Từ Đường Phái I, Chi II tộc Hồ Phước tại làng An Thành: Sự hưng thịnh của một dòng tộc ở Việt Nam

0
1250

Trong cộng đồng dân tộc Việt Nam, họ Hồ có mặt trên 1000 năm, từ tổ tiên xưa là Trạng nguyên Hồ Nguyên Dật. Ngài là người trong bộ tộc Bách Việt sang Việt Nam thời “Ngũ quý” (thế kỷ thứ X) làm quan Thái thú ở Diễn Châu (Nghệ An). Hậu duệ của ngài sau này có 2 vị làm vua là Hồ Quý Ly – Hoàng đế nước Đại Ngu và Nguyễn Huệ (còn có tên Hồ Thơm) – vua Tây Sơn lấy niên hiệu Quang Trung. Từ đó đến nay đã trải qua 36 đời, con cháu họ Hồ có mặt trên khắp mọi miền của đất nước và đóng góp một phần không nhỏ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…

Nguồn gốc họ Hồ Phước ở Cẩm Sơn

Theo gia phả họ Hồ Phước có ghi rõ, năm Ất Mùi 1535, có 5 vị tiền hiền đại diện 5 tộc họ: Phạm, Lê, Phan, Hồ, Nguyễn về lập nghiệp ở Cẩm Sa, Điện Nam, Điện Bàn, Quảng Nam, trong đó họ Hồ có vị tiền hiền là Đại lang Hồ Phước Lễ (Hồ Văn Lễ), người đã “khai sinh” ra dòng họ Hồ tại Quảng Nam. Từ đó, qua nhiều đời con cháu họ Hồ ngày càng nhân rộng và định cư rất nhiều nơi như Hội An, Quế Sơn, Điện Bàn… Ông Hồ Phước Lễ đời thứ 10 tính từ ngài thái thỉ tổ Hồ Hồng và ông có 4 người con trai:

  • Người con cả là ngài Hồ Công Sùng, giữ chức Thiên Vị Phò Nam, có công dẹp loạn Mạc Phúc Nguyên, Mạc Phúc Kính. Sau về lập nghiệp ở Châu Bí, Điện Tiến, Quảng Nam khoảng năm 1550.
  • Người con thứ hai là ngài Hồ Văn Từ, lập nghiệp ở An Cựu, Thừa Thiên Huế. Hiện ở đình làng Phú Xuân, TP Huế có thờ 7 vị tiền hiền khai cơ, và ngài Hồ Văn Từ đứng đầu trong danh sách 7 vị đó. Ngài có người con trai cả là Hồ Công Chuẩn về lập nghiệp ở Cổ Thành, Quảng Trị.
  • Ngài Hồ Công Long, người con trai thứ 3 lập nghiệp ở Cẩm Sa.
  • Còn ngài Hồ Phước Thị về lập nghiệp ở Núi Quế (Nghi Sơn), Quế Sơn.

Khi ngài Hồ Phước Lễ mất năm 1577 trong chiến trận Lê – Mạc, ông được người con trai thứ 4 là Hồ Phước Thị đem thi hài về chôn cất tại Núi Quế (Quế Sơn), sau chuyển qua Cẩm Sơn (nay thuộc thôn Cẩm An, xã Duy Trung, Duy Xuyên) và tồn tại đến nay hơn 400 năm.

Từ năm 1994, theo ước nguyện của con cháu dòng tộc, nhà thờ Hồ Phước tộc được xây dựng tại Cẩm Sơn để thờ các vị đệ nhất thế tổ Hồ Phước Lễ, vị tiền hiền Hồ Phước Thị và các vị hậu hiền Hồ Phước Vinh (phái Nhất), Hồ Phước Minh (phái Nhì) và các vị đời sau… Nhà thờ do ông Hồ Quang Châu (đời thứ 12) chủ trì xây dựng, kinh phí do con cháu họ Hồ đóng góp và vào ngày khánh thành có hơn 1500 người là con cháu nội ngoại họ Hồ ở Quảng Nam – Đà Nẵng và tại TP.HCM về tham dự.

Năm 2000, ông Hồ Duy Diệm (đời thứ 14) được Hội đồng gia tộc Hồ Phước ủy quyền đứng ra vận động tài chính, thiết kế, sửa chữa lại nhà thờ, xây dựng tường rào, cổng ngõ, đào giếng và trồng cây…

Nhà thờ Hồ Phước tộc tại Cẩm Sơn từ khi xây dựng đến nay đã trải qua 4 đời Tộc trưởng, cụ thể: Ông Hồ Phước Đạm làm Tộc trưởng đến 1995 thì mất, sau đó ông Hồ Phước Tường đảm nhận từ năm 1996 – 1999. Tiếp đến là ông Hồ Phước Thê đảm nhiệm cương vị này trong 5 năm (2000 – 2005) trước khi giao lại cho ông Hồ Phước Phô, đời thứ 14, phái I (con ông Hồ Phước Đạm) làm tộc trưởng từ năm 2006 đến nay.

Hằng năm, cứ vào ngày 12 tháng Giêng (ÂL), con cháu Hồ Phước tộc khắp nơi qui tụ về để dự giỗ ngài đệ nhất thế tổ Hồ Phước Lễ và thắp nén nhang tưởng nhớ vị tiền hiền tại nhà thờ Hồ Phước (Cẩm Sơn).

Từ đường Hồ Phước – Phái I, Chi II tại làng An Thành

Trải qua bao đời, con cháu họ Hồ Phước tại Cẩm Sơn ngày một đông đúc. Vì vậy, việc xây dựng thêm nhà thờ Hồ Phước, Mã Châu, Nam Phước và từ đường Hồ Phước – Phái I, Chi II tại làng An Thành (nay là thôn Nam Thành) là điều tất yếu tô điểm thêm cho sự phát triển thịnh vượng của một dòng tộc.

Đầu năm 2015, sau khi thông qua Hội đồng gia tộc họ Hồ Phước tại Cẩm Sơn, những người con của ông Hồ Phước Thính (đời thứ 14, phái I, chi II, đã mất), mà đặc biệt là người con thứ 5, anh Hồ Phước Ánh (người đang sinh sống tại TP.HCM) đã phối hợp cùng con cháu họ Hồ ở quê nhà, trong đó phải kể đến sự đóng góp không nhỏ của anh Hồ Phước Năm (Trưởng Chi) và ông Hồ Phước Tánh, tiến hành xây dựng từ đường Hồ Phước tộc – Phái I, Chi II tại làng An Thành trên diện tích 1500m2. Khu từ đường được xây dựng theo lối cổ xưa bao gồm 3 gian. Gian chính diện thờ đệ nhất thế tổ Hồ Phước Lễ, vị tiền hiền Hồ Phước Thị, ngài Hồ Phước Sanh (đầu chi Nhì); gian tả (bên trái) thờ ngài Hồ Phước Tâm; còn gian hữu (phải) thờ ngài Hồ Phước Cang.

Vào ngày 22 tháng 12 vừa qua (nhằm ngày 12 tháng 11 năm Ất Mùi), từ đường Hồ Phước tộc – Phái I, Chi II tại làng An Thành chính thức được khánh thành và đưa vào sử dụng trong niềm hãnh diện và vui sướng tột độ của con cháu Hồ Phước tộc. Đây sẽ là nơi thờ cúng tổ tiên và các bậc tiền hiền và những người trong chi phái đã quá cố…

Có thể nói, việc xây dựng từ đường Hồ Phước tộc – Phái I, Chi II tại làng An Thành nói riêng và nhà thờ Hồ Phước tộc tại Cẩm Sơn và Mã Châu nói chung là phúc duyên, là niềm tự hào và sự hoan hỉ của con cháu họ Hồ Phước gốc Cẩm Sơn cũng như con cháu họ Hồ Phước đang làm ăn, sinh sống tại TP.HCM. Nói về điều này, anh Hồ Phước Ánh nhấn mạnh: “Con cháu họ Hồ Phước tha phương có được ngày hôm nay là nhờ hồng phúc của tổ tiên nhiều đời ban tặng cho chúng ta sự bình yên và thăng tiến trong cuộc sống. Tất cả con cháu trong toàn tộc luôn ghi tâm, tạc dạ, nguyện một lòng tôn kính, chăm lo thờ phụng tổ tiên, phát huy truyền thống dòng họ, xứng đáng là con cháu thỉ tổ Hồ Quý Ly, đệ nhất thế tổ Hồ Phước Lễ…”.

Nam Phương