Gặp nhà thơ Bích Bửu, tôi mới hình dung hết được một con người mà giới văn thơ, thi sĩ cả nước ví như “cây bút thần” trong sáng tác thơ văn. Ngoài tài năng đã được kiểm chứng qua rất nhiều giải thưởng mà chị vinh dự được trao tặng trong những năm vừa qua, thì bất cứ ai khi có cơ hội là độc giả của Bích Bửu đều cảm thấy mình như lạc vào khu vườn đầy ngát hương thơ. Thơ của chị giàu tình yêu đời, yêu người và trĩu nặng suy tư cuộc sống. Như nhà thơ Phan Hoàng đã nhận xét: “Có người sinh ra để làm thơ. Có người vì quá yêu thơ mà xem thơ như người tình không thể chia lìa… Bích Bửu là người yêu thơ say đắm như vậy”…
Năm 2014, nhà thơ Bích Bửu đánh dấu một cột mốc quan trọng trong hành trình sáng tác thơ văn của mình khi chị đã xuất bản tập thơ “Suối nguồn yêu thương”. Đây là tập thơ thứ 5 mà chị đã cho ra mắt độc giả kể từ tập thơ đầu tiên có tựa đề “Tình lá cỏ” xuất bản vào năm 2004. Ngót nghét 10 năm xuất bản 5 tập thơ với hàng trăm bài thơ, chúng ta đủ thấy được sự dồi dào về ý tưởng và tài năng trong sáng tác của chị.
Tập thơ “Suối nguồn yêu thương” thể hiện tình cảm của nhà thơ đối với 3 thế hệ trong gia đình là cha mẹ, con và cháu. Trong cả tập thơ, chị luôn tri ân công đức của tổ tiên, những bậc đã khơi nguồn yêu thương và sinh thành ra ông bà, cha mẹ mình. Chính dòng máu huyết thống và đạo lý “uống nước nhớ nguồn” ấy đã giúp cho thơ của Bích Bửu luôn dâng trào cảm xúc…
Nguồn yêu thương mãi tuân trào lặng lẽ
Từ ông bà, cha mẹ đến cháu con
Không suối nguồn nào sâu sắc dạt dào hơn
“Suối nguồn yêu thương” của tình thâm ruột thịt…
Tuy vậy:
Cha mẹ thương con bao nhiêu vẫn ít
Con yêu cha mẹ nhiều, còn có lúc lãng quên!
Vạn lời thơ không kể hết nguồn cơn
Chỉ mong chuyển tải chút nghĩa tình thảo hiếu.
(Suối nguồn yêu thương)
Bích Bửu là vậy. Lời thơ của chị rất dung dị nhưng ẩn chứa nhiều suy tư, tình cảm. Chị là người không được may mắn như bao người khác khi thiếu tình yêu thương của mẹ từ thuở ấu thơ, bởi khi chị tròn 1 tuổi thì cũng là lúc người mẹ dấu yêu đã từ biệt trên cõi đời này. Giờ đây, dù đã bước tuổi thất thập, nhưng khi nghĩ về mẹ, cảm xúc trong chị cứ ùa về…
Gọi mẹ
Mẹ ơi!
Mòn hơi
Khản cổ!
Ôi! Một cô gái nhỏ
Thật đáng thương!
Là con
Bảy mươi năm trước!
(Hồi ức)
Cũng chính vì sự thiếu thốn tình mẫu tử, nên Bích Bửu thương hại cho bản thân mình. Nhưng chính lúc ấy, chị lại sợ những đứa con mình lại giống mình thiếu thốn tình mẹ, chính vì vậy chị lại dồn hết tình thương cho những người con thương yêu của mình.
Nhà vui tiếng mẹ sớm mai
Bếp vui dáng mẹ đêm ngày lại qua
Mẹ bên cha, mẹ trong nhà
Cho con vui sống vượt qua dốc đời..
Hay:
Hai đầu tấm ván bập bênh
Mẹ ghì nặng để con lên cao vời
Ngước nhìn mắt mẹ sáng ngời
Thương sao ánh mắt mẹ cười với con!
(Lục bát mẹ và con)
Khi người mẹ Bích Bửu không may mất sớm, nên mọi gánh nặng, đau buồn đều đè nặng lên hai vai gầy của người cha. Cha vừa làm mẹ dỗ dành, chăm sóc con khôn lớn, rồi vừa phải làm cha dạy dỗ con nên người…
Cha nâng niu, che chở thuở ấu thơ
Cha an ủi, khuyên lơn thời khôn lớn
Ngày đông lạnh, cha là tia nắng ấm!
Lúc se mình, cha là thuốc giảm đau!
Rồi:
Con u buồn, cha thấu hiểu vì đâu
Khi con khóc, cha cũng trào nước mắt!
Cha là ngôi nhà che nắng mưa bất trắc
Là con tàu bền vững giữa phong ba…
(Tình cha)
Chính tình thương yêu vô bờ bến của người cha đã chắp cánh cho Bích Bửu ngày càng khôn lớn. Cứ ngỡ rằng, cha sẽ ở mãi mãi bên mình không thể lìa xa. Nhưng rồi… cái định luật vô thường “sinh – tử” ấy một lần nữa không buông tha cho chị, bởi người cha mà chị thương yêu nhất cũng từ giã cõi trần mà ra đi mãi mãi…
Phút giây thân phụ phải lìa đời
Vuốt mắt cha hiền, ngấn lệ rơi!
Con gái ôm thi hài giá lạnh
Gọi cha vô vọng lại kêu trời!
Để rồi:
Bốn bảy năm rồi vẫn nhớ cha
Nụ cười, ánh mắt chứa hiền hòa
Hiện ra như để ngầm an ủi
Khuyên nhủ bao lời thật thiết tha…
(Ngày giỗ phụ thân)
Tình phụ tử là thế, sự thương yêu là vô cùng không có giới hạn. Dù có yêu thương, kính trọng cha đến nhường nào đi nữa thì Bích Bửu cũng đành phải chấp nhận một thực tế là chị sẽ không còn giữ thân xác người cha trên cõi đời này nữa, mà chỉ có trái tim chị sẽ lưu giữ mãi hình bóng người cha thân yêu.
Là bầu trời cao xa, là nắng ấm ở gần
Là tất cả những gì con tha thiết!
Lòng cha bao la, tình cha bất diệt…
Cha vĩnh viễn sáng ngời trong trái tim con.
(Tình cha)
Cũng trong năm 2014, nhà thơ Bích Bửu bất ngờ xuất bản một tập thơ “Chuyện của bé” dành riêng cho các cháu thiếu nhi. Sáng tác thơ để dạy cho thiếu nhi thì nhiều người có thể viết được. Bởi: “Người già thương con, thương cháu, thương đến nung nấu con tim. Âu cũng là chuyện thường tình của người làm mẹ, làm cha, làm bà, làm ông. Nhưng thương yêu đến độ theo dõi từng cử chỉ, hành động của cháu để rồi làm thơ tặng cháu như món quà mừng tuổi nhỏ thì có lẽ trên đời này không có nhiều người, thậm chí thật hiếm hoi”- lời nhà văn Phạm Sỹ Sáu.
Cái xích đu
Chạy vù vù
Đưa thật mát
Em ca hát
Tiếng vang xa
Xích đu qua
Rồi lượn lại
Em đu mãi
Thật là ghiền!
(Cái xích đu)
Hay:
Cậu Út mới về
Chạy vô giành ngoại
Cậu luôn miệng nói:
“Ngoại quý cậu hơn!”
Bé dỗi bé hờn:
“Nghỉ chơi với cậu!”
Sà vào lòng ngoại:
“Bé “xí” ngoại rồi!
Ra chỗ khác chơi
Ngoại là của bé!”
(Giành ngoại)
Từng chữ, từng câu thơ của Bích Bửu viết cho các cháu thiếu nhi rất hồn nhiên và nhí nhảnh. Do tình yêu thương quá lớn của chị dành cho các cháu của mình nên Bích Bửu mới hiểu và nắm bắt rõ được tính cách và hành động của các cháu rành mạch như thế. Điều này càng khẳng định về sự phong phú trong đề tài thơ ca mà Bích Bửu đã dành trọn cho đời.
Nhìn chung, qua tập thơ “Suối nguồn yêu thương” nói riêng và thơ Bích Bửu nói chung luôn khiến người đọc suy ngẫm. Nhiều bài thơ chỉ đơn thuần nói về tình cảm giữa những con người với nhau, nhưng bằng những ngôn từ gần gũi, có tính bao quát, với sự “nhào nặn” tài tình, nhà thơ Bích Bửu đã tạo nên một bài thơ chứa đựng tình yêu thương bao la nhưng luôn dạt dào cảm xúc. Qua đó, nhà thơ Bích Bửu muốn nhắn nhũ đến mọi người, nhất là thế hệ trẻ về đạo hiếu, về tình người, tình yêu quê hương… Qua đó, mong muốn khuyến khích những người biết hiếu nghĩa sẽ phát huy thêm, người chưa tròn đạo hiếu sẽ thức tỉnh mà sống có tình người hơn… Theo chị, từ những tế bào nhỏ trong xã hội biết quý trọng mối quan hệ gia đình, sẽ giúp xã hội thêm yên bình, hạnh phúc…
Để kết lại bài viết này, tôi xin mượn câu nói của Balzac: “Tình yêu chân thực vĩnh cửu, vô biên và luôn là chính nó. Nó chân thực, trong sáng, không có những thể hiện hung bạo: người ta thấy nó tóc bạc và luôn luôn giữ một trái tim trẻ trung”. Và thơ của Bích Bửu luôn chân thực, trong sáng được là nhờ chị luôn giữ cho mình một trái tim trẻ trung như thế!.
Nhà thơ Bích Bửu sinh năm 1944 tại Quảng Nam, là hội viên Hội Nhà văn TP.HCM. Chị đã xuất bản 5 tập thơ và một số CD. Thơ chị đã được các nhạc sĩ phổ nhạc với hơn 150 ca khúc. Đến nay, chị đã nhận được khá nhiều giải thưởng như: Giải bạc (không có giải vàng) với tác phẩm “Lục bát mẹ và con) trong cuộc thi thơ “Tác phẩm vàng” toàn quốc năm 2011; Giải nhì (không có giải nhất) cuộc thi Quốc gia “Hương thơ Đất Việt” năm 2013; Giải nhất cuộc thi Quốc gia “Đất nước tình yêu” năm 2014 và một số giải thưởng khác.
Minh Khôi