Những sản vật Quảng Ngãi

0
1128

Trong tâm thức của người dân Quảng Ngãi, núi Ấn – sông Trà không chỉ là hình ảnh biểu trưng cho quê hương mà còn là điểm tựa cho tâm hồn con người. Ở đó mang sự lắng đọng ẩn chứa những niềm tự hào xứ sở. Và chính từ trong dòng chảy của sông nước quê hương, địa hình của rừng núi đã sản sinh ra những sản vật, những món ăn dân dã thân quen, mang đậm dấu ấn của tình đất, tình người, làm lưu luyến người đến ở, nhắc nhớ người đi xa.

  1. Món don

Dòng Trà Khúc trước khi hoà mình vào đại dương, tại nơi vị ngọt của sông gặp gỡ vị mặn của biển mà người dân địa phương gọi là nước chè hai đã hình thành vùng cư trú của một loài nhuyễn thể nước lợ, đó là con don.

Món don tuy mộc mạc, lại không cầu kì, và được chế biến theo công thức giản dị mà không trùng lặp với bất kì món ăn nào trên đất nước ta. Bánh tráng sống và thịt don được cho vào tô chan nước luộc don thêm ngọt, đã có thêm gia vị ăn kèm với bánh tráng đã nướng giòn và những trái ớt chỉ thiên. Sức hấp dẫn của nó chính là ở hương vị nguyên sơ của sông nước Trà giang và ở lời ví von ngọt ngào của những chị bán don trong quán ăn dân dã.

  1. Kẹo gương

Tại Quảng Ngãi, nghề làm kẹo gương được phổ biến khắp nơi nhưng chỉ có kẹo gương sản xuất tại thị trấn Thu Xà, cách thành phố Quảng Ngãi chừng 10km về hướng đông, mới thơm ngon và nổi tiếng hơn cả.

Nguyên liệu làm kẹo gương là đường, mè rang và đậu phụng. Kỹ thuật nấu kẹo gương tinh tế, khéo léo ở khâu nấu đường sao cho tới độ, mè rang sao cho vừa chín trắng, đậu phụng rang sao cho vừa chín thơm và khâu kết hợp lại tất cả những nguyên liệu nói trên. Từ trong khoảng 15-20 phút, người thợ đã tạo được thành một tấm kẹo gương rộng và dài như mảnh kính trong mang vị ngon thanh khiết.

  1. Quế Trà Bồng

Từ bao đời, cây quế gắn bó máu thịt với đời sống đồng bào dân tộc Cor ở huyện miền núi Trà Bồng (Quảng Ngãi). Quế sử dụng làm gia vị, hương liệu hoặc chiết xuất để lấy tinh dầu, dùng trong nhiều bài thuốc đông y. Đặc biệt có thể sử dụng cả vỏ quế, gỗ quế và lá quế làm nên các sản phẩm được thị trường ưa chuộng như đồ mỹ nghệ, bình, chén, hộp đựng trà, đựng tăm, nhang quế hương thơm dịu nhẹ…

  1. Cá bống sông Trà

Một đặc sản quen thuộc nữa của người dân Quảng Ngãi là cá bống sông Trà. Và cá bống kho tiêu là món ăn đặc biệt của vùng sông nước Trà Giang. Ngon nhất phải nói đến loại cá bống cát ở sông Trà gọi là “Trà Giang sa ngư” với vị cay cay mặn mặn của gia vị, thơm thơm dai dai của thịt cá, ăn mãi mà không chán. Món này một thời người dân miền núi Ấn sông Trà dùng làm quà thăm sui gia hoặc làm quà hỏi vợ. Có biết bao cô gái đã xiêu lòng những chàng trai cũng chính vì món này.

Một bí quyết để cá bống luôn thơm ngon, giữ được vị riêng là khi kho cá không bao giờ cho nước lã mà chỉ kho cá bằng thứ nước mắm và đường cát. Vì thế ngày nay, cá bống kho tiêu không chỉ là thương hiệu đặc sản ẩm thực của Quảng Ngãi mà còn là thông điệp từ văn hoá của những con người dân dã, mến khách của vùng núi Ấn – sông Trà.

  1. Kẹo mạch nha

Ai đã từng đến xứ Quảng, lúc trở về đều không quên mang theo những lon mạch nha, hình thức nhãn hiệu tuy đơn sơ nhưng kẹo trong, ngon, sản phẩm đặc biệt của một vùng. Đặc biệt, Mạch nha Thi Phổ – Mộ Đức là sản phẩm có chất đường lấy từ gạo nếp, có độ dẻo nhưng không dai, có màu vàng trong như mật, vị ngọt thanh, thơm ngon mùi nếp. Người ta thường dùng mộng lúa để làm mạch nha, chính vì thế mà tên mạch nha có nghĩa là mộng lúa. Mạch nha nấu kỹ có thể để được lâu chuyên chở đi xa được, là món ăn vừa ngon vừa rẻ, đậm đà hương vị quê hương.

6. Đường phèn, đường phổi

Quảng Ngãi là xứ sở của mía đường, và đường phèn là loại đặc sản nổi tiếng của vùng đất này. Đường ở dạng kết tinh trong suốt, tựa như những thỏi thạch anh, với nhiều hạt đường hình lập thể. Khi ăn, thỏi đường phèn vỡ ra, giòn tan, vị ngọt thanh, thấm dịu vào đầu lưỡi. Cũng từ nguyên liệu là cây mía, khi nấu đường phèn, người ta cho thêm vôi bột và trứng gà để biến chất dơ trong đường thành bọt. Đây là bí quyết để tạo nên thứ nước đường thanh, sạch và thơm. Đường được nấu chín, sau đó múc ra đưa vào những thùng chứa có để những nòng tre ghim sẵn và chính ở những nòng ghim này mà đường phèn được đóng khối và kết tinh trong vòng khoảng một tuần.

Tương tự, đường phổi cũng là đặc sản riêng của Quảng Ngãi. Đường phổi được nấu từ đường mật mía nhưng đòi hỏi ở nhiệt độ cao để làm “chết” mật. Nấu đường phổi phải tốn nhiều dầu phụng để làm cho trơn đường và nước vôi tinh lọc để loại bỏ tạp chất cũng như cho thêm trứng vào để tạo hương vị. Những miếng đường phổi hình khối vuông hay khối chữ nhật có màu vàng sậm hay màu vàng đất sét, rất giòn, vị ngọt thanh.

  1. Tỏi Lý Sơn

Lý Sơn được mệnh danh là “vương quốc” tỏi của tỉnh Quảng Ngãi. Tỏi Lý Sơn đã và được Cục Đo lường Chất lượng Kiểm định là một loại tỏi độc nhất vô nhị với: hương vị thơm ngon, chữa được các bệnh như: Hạ huyết áp, tăng súc đề kháng cho cơ thể, chống cảm cúm…

Cùng với khí hậu, thì đất ba-zan và cát biển đã góp phần tạo nên hương vị độc đáo của củ tỏi ở huyện đảo Lý Sơn mà không nơi nào có được. Những ai dùng rồi mới thấy Tỏi Lý Sơn là một sản phẩm không thể thiếu trong bữa an hằng ngày.

Du khách chưa từng đến Quảng Ngãi sẽ phải bất ngờ với những đặc sản phong phú và vô cùng hấp dẫn ở đây. Có những món ăn đơn giản đến mức không thể nào đơn giản hơn được nữa, ấy vậy mà nó trở thành đặc sản của một địa phương. Trong đó, phải kể đến 4 đặc sản: cá bống sông Trà, món Don, kẹo gương và quế Trà Bồng đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục. Ngoài ra, UBND tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục chọn 2 đặc sản quế Trà Bồng và hành, tỏi Lý Sơn đề nghị Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trình Tổ chức Kỷ lục châu Á xác lập kỷ lục châu Á. 

Dược Thảo