Thành phố của những cây cầu

0
1067

20 năm kể từ khi Đà Nẵng chia tách, không gian đô thị của thành phố được mở rộng khang trang và hiện đại hơn. Trong bức tranh tổng thể đa màu sắc đó, hạ tầng giao thông đóng một vai trò khá quan trọng; đặc biệt, những cây cầu với kiến trúc độc đáo, mới lạ cả về mặt công nghệ lẫn thẩm mỹ vắt ngang dòng sông Hàn thơ mộng như minh chứng cho sự năng động của đô thị trẻ Đà Nẵng – thành phố đáng sống!

Cầu Trần Thị Lý

Hiện đại và thu hút không kém cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý có chiều dài hơn 759m, rộng 35,5m, với trụ tháp nghiêng cao 127m, cùng hệ thống dây văng 3 mặt toả ra như hình cánh buồm đang căng gió, tiến thẳng ra biển Đông. Đây là cầu dây văng khẩu độ lớn, với kiến trúc độc đáo có tổng vốn đầu tư gần 2.000 tỷ đồng. Có người nhận xét, cầu Trần Thị Lý giống như cánh hạc đang bay cao lên trời xanh…

Cầu Nguyễn Văn Trỗi

Được xây dựng dã chiến của quân đội Mỹ chuyên chở khí tài chiến tranh từ cảng Tiên Sa vào thành phố. Lúc ấy cầu không có tên. Sau năm 1975, người ta đưa cầu vào sử dụng cho mục đích dân sinh và gọi là cầu Nguyễn Văn Trỗi. Đây là một cây cầu được nối từ các ống thép, hiện vẫn là một trong những cây cầu có kiến trúc lạ và đẹp của thành phố Đà Nẵng.

Hiện cầu Nguyễn Văn Trỗi được coi như một di tích lịch sử và sẽ trở thành cây cầu đi bộ, cùng với cây cầu đi bộ hình con sò – nằm khoảng giữa cầu Sông Hàn và cầu Thuận Phước sắp được khởi công xây dựng (dự kiến đầu tư 35 triệu USD) nhằm phục vụ cho khách bộ hành muốn tìm những phút giây thư giãn trong cảnh quan thơ mộng của sóng nước sông Hàn.

Cầu sông Hàn

Nối liền hai bờ trục Đông – Tây, cầu Sông Hàn khánh thành ngày 29/3/2000 và được xem là biểu tượng, sức bật của Đà Nẵng trên đường đổi mới. Cây cầu nối liền hai bờ sông Hàn với chiều dài 487,7m, rộng 12,9m, gồm 11 nhịp, mỗi nhịp dài 33m. Du khách đến đây có thể lang thang hóng gió và đợi chờ. Đúng 12h đêm, thời khắc cây cầu từ từ chuyển mình, rời hai bờ để xuôi theo dòng sông, giúp cho tàu thuyền qua lại dễ dàng hơn. Và đến khoảng 3h30 sáng, cây cầu lại trầm mặc với vị trị cũ, chờ đón mọi người qua lại vào một ngày mới.

Cầu Tiên Sơn

Cái độc đáo của cây cầu Tuyên Sơn (còn gọi cầu Tiên Sơn) nằm ở tầm cỡ quốc gia và khu vực: đây là cây cầu vượt sông cuối cùng trên Hành lang Kinh tế Đông – Tây trước khi con đường xuyên Á này vươn ra biển Đông qua cảng nước sâu Tiên Sa. Cái độc đáo nữa nằm ở tên gọi cây cầu, đúng hơn là nằm ở quá trình Quảng Nam hay cãi về tên gọi cây cầu nhằm khẳng định rằng giữa Tuyên Sơn và Tiên Sơn thì cách gọi nào đúng với ý tưởng của cha ông xưa khi đặt địa danh này.

Cầu Cẩm Lệ

Đây là cây cầu được xây dựng từ năm 2001, thi công theo công nghệ đúc hẫng – một công nghệ tiên tiến trên thế giới, nhưng chưa phổ biến ở Việt Nam. Cầu có chiều dài 399m, rộng 14,5m với sơ đồ nhịp là: 42m+5x63m+42m= 399m. Mặt cắt ngang dạng hộp thành xiên với chiều cao thay đổi từ 1,8m đến 3,8m, độ xiên của thành hộp là 10/1. Để áp dụng công nghệ thi công đúc hẫng, đơn vị thi công đã chế tạo thành công thiết bị chính là xe đúc hẫng. Đây là công nghệ giải quyết cùng lúc nhiều bài toán về xây dựng cầu như mặt bằng thi công, giá thành, thời gian thi công và đặc biệt là tăng tuổi thọ kết cấu của công trình.

Cầu Thuận Phước

Khánh thành vào tháng 7-2009, với tổng kinh phí đầu tư gần 1000 tỷ đồng. Cầu Thuận Phước dài 1.855m, rộng 18m, là cầu dây võng dài nhất ở Việt Nam nối liền thành phố với cảng biển Tiên Sa tuyệt đẹp. Tổng thể cầu Thuận Phước gồm 2 phần: Phần cầu bê-tông dự ứng lực dài 1.200m, gồm 24 nhịp, dầm hộp bê-tông cốt thép dài 50m, được thi công bằng công nghệ đổ bê tông tại chỗ trên giàn giáo cố định; phần cầu treo dây võng dài 655m, với kết cấu sơ đồ nhịp 125+405+125m. Cây cầu nối bán đảo Sơn Trà và quận Hải Châu, là chiếc chìa khóa vàng dẫn vào “nàng tiên” Sơn Trà đang say ngủ với nhiều giá trị tiềm năng. Đêm về, cầu Thuận Phước như một nàng công chúa mỹ miều, rực rỡ đèn in bóng xuống sông Hàn.

Cầu Rồng

Cầu Rồng – Con Rồng thép lớn nhất thế giới (Đà Nẵng đăng ký kỷ lục Guiness thế giới) với dáng dấp độc đáo, được đầu tư gần 1.500 tỉ đồng, có thiết kế dài trên 666m, nhịp chính dài 200m, chiều rộng 37,5m, có 6 làn xe và lề hai bên dành cho người đi bộ (rộng 2,5m), tổng lượng thép làm nên cầu Rồng là 9.000 tấn. Khi đưa vào hoạt động, đầu của Rồng có thể phun lửa, phun nước.

Đăc biệt, Cầu Rồng được xem là biểu tượng cho một giai đoạn phát triển mới, động lực cho khí thế cất cánh mới của thành phố. Hình dáng cầu được mô phỏng theo hình tượng con Rồng phản ánh mong muốn thành phố ngày càng phát triển vững vàng với tầm thế vươn ra biển lớn. Cầu Rồng là công trình vĩnh cửu, một điểm nhấn cảnh quan độc đáo, biểu tượng kiến trúc mới của thành phố tỏa ánh sáng làm cho sông Hàn càng thêm lung linh vẻ đẹp mà chắc không một thành phố nào của cả nước có được.

Cầu Hòa Xuân và cầu Nguyễn Tri Phương

Cây cầu sinh đôi, kết nối các đô thị vùng ven phía Nam với trung tâm thành phố và các tỉnh phía Nam, kết nối phát triển kinh tế du lịch vùng Đà Nẵng – Hội An, Quảng Nam. Cầu được khởi công từ tháng 5.2011 với tổng chi phí xây dựng 1.062 tỉ đồng.

——o0o——

Dòng sông Hàn thơ mộng, ngày càng như xích lại gần nhau hơn vì sự xuất hiện của những chiếc cầu tạo nên điểm nhấn ấn tượng. Việc xây dựng các cây cầu bắc qua sông Hàn, không chỉ tạo thêm thuận lợi cho giao thông vận tải, phát triển du lịch, khơi dậy tiềm năng kinh tế của một vùng đất rộng lớn ở phía Đông thành phố mà còn là một dấu ấn văn hoá của người Đà Nẵng hôm nay và mai sau.

Như Anh