Mang dáng dấp bình dị như bao ngôi từ đường dòng họ khác tại vùng đất xứ Quảng, nhưng ngôi từ đường Phạm Phú tộc tại làng Đông Bàn lại ẩn chứa một niềm tự hào mà ít nơi nào có được, bởi đây là nơi lưu giữ, phát huy lịch sử và truyền thống về một dòng họ của quan đại thần Phạm Phú Thứ…
Theo bút tích và gia phả để lại, nguồn gốc tổ tiên tộc Phạm xuất phát từ Nghệ An, phủ Thừa Tuyên, huyện Diễn Châu, xã Đông Xá; biệt hiệu là Cao Bình Quận (đến nay tên tỉnh, phủ, huyện vẫn còn giữ nguyên) đã vào Nam năm 1639, tức năm Giáp Tuất, đời vua Lê Thần Tông hiệu là Vĩnh Tộ. Cụ thể, vào thế kỷ XVII, cuộc chiến 2 thế lực Trịnh – Nguyễn bùng nổ từ năm 1627 đến 1672. Trong gần nửa thế kỷ hai vương triều Trịnh – Nguyễn chỉ lo đánh nhau mà không quan tâm đến việc chấn hưng đất nước, nên nhân lúc triều đình rối loạn, quan lại cậy quyền ức hiếp dân lành, đất nước lầm than, lòng dân ly tán, cuộc sống vô cùng cơ cực. Để bảo tồn nòi giống, vào năm 1639 bà Trương Thị Nương đành bỏ quê cha đất tổ, dẫn bốn người con vào Trấn Quảng Nam, xã Ngũ Giáp Đông và lưu lại ở đây 4 năm. Trong đó, bốn người con của bà gồm: Ông cả Phạm Văn Lệ (lên Cẩm Văn khai cơ lập nghiệp đến bây giờ); ông thứ hai – Phạm Văn Luật (bà cho làm con rể tộc Trần); ông thứ ba – Phạm Văn Khoa (vào đất Bình Ba lập nghiệp); và ông thứ tư – Phạm Văn Điều (Phạm Phú Điều) ở tại xã Miêu Nha tức Đông Bàn xã. Ông Phạm Phú Điều đặt lệ là Nam Xương Phú, Nữ Xương Xuân (nam bất ly Phú, nữ bất ly Xuân). Ông sinh hạ hai người con trai, một người con gái. Trai là ông Phạm Phú Sĩ và Phạm Phú Tài, con gái là bà Phạm Thị Xuân Lược. Đây là đời thứ hai của tộc Phạm Phú; vậy, đến nay tộc Phạm Phú tại làng Đông Bàn, xã Điện Trung đã có 16 đời.
Dẫu biết rằng tộc Phạm Phú vào đất Miêu Nha (tức Đông Bàn xã) sau các tộc đã có công khai khẩn vùng đất này như Phạm, Nguyễn, Hồ, Văn nhưng với trọng trách “Canh tân xứ sở và duy trì nòi giống”, tổ tiên tộc Phạm Phú đã tích cực trong việc khai hoang lập xã quy dân, xây dựng nên một vùng quê an bình, trù phú; phát triển các chi phái không những ở ngay quê hương mà còn mở rộng sang các xứ khác: Thị trấn Vĩnh Điện (Điện Bàn), huyện Quế Sơn, TP. Đà Nẵng… Đặc biệt, đình làng Đông Bàn được thành lập đã có một phần không nhỏ của gia tộc Phạm Phú đóng góp xây dựng. Vì vậy, tộc Phạm Phú đã vinh dự được địa phương dành một vị trí quan trọng (thứ 5) tại làng là: “Gia tộc công đức nhất, hiếu học nhất tại địa phương”.
Hiện nay, Tộc Phạm Phú luôn quan tâm nhắc nhở các thế hệ con cháu ôn lại truyền thống dòng họ, noi gương học tập các bậc tiền nhân đi trước, nhất là Tổ cụ Phạm Phú Thứ (đời thứ 6) và cụ Phạm Phú Hiển (đời thứ 10) là nhà toán học thế giới… Do vậy, Hội đồng gia tộc luôn biểu dương nhắc nhở việc học, đồng thời giữ gìn lễ giáo gia phong, vì thế hầu hết con cháu đều ham học. Đặc biệt, để động viên kịp thời con em có thành tích tốt trong học tập rèn luyện đạo đức, cứ vào giữa tháng Tám dương lịch hằng năm, Hội đồng gia tộc và Chi hội khuyến học của tộc họp bàn công tác khuyến học sau đó tổ chức lễ phát thưởng cho các cháu ở từ đường. Với những nỗ lực trên, tộc Phạm Phú đã vinh dự nhận được nhiều giấy khen của UBND tỉnh Quảng Nam, UBND huyện Điện Bàn, UBND xã Điện Trung vì đã có thành tích hoàn thành xuất sắc công tác khuyến học của gia tộc.
Hiện từ đường tộc Phạm Phú tại làng Đông Bàn đã, đang và sẽ mãi mãi là ngôi Tổ đình của toàn tộc, là trung tâm hội tụ tình cảm nhắc nhở con cháu truyền thống uống nước nhớ nguồn, là Tự sở thiêng liêng mà toàn thể con cháu Phạm Phú tộc dù ở phương trời nào cũng ngưỡng vọng và về dâng hương lễ để nhớ công ơn tổ tiên vào ngày 16/2 và ngày 25/11 hàng năm. Đây không chỉ là dịp con cháu xa gần tụ họp, được đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh mà còn thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn, lưu giữ và phát huy truyền thống lịch sử của dòng họ, thỏa mãn tâm lý hướng về cội nguồn, hiểu về nơi sinh thành của cha ông, về quá trình đấu tranh lao động để gây dựng cơ nghiệp lâu dài cho thế hệ mai sau. Tất cả những yếu tố đó góp phần quan trọng vào việc định hướng và giáo dục con cháu tiếp nối nhau phát huy tự hào và tiến bộ hơn.
Tộc Phạm Phú không chỉ tại Miêu Nha xã, làng Đông Bàn mà còn lan rộng khắp ba miền Trung – Nam – Bắc. Đặc biệt nhất là ở miền Nam: tại Thủ Đức, TP. HCM có ngôi Niệm Tổ Đường của tộc Phạm Phú. Hàng năm, vào ngày mùng 10 tháng 3 con cháu không đủ điều kiện về quê cha đất tổ thì đến Niệm Tổ Đường dâng hương nhớ về cội nguồn. Sau lễ dâng hương là sinh hoạt của tộc họ, con cháu có dịp thăm hỏi, hàn huyên thắt chặt thêm tình đoàn kết gắn bó trong gia tộc.
Minh Khôi
Cho mình Xin địa Chỉ của niệm tổ đường tộc Phạm Phú tại Thủ Đức với cả nhà ơi. 01633901987
01666693743
tôi Phạm Nhất Hải địa chỉ thôn 3 xã Tiên An, huyện Tiên Phước ,tỉnh q.nam đt: 0985619811,muốn tìm cội nguồn nhưng khổ nổi ông nội và cha mất sớm nên o rõ quê nội. nghe mẹ tôi kể lại ông nội tôi phạm phú phong làm thầy thuốc bắc(bí danh bắc số) từ hà tĩnh vào q.nam lấy vợ những năm 1910,1915 và sinh ra cha tôi 1915 đến năm 1922 ông mất và chiến tranh cha tôi hy sinh 1969, hiện nay không rõ quê nội cụ thể ở đâu. kính mong ban liên lạc giúp tôi tìm ra quê nội, tôi thành thật ghi ơn và mỏi mòn chờ tin.
Chào anh!
Anh có thể tìm đến địa chỉ nhà thờ tộc Phạm Phú tại thôn Tân Bình 3, xã Điện Trung, TX Điện Bàn, Quảng Nam để hỏi nhé.
Chúc anh may mắn.
Comments are closed.