công trình thuỷ nông Thạch Nham, Khu Kinh tế Dung Quất…

                                                                Sông Trà Bồng chảy ra cửa Sa Cần

Văn hóa vật thể và phi vật thể của người dân Quảng Ngãi được thể hiện trong sinh hoạt lễ hội, văn học dân gian và văn học bác học, nghệ thuật… Các lễ hội bắt nguồn từ lòng tôn thờ những người có công trong công cuộc xây dựng bảo vệ quê hương, đất nước, trong lao động cực nhọc song hứng thú và đầy sáng tạo. Những câu hò, như hò giã gạo, hò nện nền nhà… thể hiện và làm tăng thêm tinh thần thương yêu, giúp đỡ nhau trong cuộc sống tươi vui, trong lao động của những con người giàu tình làng nghĩa xóm.

Quảng Ngãi cũng là vùng đất văn hiến trong quốc gia Việt Nam với nền giáo dục khá phát triển. Một vùng đất nghèo, con người phải lao động vất vả để sống, song tinh thần, ý chí học tập, truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo thì ngày một toả sáng. Truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo này được thể hiện ở việc lập Văn Thánh và tổ chức lễ tế hàng năm (Đình Văn Thánh về sau cũng là một di tích lịch sử – văn hóa của tỉnh).

Con người Quảng Ngãi với những tố chất cách mạng, lao động sáng tạo, chủ nhân của nền văn hóa Sa Huỳnh, của các công trình xây dựng xe nước, kênh Sơn Tịnh, kênh Bàu Súng, công trình thuỷ lợi Thạch Nham, chủ nhân của nhiều cơ sở công nghiệp, văn hóa, giáo dục; đã sản sinh ra những anh hùng trong sự nghiệp cứu nước, sẽ không chùn bước trước những khó khăn của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ngày nay.

                                            Ngắm hoàng hôn thơ mộng trên đảo tiền tiêu Lý Sơn

Với cách nghĩ thẳng thắn, với ý thức trách nhiệm và nguyện vọng thiết tha với quê hương, đất nước, sau 42 năm giải phóng, Quảng Ngãi có những bước tiến khá rõ rệt, cuộc sống nhân dân có nhiều cải thiện về chính trị, kinh tế – xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh.

Thiên Phong