Xuất hiện tại Quảng Nam vào những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ 20, thú chơi đá cảnh nguyên bản đã được nhiều người yêu thích và thể hiện niềm đam mê cháy bỏng của mình bằng việc bảo dưỡng, phát huy vẻ đẹp của đá thông qua việc trưng bày, nâng niu và gìn giữ.
Sức hút từ những tuyệt tác đá
Ðến Duy Xuyên (Quảng Nam), chúng tôi không khó để tìm ra nhà riêng của những anh em chơi đá cảnh nguyên bản, bởi chỉ cần hỏi thăm thì từ người cao tuổi đến trẻ nhỏ nơi đây hầu như ai cũng biết.
Bước chân vào ngôi nhà anh Nguyễn Khắc Hiệp (Duy Trung, Duy Xuyên), chúng tôi mới cảm nhận rõ thú chơi đấy đam mê của anh. Từ cổng tới sân trước, hiên nhà, sân sau… đều được tận dụng tối đa diện tích để trưng bày những khối đá lớn, nhỏ được tạo hóa chế tác cầu kỳ. Là người đã có hơn 20 năm gắn bó với thú chơi này, anh Hiệp chia sẻ: “Chơi đá cảnh, tôi thấy như được gần gũi với thiên nhiên, cảm nhận được vẻ đẹp tiềm ẩn của những viên đá”. Và cũng chính sự đam mê mãnh liệt của thú chơi này mà anh đã lặn lội bôn ba khắp mọi nơi chỉ để tìm kiếm những hòn đá có hình thù đẹp, lạ, độc nhất vô nhị. Trong suốt thời gian dài chơi đá, có những tác phẩm mà anh phải đánh đổi nhiều công sức, thậm chí cả hiểm nguy để sở hữu, nhưng cũng có những khối đá tự nhiên tìm đến anh như đã được định duyên. Có lẽ bởi một đời yêu đá, sống cùng đá, làm bạn với đá đã giúp anh cũng rắn rỏi như đá vậy.
Tại xã Duy Hoà (Duy Xuyên), nhà anh Trần Thịnh lâu nay vẫn là điểm đến thư giãn của nhiều người đam mê đá cảnh. Được mời nhâm nhi chén trà nóng thoang thoảng hương nhài trong không gian ngập tràn những tác phẩm tạo hình tuyệt tác từ đá, chúng tôi cảm thấy như lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh, tâm hồn cũng trở nên thanh thoát và bình yên đến lạ. Anh Thịnh cho biết: “Cái tinh hoa của tạo hóa, của thời gian tích tụ trong đá chính là phương tiện để con người và trời đất giao hòa. Nếu vàng bạc là biểu tượng của sự giàu sang thì đá chính là biểu tượng của vận may và tài lộc. Ðến với đá là đến với một thứ “diệu dược” có khả năng đưa con người tìm kiếm sự vĩnh hằng của thiên nhiên, để từ đó cảm nhận được sinh khí trong sạch và sự tĩnh lặng của thâm tâm. Có lẽ vì thế mà những viên đá vô tri vô giác hàng triệu năm tuổi đã được những người sưu tập đá, qua con mắt và bàn tay nghệ thuật của họ, thổi linh hồn vào chúng, làm cho chúng trở nên sinh động và mê hoặc”.
Yêu vẻ đẹp vốn có của đá, thích cảm giác phiêu lưu, khám phá từ những chuyến đi tìm đá khắp rừng núi Quảng Nam, anh Bùi Toàn (Duy Châu, Duy Xuyên) bộc bạch: “Chơi đá cảnh không cầu kỳ và tốn nhiều công chăm sóc như hoa, bonsai hay chim chóc… Cái thú vị của người chơi đá chính là việc sở hữu những viên đá độc, lạ và duy nhất. Ngoài ra, sự hấp dẫn của viên đá lại nằm ở khả năng cảm nhận của từng người. Không những thế, chỉ cần thay đổi hướng nắng, không gian trưng bày là thay đổi cả “linh hồn” của đá”.
Trong giới chơi đá cảnh có hai thuật ngữ được dùng để nói đến cách chơi của mỗi người đó là chơi đá nguyên bản (Suiseki) và cách chơi những loại đá đã được mài nhẵn, đánh bóng, có sự tác động của bàn tay con người (Biseki). Đi theo hướng chơi đá nguyên bản, anh Phạm Hữu Trung (TP. Hội An) luôn tôn trọng vẻ đẹp tự nhiên, vốn có của đá. Nói về thú chơi này, anh chia sẻ: “Nguyên tắc cơ bản của thú chơi đá là tôn trọng tuyệt đối tính tự nhiên của đá, đặc biệt phải giữ nguyên hình dạng của tác phẩm. Sự gia công đục đẽo làm thay đổi đá theo ý muốn của mình là đi ngược nguyên lý tối hậu của thú chơi đá cảnh, biến đá thành sản phẩm nhân tạo là hành động can thiệp thô bạo, không thể chấp nhận”.
Nhìn chung, ở những người chơi đá cảnh đều có một điểm chung là cùng nhau yêu thích cách chơi đá cảnh nguyên bản, tự đi tìm, tự phát hiện vẻ đẹp của đá, biết cách bảo dưỡng và phát huy vẻ đẹp của đá thông qua việc trưng bày, nâng niu và giữ gìn.
Hành trình tìm kiếm “nhân duyên”
Đối với nghệ thuật chơi đá cảnh, ngoài kiến thức về đá, cần phải có trí tưởng tượng phong phú, biết hòa đồng với thiên nhiên mới có khả năng phát hiện thấy những “kiệt tác” ẩn trong muôn hình vạn trạng của những viên sỏi đá. Để có được những viên đá có một không hai, người chơi đá đều tin rằng không phải do công giỏi tìm kiếm mà do có “nhân duyên”. Có khi bỏ thời gian làm một chuyến đi, cất công tìm mà không được viên đá nào, còn những lần rất ngẫu nhiên lại có được những tác phẩm ưng ý.
Với anh Đặng Sang (Duy Trung, Duy Xuyên), mỗi khi tìm kiếm được viên đá đẹp, anh xem đó là cái duyên, là chuyến “hành trình đi tìm cảm giác” của mình. Để chọn một viên đá cảnh ưng ý không hề là chuyện đơn giản, phải có hình thù lạ, đẹp, phải có độ cứng và vân sắc nổi, viên đá phải bóng, nếu tạo ra âm thanh khi gõ vào thì lại càng quý. Do vậy, những viên đá đẹp luôn được anh trân trọng và giữ gìn, dù đã có nhiều người sành chơi đá, nhiều đoàn nước ngoài tìm đến hỏi mua với giá cao nhưng anh kiên quyết không bán.
Ðến thăm nhà riêng của anh Nguyễn Văn Khoa (Duy Hoà, Duy Xuyên), chúng tôi ai nấy đều ngạc nhiên khi anh đã là chủ sở hữu của bộ sưu tập lên tới hàng trăm tác phẩm đá cảnh với đủ mọi hình dáng, màu sắc khác nhau. Đối với anh thì đá cảnh có các loại: trầm tích, cát kết, sét kết và sỏi kết. Đá cảnh tự nhiên là những cục đá được chiêm ngưỡng do vẻ đẹp hay sức gợi hình của chúng về một cảnh hay một vật thể trong thiên nhiên. Đặc điểm của đá cảnh là không có viên nào giống viên nào vì qua sự xói mòn của sóng gió, nắng mưa, địa chấn, hàng ngàn có khi hàng triệu năm, mỗi viên đá tùy theo địa chất, tùy theo hoàn cảnh thiên nhiên mà có một hình dáng, một sắc thái đặc thù, con người không thể nào bắt chước được. Chính vì thế, giá trị của những viên đá đối với những người “biết chơi” là vô giá.
Trong giới chơi đá cảnh thì không ai không biết anh Đỗ Anh Tuấn (TP. Hội An). Với anh, đá đã vượt lên giá trị vật chất và trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống. Theo anh thì trong nghề chơi đá cảnh nguyên bản, viên đá nào càng cứng càng quý, bởi độ cứng giúp cho đá không biến hình, không nứt đồng thời tạo nên độ bóng cho đá. Về sắc màu, đá cảnh thường là các màu: xanh, xanh đen, đen, vàng nâu… Không rõ có được quy định “thành văn” hay không, nhưng theo anh Tuấn thì nguyên tắc cơ bản hàng đầu của thú chơi đá cảnh là phải giữ nguyên hình dạng của đá, bất kỳ một sự can thiệp hoặc gia công đục đẽo, tô vẽ nào thêm vào viên đá là nó không còn giá trị.
Chơi đá đòi hỏi sự tìm kiếm bền bỉ và lâu dài. Những khi rảnh, các anh em lặn lội đến các bãi đá ven sông khắp nơi trong tỉnh để săn tìm. Và cứ thế, bộ sưu tập đá cảnh của họ ngày một dày thêm. Qua nhiều năm dày công sưu tầm, hiện mỗi thành viên trong các Hội Sinh vật cảnh: Duy Xuyên, Hội An, Quảng Nam đang sở hữu và trưng bày tại nhà riêng của mình hàng trăm tác phẩm đá cảnh nghệ thuật với nhiều chất liệu đá và nhiều chủ đề khác nhau, được nhiều người thưởng ngoạn ưa thích.
Hiện nay, Quảng Nam là nơi cung cấp đá cho những người chơi đá cảnh trong và ngoài nước. Các loại đá được người chơi phân ra từng nhóm: Nhóm phong cách; Nhóm hình thể; Nhóm vật thể; Nhóm hoa văn. Các tác phẩm này được dày công tìm kiếm trên sông suối huyện miền núi Trà My, Tây Giang, Nam Giang, Đông Giang, Hiệp Đức, Phước Sơn, Duy Xuyên… của tỉnh Quảng Nam. Những viên đá đẹp được những người say mê đá Quảng Nam, như: Trần Thịnh, Nguyễn Khắc Hiệp, Ngọc Minh, Võ Bổn, Nguyễn Thanh Hiến, Đỗ Anh Tuấn, Lê Ngọc, Phạm Hữu Trung, Nguyễn Văn Khoa, Lê Trí Tuệ, Đặng Sang, Đặng Ba, Bùi Toàn, Hồ Dẫn, Phan Viết Dũng, Nguyễn Hồng Giang, Thanh Bi, Trần Vũ, Nguyễn Anh Việt, Dương Minh Khánh, Nguyễn Trọng… chọn lựa đem về làm đế gỗ trưng bày tại nhiều lễ hội, như: Festival, Ngàn Năm Thăng Long, Hội Hoa Xuân các tỉnh, thành trong cả nước.
Đá vốn vô ngôn, nhưng ẩn chứa sức sống diệu kỳ, thể hiện cái linh khí của đất trời, cái lãng mạn hào phóng của hóa công, biểu hiện đường nét trầm tịnh và cương ngạnh, kiên trinh và phác thực. Và, với những người chơi thì đá đã vượt lên giá trị vật chất và trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống.
Trần Thịnh